World Bank: Hai bài học lớn từ việc xử lý tốt Covid-19 giúp Việt Nam thành nền kinh tế thu nhập cao năm 2045

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể sử dụng ngay những bài học từ việc xử lý thành công khủng hoảng Covid-19 để giải quyết tốt hơn những thách thức về môi trường và khí hậu.

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tổ chức buổi Công bố Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12 năm 2020.

Tại buổi công bố báo cáo, ông Jacques Morisset, kinh tế gia trưởng và lãnh đạo dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đặt vấn đề "tại sao Việt Nam lại chưa xử lý hiệu quả những thách thức về môi trường và khí hậu như cách Việt Nam xử lý khủng hoảng Covid-19".

World Bank: Hai bài học lớn từ xử lý tốt COVID-19 giúp Việt Nam tiến gần mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch khi đi trên đường phố Hà Nội hồi tháng 5. (Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP).

Ông Jacques Morisset nêu những con số so sánh về ảnh hưởng của Covid-19 và của đợt mưa lũ lịch sử gần đây.

Đến nay Covid-19 mới chỉ gây ra 35 ca tử vong, trong khi thiên tai chỉ trong tháng 10 và 11 đã gây thương vong đến trên 250 người, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,5 triệu người.

Các biện pháp kiểm soát đại dịch đã gây ra tổn thất kinh tế đáng kể trong năm 2020, dự kiến làm giảm 4,2% tăng trưởng GDP so với quỹ đạo kinh tế trước khi có virus corona. Trong khi đó, thiệt hại kinh tế do bão gây ra ước rơi vào khoảng 1,3 tỷ USD, hay khoảng 0,5% GDP.

Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh khi đưa ra những so sánh trên, ông không có ý chứng tỏ rằng thiên tai và khí hậu là nguy cơ nghiêm trọng hơn so với một đại dịch lớn chưa từng có trong những thập kỷ qua, hoặc ngược lại.

"Kiểm soát tốt đại dịch và bão lũ đều có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, điều tôi muốn nhấn mạnh là làm thế nào để chính phủ giải quyết tốt hơn cả hai vấn đề này trong tương lai", ông nói.

Ông Jacques Morisset cho rằng ứng phó nhanh với đại dịch là điều kiện cần, bởi nếu không số người chết sẽ tăng nhanh và có thể không kiểm soát được trong thời gian ngắn. Việc ứng phó nhanh cũng đồng thời hạn chế được tác động tàn phá kinh tế và xã hội. Trong khi đó, những thách thức về môi trường và khí hậu lại chưa được nhìn nhận với tinh thần khẩn trương tương tự. Đó cũng là lý do tại sao chính phủ và người dân các nước có vẻ hành động chậm chạp với những thách thức đó.

Đúng là gánh nặng biến đổi khí hậu chủ yếu do các thế hệ tương lai phải hứng chịu, nhưng do dự và buông xuôi ở ngay thời điểm này cũng gây ra những thiệt hại rõ ràng.

Ngoài thiệt hại từ bão với tần suất và cường độ ngày càng lớn thì ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam là một nguyên nhân gây tử vong cho 60.000 người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Đồng bằng Sông Cửu Long là một ví dụ về thảm họa về sinh thái do mực biển dâng cao, đất canh tác bạc màu, dẫn tới tổn thất về năng suất nông nghiệp. Về tổng quan, thiệt hại kinh tế về môi trường và biến đổi khí hậu có thể tương đương 6-7 điểm % GDP của Việt Nam, theo một ước tính của ADB.

"Số liệu mới nhất của Báo cáo Điểm lại Tình hình Kinh tế Việt Nam do chúng tôi thực hiện chỉ ra rằng Việt Nam có thể sử dụng ngay những bài học từ việc xử lý thành công khủng hoảng Covid-19 để giải quyết tốt hơn những thách thức về môi trường và khí hậu của mình", kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nói.

World Bank: Hai bài học lớn từ xử lý tốt COVID-19 giúp Việt Nam tiến gần mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao - Ảnh 2.

Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam có thể sử dụng ngay những bài học từ việc xử lý thành công khủng hoảng Covid-19 để giải quyết tốt hơn những thách thức về môi trường và khí hậu. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Ông Jacques Morisset đề cập đến hai bài học lớn.

Thứ nhất là khủng hoảng Covid-19 chứng tỏ rằng tốt hơn hết là luôn ở trạng thái sẵn sàng và hành động nhanh và quyết liệt khi cú sốc bên ngoài xảy. Nhờ đó, các chính sách, hoạt động và đầu tư Việt Nam cần nhanh chóng lấy yếu tố xanh và sạch làm chủ đạo.

Không hành động ngay sẽ làm tăng chi phí lên nhanh chóng, vì rất nhiều thiệt hại là không thể đảo ngược. Báo cáo đưa ra một vài gợi ý để giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong về khôi phục xanh và sạch cả trên đất liền và đại dương trong thời kỳ hậu đại dịch.

Bài học thứ hai là các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã triển khai nhanh chóng những biện pháp chống dịch thành công. Ngoài tầm nhìn và năng lực, họ còn cho phép thử nghiệm và áp dụng những cách làm mới sáng tạo.

Điều này được thể hiện ở sự kết hợp giữa sử dụng khai báo điện tử để theo dõi các ca nghi nhiễm và dương tính, sự phối hợp khéo léo giữa các bộ ban hành, giữa trung ương và địa phương, thông tin minh bạch cho đông đảo người dân qua các công cụ và nền tảng công nghệ số.

Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo đó nên được nhân rộng để giải quyết các vấn đề môi trường vì đó là cách giúp tăng cường trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của cá nhân và tập thể. Đây là những yếu tố căn bản giúp con người thay đổi hành vi khi phải đối phó với nguy cơ bệnh dịch hoặc môi trường.

"Tôi hoàn toàn tin rằng nếu áp dụng hai bài học trên, Việt Nam không những có thể cải thiện khả năng chống chịu và bền vững mà còn hoàn thành được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Hãy làm ngay, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và cũng sẽ học được cách phát triển thông minh hơn vì mục tiêu của phát triển kinh tế không chỉ để làm ra của cải mà còn nhằm làm sao không phá hủy chính tài sản do mình tạo ra", ông Jacques Morisset nhấn mạnh.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.