Đây là thông tin được bà Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong khuôn khổ hội nghị đang được tổ chức tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Bà Reinhart nhận định kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhanh chóng khi tất cả các biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm phòng dịch được dỡ bỏ. Tuy nhiên, quá trình hồi phục hoàn toàn sẽ mất tới 5 năm.
Nhà kinh tế trưởng của WB cũng cho rằng cuộc suy thoái do đại dịch gây ra sẽ kéo dài ở một số nước hơn những nước khác. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng khi những nước nghèo nhất lại trở thành nạn nhân chịu nhiều tổn thương nhất từ khủng hoảng Covid-19.
Bà cho biết thêm, lần đầu tiên trong 20 năm qua, tỷ lệ người nghèo đói toàn cầu sẽ tăng sau cuộc khủng hoảng vì Covid-19.
Nền kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới đối mặt với suy giảm nghiêm trọng do đại dịch, dù chính phủ các nước công bố nhiều gói kích thích tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Báo cáo mới nhất công bố ngày 16/9 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, tăng trưởng kinh tế thế giới đang trên đà giảm 4,5% trong năm nay. Dù vậy, đây vẫn là một dấu hiệu tích cực khi trong dự báo của OECD đưa ra hồi tháng 6 vừa qua, mức giảm này là 6%.
Đại dịch sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD. OECD nhận định, nếu thế giới kiểm soát được đại dịch, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021.
Trong kịch bản kém khả quan hơn khi dịch bệnh tái bùng phát và các lệnh hạn chế, phong tỏa được áp đặt trở lại, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 có thể sụt giảm 2-3% so với mức dự báo.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây.
Tính riêng năm 2020, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ có thể sẽ giảm 5,9%. Nhiều chuyên gia cũng nhận định đà hồi phục của Mỹ khá mong manh, có thể trải qua một chu kì yếu kém trong thời gian dài.
Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ chi nhánh New York, John Williams cho rằng Mỹ sẽ cần 1-2 năm hoặc lâu hơn để phục hồi nền kinh tế. IMF cũng dự báo Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,2% vào năm nay, còn cả khu vực châu Á có thể sẽ bị ngừng tăng trưởng lần đầu trong 60 năm qua.
Với nền kinh tế khu vực châu Âu, IMF cũng cho rằng tình hình khá ảm đạm. Do đại dịch Covid-19, kinh tế châu Âu có thể suy giảm 7,9% trong năm nay.