Vựa rau trọng điểm của tỉnh là cánh đồng rau xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi với hơn 200 ha mấy ngày qua vẫn chưa thu hoạch nhiều dù quá lứa, do giá rau liên tục rớt giá mạnh, khiến nông dân điêu đứng. Nhiều nông dân đã nhổ bỏ vườn rau để kịp xuống giống cho vụ rau sau tết.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - ở xã Tịnh Long cho biết, từ mùng 1 Tết đến giờ, ông phải túc trực ở đồng ruộng, vì rau màu không bán được, lại công tưới nước, chăm sóc, gieo giống mới.
Theo ông Sơn, giá rau xà lách, dưa leo, đậu cove ở mức 1.000 đồng/kg, hành lá giá 5.000 đồng/kg, mồng tơi giá 2.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng.
“Năm ngoái, thời điểm tết, giá rau màu đều ở mức 10.000 - 50.000 đồng/kg, một số loại như dưa leo là 20.000 đồng/kg, rau má gần 50.000 đồng/kg,…nhưng năm nay, giá thấp quá, đến mức nông dân không muốn ra đồng hái bán vì thu không lại công chạy”, ông Sơn nói.
Bà Chi nhổ vườn rau xà lách vì giá thấp, chỉ 1.000 đồng/kg. Ảnh SGGP |
Ông Sơn có 3 sào rau màu, một số bán trước tết, còn lại 1 sào bị ứ đọng đến giờ vẫn chưa có tư thương đến mua. Mà rau đã già quá lứa mà không ai mua, nếu không nhổ bỏ cho bò ăn thì không thể kịp vụ tới.
Cũng sinh sống tại xã Tịnh Long, ông Võ Bê, cũng trồng 1 sào rau gồm hành, mồng tơi, rau thơm, rau má, ngoài số lượng rau quá lứa phải bán tháo với giá rẻ thì ông Bê vẫn còn 1/4 hành lá chưa bán được.
Ông Bê cho biết, rau bán ra vẫn chủ yếu cho người thu mua các chợ, không có mối lái, giá cả tùy thuộc vào người mua và thị trường tiêu thụ.
Ngay cả các vườn rau được quy hoạch rau hữu cơ cũng điêu đứng. Bà Trương Thị Chi, đang nhổ bỏ rau xà lách bỏ dưới mương ruộng để làm phân bón cho cây ớt vừa được bà gieo xuống cách đây khoảng nữa tháng.
Gia đình bà Chi có làm 1 sào rau hữu cơ gồm xà lách, mồng tơi, rau muống, đầu tư hơn 1,5 triệu, chưa kể công chăm sóc, bà bán rẻ cả đám ruộng chỉ thu về gần 500.000 đồng.
Bà Chi cho biết: “Giờ rau xà lách không bán được, để xà lách lại thì cây ớt trồng xen canh không phát triển được nên tôi phải nhổ bỏ xà lách. Ngay cả dịp Tết, tôi dù làm việc vất vả ngoài đồng, vẫn không đủ mua giống xuống vụ tới. Năm nay, nông dân trồng rau có mùa Tết kém vui”.
Thế nhưng, câu chuyện rau bị rớt giá sau Tết không phải năm nay mới diễn ra, Tết năm 2017 cũng xảy ra tương tự.
Còn nhớ, dịp Tết Đinh Dậu, không chỉ người chăn nuôi khốn đốn vì giá thịt lợn hơi giảm kỷ lụcchỉ còn 24.000-27.000 đồng/kg mà ngay cả những người trồng rau sạch cũng buồn vì rau rẻ như cho, lượng tiêu thụ vẫn thấp.
Nguyên nhân là do thời tiết nắng ấm, rau phát triển tốt, nguồn cung khá dồi dào. Không còn cảnh khan hàng như mọi năm nên giá rau rẻ so với các năm trước.
Thực tế, thời gian qua, thực trạng nhiều mặt hàng nông sản trong nước liên tiếp rớt giá và đã có nhiều cuộc chung tay để "giải cứu". Đến thời điểm này, giá cả một số mặt hàng nông sản lên xuống bấp bênh khiến các hộ dân lo lắng, không biết sản phẩm của mình sẽ tiêu thụ ra sao.
Câu hỏi đặt ra là, khi nào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá mới chấm dứt? nhất là khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và phải cạnh tranh với các mặt hàng nông sản ngoại nhập.
Câu chuyện tiêu thụ nông sản nóng lên khi dư luận đang quan tâm đến sự sống còn của người nông dân trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhớ lại chuyện giá lợn cách đây vài tháng, có thời điểm giá xuống dưới đáy với 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng, nhiều hộ bỏ chuồng trại để chuyển đổi nghề.
Hay như tình trạng xoài có thời điểm đang từ 30.000 đồng/kg, bỗng rớt giá thê thảm xuống còn trên dưới 10.000đ/kg.
Rõ ràng, sự phát triển ồ ạt trồng các loại nông sản hàng hóa không tính đến đầu ra của thị trường; người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ không kết nối thành 1 chuỗi sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường.