Hà Nội tồn tại nhiều "điểm đen" rác thải gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan đô thị. (Ảnh: Di Linh).
Mỗi người dân đều mong muốn TP xanh, sạch, đẹp tuy nhiên không phải ai cũng thay đổi được thói quen vứt rác tùy tiện, không đúng nơi qui định.
Thậm chí, nhiều người coi đây là việc vứt rác ra đường là đương nhiên bởi mình đã trả tiền vệ sinh môi trường và có người đi dọn.
"Trước đây, tôi thường đi tập thể dục sớm và bỏ rác ngoài gốc cây trên vỉa hè, nhiều người cũng làm như vậy. Một ngày, tôi khá bận và bỏ rác khi chở con trai tôi đi học.
Trên đường đi, cháu hỏi tôi "tại sao bố lại vứt rác ở gốc cây trong khi ở nhà luôn bắt con bỏ rác vào thùng?". Tôi rất xấu hổ!", anh N.T.M (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Theo anh M. từ đó, gia đình anh chờ đến khi có kẻng rác mới đưa rác ra xe chứ không bỏ rác ở ngoài đường hoặc treo trước nhà công nhân vệ sinh đi thu gom.
"Tôi nộp tiền rồi, các người đi mà dọn. Tôi không vứt ra thì lấy gì mà làm. Đây là câu tôi nghe được từ một người hàng xóm. Trước đây, tôi cũng đã từng nghĩ như vậy.
Có lẽ, muốn mỗi người có ý thức trong việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi qui định cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường cần cho họ thấy vứt rác bừa bãi là việc đáng xấu hổ", anh M. chia sẻ thêm.
(Ảnh minh họa: Zing.vn).
Nói về việc xấu hổ khi vứt rác bừa bãi, chị N.T.T.H (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) cũng đã chia sẻ với chúng tôi một câu chuyện trong chính gia đình mình.
"Mới đây, vợ chồng tôi, các con và bố có đi chơi. Khi lên xe, ông có thói quen lấy giấy lau ghế cho các cháu. Hôm đó, không hiểu sao khi lau xong, ông vứt giấy lau qua cửa kính.
Lúc đó, chồng tôi có nói "sao bố lại làm thế" và một số người đi đường cũng quay sang nhìn bố tôi. Ông rất bối rối, xấu hổ và vội xuống xe nhặt giấy lên. Từ đó, ông thay đổi rất nhiều về thói quen bỏ rác tùy tiện", chị H. nói.
Phế liệu xây dựng vứt tràn lan ngoài đường ở một số tuyến phố của Thủ đô. (Ảnh: Di Linh).
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia tâm lí cho rằng muốn thay đổi hành vi vứt rác bừa bãi cần chế tài và cụ thể là "đánh" vào kinh tế để thay đổi thói quen.
"Việc lắp camera phạt nguội tôi cho là cần thiết. Phạt nguội, phạt nặng sẽ khiến tạo thành "nỗi đau nhớ lâu" và hình thành thói quen.
Vứt rác bừa bãi, tiểu bậy cũng thế. Trước đây, chúng ta từng ra quân xử lí tiểu bậy được vài trường hợp nhưng rồi lại thôi. Việc xử lí cần làm thường xuyên mới có thể mang lại hiệu quả", vị này nói.
Cũng theo chuyên gia tâm lí trên, ngoài chế tài, xã hội có thể lên án hành vi vứt rác bừa bãi.
"Hiện tại, mạng xã hội đang lan tỏa rất lớn từ người già đến trẻ em. Tại sao chúng ta không ghi lại, lên án các hành vi này trên mạng xã hội?
Bên cạnh đó, việc giáo dục, hình thành thói quen cho trẻ em từ trong nhà trường về vấn đề bảo vệ môi trường cũng rất cần thiết. Khi hình thành ý thức từ trẻ em sẽ tạo sự thay đổi cho người lớn từ chính hành động của các em", chuyên gia tâm lí chia sẻ thêm.
Ngoài rác, mẩu thuốc lá cũng bị vứt khắp nơi ở Thủ đô. (Ảnh minh họa: Di Linh).
Chia sẻ về vấn đề giáo dục các con giữ vệ sinh môi trường, anh C.V.T (Mê Linh, Hà Nội) cho biết gia đình thường dạy các cháu về việc ở nhà tự bỏ rác vào thùng, phân công các cháu đưa rác ra xe khi công nhân môi trường gõ kẻng. Anh cũng rất đồng tình với việc nên lắp camera tại những "điểm đen" rác thải để người dân có ý thức hơn và tạo thành thói quen.
"Gia đình tôi mới chuyển về đây, có bữa sửa mái tôn (nhà cấp 4) bị dột tôi mới phát hiện ra mái nhà đầy vỏ hộp sửa, mẩu thuốc lá có lẽ từ những nhà khác ném sang.
Mấy hôm sau, tôi xin mấy chiếc camera an ninh đã hỏng từ một người bạn để gắn trên mái, hướng lên xung quanh. Từ đó, mái nhà của tôi không còn rác", anh Tuấn chia sẻ.