Xác định hành vi phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm.

Em và vợ cũ đã ly hôn lâu có chung một đứa con. Gần đây, vợ cũ em đã vào nhà riêng hiện tại của em, sau khi nói chuyện cô ấy có hành động dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu em. Sau ba cái đánh của cô ấy, em có đánh lại. Em xin hỏi, hành động của em như vậy có phải là tự vệ chính đáng không hay bị phạm luật vì cô ấy đang làm đơn kiện?

Độc giả: Lê Trịnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Bộ luật Hình sự (BLHS) đã thể hiện rõ “Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Do đó, trong mọi trường hợp nếu thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng thì người có hành vi chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các quyền, lợi ích của mình hoặc người khác thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, chỉ có hai trường hợp:

- Không có tội phạm xảy ra.

- Có tội phạm xảy ra. Vậy, tội phạm xảy ra là do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (dấu hiệu định tội hoặc định khung) hay phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Việc đánh giá một hành vi chống trả lại sự xâm hại là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là rất phức tạp trong các vụ án cụ thể vì không có một công thức nào đúng cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, để giúp cho những người áp dụng pháp luật vận dụng một cách chính xác các quy định về phòng vệ chính đáng nhằm hạn chế những trường hợp oan sai cũng như để tránh việc bỏ lọt tội phạm. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn thế nào là hành vi phòng vệ có mức độ cần thiết, để phân biệt giữa phòng vệ chính đáng với vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Khi vận dụng các nguyên tắc theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao và qua thực tiễn áp dụng pháp luật về phòng vệ chính đáng ở Việt Nam trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm đối với các trường hợp phòng vệ bằng cách gây thiệt hại cho tính mạng và sức khỏe của người có hành vi xâm hại mà chúng ta thường gặp nhất.

Nếu so sánh về khách thể của hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ, tính chất mức độ mãnh liệt của hai hành vi, hậu quả tác hại gây ra mà rõ ràng hành vi phòng vệ chỉ ngang bằng hoặc nhỏ hơn so với hành vi xâm hại thì trong mọi trường hợp hành vi phòng vệ được coi là chính đáng.

Trái lại, nếu hành vi tấn công mang tính nhỏ nhặt, sự tấn công không quyết liệt, tương quan lực lượng nghiêng về phía người phòng vệ nhưng hành vi phòng vệ lại mang tính chất rất mạnh mẽ, sự chênh lệch giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công quá rõ ràng thì hành vi chống trả lại trong trường hợp này không được coi là phòng vệ chính đáng, thậm chí không được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà bị coi là trường hợp phạm tội thông thường.

Theo thông tin bạn cung cấp, vợ cũ của bạn có hành vi xông vào nhà bạn, đánh bạn và phá hoại tài sản của bạn, bạn có giằng co và tát vợ cũ của bạn dẫn đến mắt trái bị sưng. Do bạn không nói rõ thiệt hại của hai bên như thế nào nên chưa thể xác định đây có phải là phòng vệ chính đáng hay không?

Bộ luật hình sự 1999 quy định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu hành vi của bạn gây tỷ lệ thương tật cho vợ cũ từ 11% trở lên và đây không phải là phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích. Khi tòa án xét xử sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây ra xô xát giữa hai bên để xác định khung hình phạt đối với bạn.

Nếu việc gây thương tích của bạn do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự 1999 tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Nếu việc chống trả lại của bạn là phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn và vợ cũ sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.