​Xâm hại tình dục trẻ em: Cục Trẻ em không lên tiếng tùy tiện!

“Không phải vụ việc nào, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em chúng ta cũng đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể nói rằng sự lên tiếng của chúng tôi dựa trên lợi ích tốt nhất cho trẻ em, lợi ích tốt nhất cho gia đình, xã hội chứ chúng tôi không lên tiếng một cách tùy tiện”.

Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) Đặng Hoa Nam với Infonet xung quanh trách nhiệm lên tiếng bảo vệ trẻ em trước những vụ việc xâm hại tình dục đang xảy ra ngày một nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi bức xúc, bất bình đặt câu hỏi: Cục Trẻ em đang làm gì?

​Xâm hại tình dục trẻ em: Cục Trẻ em không lên tiếng tùy tiện! - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam.

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp những vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng xảy ra. Trước thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng với mức độ phức tạp hơn, với tư cách Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), ông cảm thấy lo ngại  ra sao về vấn đề này?

Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều quốc gia, và bất cứ trong môi trường, trong hoàn cảnh nào.

Đây cũng là vấn đề nhức nhối của nhiều nước nói chung và tất cả nhân loại đều căm ghét, lên án và tìm mọi cách ngăn chặn hành vi này.

Thậm chí nhiều nước đặt mục tiêu xóa bỏ, bởi vì xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói chung là hành vi không thể chấp nhận được trong bất kỳ một xã hội nào.

Hiện nay, theo dõi của chúng tôi thông qua các vụ việc cho thấy, xu hướng xâm hại tình dục ở trẻ em ở Việt Nam đang có diễn biến phức tạp hơn.

Thể hiện ở các đặc điểm: Thứ nhất, xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là xâm hại trong đời thực mà còn xuất hiện cả trên môi trường mạng xã hội hoặc thông qua môi trường mạng dẫn đến xâm hại ngoài đời thực.

Thứ hai, thủ phạm xâm hại trẻ em càng ngày càng đa dạng, phức tạp: Tăng số vụ xâm hại vi phạm đạo đức nghiêm trọng mang tính chất loạn luân (bố dượng xâm hại tình dục con riêng của vợ, thậm chí bố đẻ xâm hại tình dục, ông xâm hại tình dục cháu; số vụ thầy giáo, giáo viên dâm ô xâm hại tình dục học sinh cũng gia tăng); Trẻ bị xâm hại ở mọi lứa tuổi, thậm chí có em rất nhỏ tuổi cũng bị xâm hại.

Thứ ba, công dân nước ngoài vào Việt Nam cư trú theo con đường du lịch cũng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em; xâm hại tình dục đối với cả trẻ trai, đồng giới.

Hiện tình trạng xâm hại tình dục không còn chỉ xảy ra đối với trẻ em gái mà mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Tình trạng này còn phức tạp hơn khi công dân Việt Nam đi ra nước ngoài có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở các nước đó (ví dụ Minh Béo).

Nói như thế để thấy, tính chất xâm hại trẻ em nói chung, và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng diễn biến càng ngày càng phức tạp, đa dạng ở trong xã hội hiện đại chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) được quy đinh trong Luật Bảo vệ trẻ em, Nghị định 56 của Chính phủ.

Thực chất tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em được nâng cấp từ điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em, hoạt động được 15 năm rồi.

Nhưng từ khi chính thức trở thành Tổng đài điện thoại Quốc gia trẻ em với số máy 111, thì số lượng cuộc gọi đến tăng lên rất nhiều.

Lý do là vì, đường dây nóng không chỉ tiếp nhận tin nhắn tố cáo, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em mà còn là đường dây tư vấn hỗ trợ cho tất cả mọi công dân trong đó có trẻ em để họ chăm sóc tốt hơn con em mình.

Thực hiện tốt hơn quyền của mình, đặc biệt xử lý những vụ việc xâm hại đến trẻ em. Xâm hại tình dục vốn rất phức tạp, cần nhanh, kịp thời… đặc biệt số ca cần bảo mật thông tin.

Từ khi khai trương vào tháng 12 năm 2017 thì đường dây này, số cuộc gọi đến tăng lên nhiều đặc biệt là số ca cần tư vấn, kết nối chuyển tuyến về xâm hại tình dục cũng tăng lên.

Dư luận cho rằng sau mỗi sự việc xảy ra thì dường như Cục còn rất chậm trễ trong việc xử lý, tiếng nói cũng rất “yếu ót”. Ông có giải thích gì không trước đánh giá này?

Điều này không đúng. Bởi vì Cục Trẻ em là đơn vị tham mưu, quản lý nhà nước về trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em.

Chúng tôi bao giờ cũng là đơn vị phải lên tiếng bảo vệ quyền của trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, sống an toàn của tất cả trẻ em.

Tuy nhiên, là đơn vị tham mưu và quản lý nhà nước cho nên chúng tôi có trách nhiệm phải xác minh, theo dõi các thông tin, theo dõi dư luận xã hội. Khi thông tin, dư luận đủ chín thì chúng tôi mới lên tiếng được.

Bởi lẽ, không phải thông tin nào mà báo chí chính thống, mạng xã hội đưa cũng là thông tin chính xác!? Đấy là nguồn thông tin quan trọng nhưng không phải bao giờ cũng  chính xác cho nên chúng tôi phải có thẩm định, xác minh.

​Xâm hại tình dục trẻ em: Cục Trẻ em không lên tiếng tùy tiện! - Ảnh 2.

Ảnh cắt từ Clip cảnh ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô trong thang máy.

Chúng tôi luôn luôn phải lấy thông tin hoặc trực tiếp xuống hiện trường vụ việc, hoặc lấy thông tin qua hệ thống chính thống (ngành LĐ-TB&XH xuống tận tỉnh, huyện, xã).

Tất cả các quy trình xác minh này được quy định rõ trong Luật trẻ em, trong NĐ của Chính phủ rồi.

Khi đã lên tiếng, chúng tôi phải lên tiếng một cách chính xác và đúng người đúng việc. Nếu lên tiếng sai mình phải chịu trách nhiệm về việc đó…

Thêm nữa, chúng tôi cũng phải nói ngay rằng là không phải các vụ việc xâm hại, bạo lực tình dục trẻ em chỉ có báo chí, MXH nêu đưa chúng tôi mới lên tiếng.

Ngoài việc lên tiếng trước công luận, dư luận chúng tôi có những động thái bằng văn bản để hướng dẫn chỉ đạo thậm chí gọi điện thoại trực tiếp…

Buổi tối, ngoài giờ làm việc chúng tôi vẫn gọi điện thoại trực tiếp cho hệ thống của ngành LĐ-TB&XH kết nối phối hợp với cơ quan công an, tư pháp để xử lý nhanh các sự vụ nóng bỏng dư luận.

Chúng tôi xử lý bằng nhiều kênh, không chỉ là lên tiếng ở trên báo chí hay MXH.

Thêm nữa, Cục trẻ em có tổng đài quốc gia 111, thông tin của người dân đến với chúng tôi về trẻ em nhiều hơn rất nhiều so với thông tin báo chí nêu.

Không phải vụ việc nào, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em chúng ta cũng đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể nói rằng, sự lên tiếng của chúng tôi dựa trên lợi ích tốt nhất cho trẻ em, lợi ích tốt nhất cho gia đình, xã hội chứ chúng tôi không lên tiếng một cách tùy tiện.

Vậy trong quá trình thực hiện chức năng của mình, Cục có gặp những khó khăn và cần kiến nghị điều gì để khắc phục những tồn tại này, thưa ông?

Hiện nay dưới góc độ quy định của pháp luật, Luật trẻ em năm 2016 đã quy đinh khá đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của tất cả các cơ quan tổ chức, gia đình và cá nhân có liên quan trong xã hội. Vấn đề là chúng ta thực hiện thật tốt quy định này.

Quy định của luật không chỉ đối với Bộ LĐ-TB&XH, Cục Trẻ em là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Bộ trưởng cho Bộ LĐ-TB&XH về những vấn đề quản lý nhà nước và điều phối thực hiện quyền  trẻ em trong phạm vi quốc gia.

Luật Trẻ em năm 2016 còn quy định trách nhiệm của rất nhiều các cơ quan ở các cấp ngành khác nhau.

Từ Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ cho đến UBND các cấp, kể cả Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Mặt trận tổ quốc các cấp… thậm chí cơ sở nhà trường, cơ sở giáo dục, gia đình, cha mẹ.

Vấn đề là chúng ta cần phải cụ thể hóa quy định mang tính chất tổng quát, quy định khung để đưa những quy định này vào trong cuộc sống.

Đặc biệt, phải có những chế tài xử lý rất cụ thể những hành vi của tổ chức, cá nhân cơ quan vi phạm. Đây là những vấn đề chúng ta cần tiếp tục thực hiện để Luật trẻ em 2016 đi vào cuộc sống, thúc đẩy quyền trẻ em trong cuộc sống.

Xâm hại trẻ em là vấn đề nóng được rất nhiều người quan tâm, Cục Trẻ em ít nhiều chịu những áp lực từ phía dư luận xã hội, các cơ quan báo chí.

Thực ra, áp lực riết thì chúng tôi cũng quen rồi. Bởi tất cả những việc ấy đều có quy trình xử lý chặt chẽ bài bản để làm sao tránh tối đa những sơ suất không đáng có.

Chúng tôi rất mong muốn đề bảo vệ tốt hơn cho trẻ, các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống cũng đẩy mạnh những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để chúng ta có thể phòng ngừa tốt hơn chứ không để sự việc xảy ra rồi đi đổ trách nhiệm cho nhau.

Trở lại với vụ việc bé gái bị xâm hại ở TP Hồ Chí Minh, dư luận đòi hỏi khởi tố đối tượng Nguyễn Hữu Linh. Tuy nhiên đến giờ, vụ việc vẫn chưa được khởi tố. Theo ông, hành vi của người đàn ông này đã đủ để cấu thành tội dâm ô trẻ em chưa?

Tôi ủng hộ việc dư luận đòi hỏi cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Bởi ngay từ đầu tôi đã nói, những hành vi của ông Linh là hành vi dâm ô trẻ em.

Mặc dù trong quy định Bộ Luật hình sự 2015 chưa thực sự mô tả chi tiết hành vi dâm ô trẻ em. Nhưng chúng ta đã có án lệ.

Và chúng tôi cũng đã có trao đổi với cơ quan chuyên môn là chúng ta cần phải xuất phát từ động cơ của nghi phạm, động cơ của đối tượng tác động đến trẻ em để chúng ta xem xét.

Rõ ràng, qua clip chúng ta thấy hành vi của ông Linh đối với em bé đó không thể nói là ngoài động cơ thỏa mãn nhục dục (hành vi dâm ô) ở mức độ nào đó đối với trẻ.

Chúng ta đã có án lệ, chúng tôi trở lại câu chuyện ở Bà Rịa - Vũng Tàu với thủ phạm Nguyễn Khắc Thủy cũng vậy thôi.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên quá e sợ việc thu thập chứng cứ. Theo tôi, mặt chuyên môn nghiệp vụ, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, và cơ quan xét xử để làm sao chúng ta có quy trình thu thập chứng cứ một cách tốt nhất.

Và việc thu thập chứng cứ không gì tốt hơn là thông qua quá trình giúp đỡ, trị liệu để chuyên gia tư vấn, tham vấn phỏng vấn trẻ, hoặc qua gia đình thì chứng cứ càng ngày càng hiện rõ hơn.

Chứ ngay một lúc, (ví dụ như vụ Phương Mai, Hà Nội) mà gọi trẻ em lên cơ quan điều tra thì không thể nào thu thập chứng cứ chính xác được.

Xin cảm ơn ông!

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.