Sau bão Damrey cá mú, cá bớp, ốc hương la liệt ngoài chợ, người nuôi trồng khóc ròng | |
Kỳ công nghề nuôi cá mú ‘khủng’ thu tiền tỷ |
Ông Lê Duy Vũ đã thành công với mô hình xây nhà gạch cho ong dú tránh biến đổi khí hậu. Ảnh: Khải An |
“Khi bão đến, gió rít từng cơn mạnh kèm mưa, tiếng mái tôn kêu cót két, cây cối gẫy đổ… tôi và vợ thấp thỏm trong nhà không biết 600 đàn ong dú của mình có bị gì không. Với vợ chồng tôi đàn ong dú không chỉ là gia sản quý giá mà còn là tâm huyết cả đời.
Bão tan, khi nắng lên chúng tôi thấy chúng rời tổ đi tìm phấn hoa như bao ngày. Vợ chồng tôi mừng lắm và hơn hết là việc xây nhà tránh bão, tránh biến đổi khí hậu cho ong dú đã thành công”, ông Lê Duy Vũ, người nuôi ong dú ở thôn Tây 3, xã Diên Sơn, Diên Khánh, Khánh Hòa tâm sự.
Chuyện nuôi ong dú với ông Vũ như một mối lương duyên từ sự cố gắng không ngừng nghỉ của vợ chồng ông. Ngày đó, đang đi làm với mức lương tương đương 4 chỉ vàng/tháng, tình cờ ông phát hiện trong nhà có tổ ong cho rất nhiều mật nằm trong góc nhà. Lấy tay quẹt mật ăn thử ông thấy vị chua thanh và ngọt nhẹ, ông biết chúng là ong dú (ong dấu) cho mật có giá trị cao nên đã bỏ việc công ty để khởi nghiệp nuôi ong dú.
“Thuở nhỏ, tôi và đám bạn cùng lứa hay dùng que sắt hoặc thanh tre đâm vào các cây mít rỗng, hay cột nhà có ong dú làm tổ để ăn mật. Loài này lạ lắm, chúng nhỏ như ong ruồi, làm tổ rất kín khó phát hiện nên nhiều người gọi là ong dấu nhưng phổ biển vẫn là ong dú. Mật của ong dú không lẫn đi đâu được nên dù mấy chục năm mới được nếm lại nhưng tôi đã nhận ra ngay lập tức”, ông Vũ nhớ lại.
Bên trong nhà nuôi ong dú của ông Vũ. Ảnh: Khải An |
Biết ong dú cho mật hiếm (không như những loài ong khác hút mật về tổ, ong dú lấy phấn hoa về tổ rồi dùng nước bọt chuyển hóa thành mật) ông Vũ chỉ lấy đi một nửa số mật có trong tổ để dùng.
“Lúc đầu tôi định lấy hết mật nhưng nghĩ lại lấy một ít để xem chúng có bỏ tổ không. Sau mấy ngày quan sát, tôi thấy chúng vẫn đưa phấn hoa về tổ và chỉ sau một thời gian ngắn số ong dú ngày càng đông hơn, cho mật nhiều hơn nên tôi bàn với vợ nuôi ong dú lấy mật”, ông Vũ cười hiền kể vể cơ duyên đến với loài ong đặc biệt này.
Sau nhiều đêm bàn tính với vợ, ông quyết định nộp đơn thôi việc và lấy toàn bộ số tiền tích cóp, cũng như tiền giải quyết chế độ và mua được hơn 100 tổ ong dú của người dân trong vùng về nuôi. “Đó là năm 2000, tôi mua được hơn 100 đàn về nuôi thử. Khi đó, thời tiết chưa khắc nghiệt nhưng do chưa có kỹ thuật chăm sóc lại giống ong nhạy cảm (dễ bỏ tổ khi có những thay đổi bất thường) nên ong dú ở một thời gian rồi suy đàn”, ông Vũ chia sẻ.
Ong dú nhỏ như ong ruồi nhưng cho mật có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Khải An |
Sau 7 năm đeo đuổi giấc mơ khởi nghiệp với ong dú nhưng đàn ông cứ hao dần dù ông vẫn mua thêm vào. Khi đàn ong của ông Vũ chỉ còn vài chục đàn, cũng là lúc ông nhận thấy cần thuần ong, thay đổi môi trường sống của chúng (đưa đàn ong vào thùng gỗ).
Khi mọi việc bắt đầu tiến triển, cũng là lúc khí hậu thay đổi, đàn ong dú của ông Vũ cứ qua một mùa Đông là chết gần nửa đàn, khiến ông vô cùng hoang mang. “Khánh Hòa xưa giờ mùa Đông ít lạnh, nhưng từ năm 2011, trời trở lạnh, ong cứ thế chết dần. Tôi nghĩ có lẻ năm đó thời tiết khắc nghiệt, nhưng năm sau vẫn lạnh, thậm chí là lạnh hơn nên ong lại chết rất nhiều sau mùa Đông 2012. Rồi tôi đọc báo, xem đài biết Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên để đảm bảo an toàn cho đàn ong tôi quyết định xây nhà cho chúng”, ông Vũ lý giải.
Không như các loài ong khác hút mật về làm tổ, ong dú lấy phấn hoa chuyển hóa thành mật. Ảnh: Khải An |
Chuyện xây nhà nuôi ong đối với người dân trong vùng và những người nuôi ong là một câu chuyện không tưởng, nhiều người khuyên can ông Vũ nên từ bỏ nhưng ông vẫn kiên định. Bởi, gắn bó với ong dú từ năm 2000 nên ông hiểu rõ tập tính, điều kiện thích hợp để chúng sinh trưởng tốt.
Rồi ngôi nhà bằng gạch do chính tay ông Vũ thiết kế cho đàn ong của mình đã hình thành. Trải qua biết bao mùa mưa nắm, biết bao cơn bão đàn ong vẫn bay đi tìm phấn hoa khi nắng vừa lên. Cũng chính ngôi nhà ấy, từ hơn 100 đàn, hiện ông đã có khoảng 600 đàn ong dú, mỗi năm thu hoạch 300 lít mật ong bán với giá 1,5 triệu đồng/lít.
Ngoài mật ong thượng hạng, theo dân gian chữa được các bệnh về đường ruột, bao tử, hen xuyễn… ong dú còn cho phấn ong dú, keo ong dú có giá trị kinh tế cao với giá bán 3 triệu đồng/kg. Hiện ông Vũ còn bán các tổ ong dú giống với giá 3 triệu đồng/tổ để nhiều người mua về nuôi thương phẩm.
Với mô hình nhà nuôi ong dú tránh biến đổi khí hậu, đàn ong dú của ông Vũ vẫn sinh trưởng mạnh trước môi trường ngày càng khắc nghiệt. Ảnh: Khải An |
“Nhiều hợp tác xã tại khu vực Nam bộ thường mua 20-30 tổ ong dú giống/lần để phân chia cho các xã viên nuôi thương phẩm và thu được rất nhiều mật. Một số cá nhân cũng tìm đến chỗ tôi mua từ 2-10 tổ để về nuôi. Tôi đã bán khoảng 400 đàn ong cho nhiều đơn vị các nhân nhưng điều tâm nguyện của tôi bây giờ là được chuyển giao công nghệ cho tỉnh Khánh Hòa để tỉnh nhân rộng mô hình nuôi ong dú làm đặc sản tỉnh nhà”, ông Vũ chia sẻ.
Với những sáng kiến của mình trong kỹ thuật nuôi ong dú, vừa qua, ông Lê Duy Vũ đã được trao giải Ba trong Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh khánh Hòa lần thứ VII (2016 – 2017). Không chỉ thu lợi từ đàn ong dú, ông Vũ luôn sẵn sàng hướng dẫn và chia sẻ khinh nghiệm, đàn ong dú cho những ai muốn khởi nghiệp với giống ong đặc biệt này qua số điện thoại 01654228481.
Anh nông dân trồng hoa và bí quyết nuôi cầy hương cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Chỉ với 6 con cầy hương bố mẹ, sau 5 năm tận tụy chăm sóc, hiện ông Phan Thanh Long đã gây được trại cầy ... |