Chiều 12-4, tại hội nghị triển khai các quyết định, chỉ thị về thu giá không dừng qua trạm BOT tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đến nay đã có 19/24 trạm thu giá BOT thuộc quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh có làn thu phí không dừng. Đến tháng 5, tháng 6, toàn bộ trạm BOT trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh phải có làn thu giá tự động không dừng.
Lộ trình xử phạt xe không dán thẻ
Cạnh đó, theo Quyết định 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, đến ngày 31-12-2019 tất cả trạm thu giá trên toàn quốc (quốc lộ, đường cao tốc, tỉnh/huyện lộ có đặt trạm thu giá BOT) phải có làn thu giá không dừng.
Các trạm không có làn thu giá không dừng sẽ bị buộc ngừng thu toàn trạm cho đến khi lắp đặt xong thiết bị thu giá không dừng ở một số làn. “Các trạm hiện áp dụng thu giá qua đầu đọc OBU một mảnh hoặc hai mảnh (như trên cao tốc TP. HCM - Long Thành hoặc xa lộ Hà Nội…) cũng sẽ phải áp dụng công nghệ thu giá thống nhất qua thẻ E-tag. Mục đích để trên mỗi xe chỉ có một loại thẻ định danh nhưng đi qua được tất cả trạm thu giá trên toàn quốc” - ông Huyện cho biết.
Theo ông Huyện, định hướng đến sau năm 2020 ở mỗi trạm thu giá phải có bốn làn thu giá không dừng (hai đi, hai về) và vẫn sẽ có một số làn thu giá trực tiếp bằng tiền mặt như hiện nay.
Một trạm BOT có làn thu phí tự động không dừng ở TP.HCM. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện các cơ quan đang nghiên cứu: Đến sau năm 2020, với các xe không dán thẻ định danh E-tag hoặc có thẻ mà hết tiền trong tài khoản nhưng vẫn đi qua làn thu giá không dừng thì trạm vẫn mở barie cho qua để tránh ùn tắc và sẽ cho nợ trong vòng bảy ngày, sau đó chậm nạp tiền hoặc dán thẻ thì sẽ bị xử phạt.
Đến sau năm 2022, khi tất cả trạm đã gỡ bỏ barie, thu giá không dừng ở tất cả làn thì các xe không dán thẻ hoặc tài khoản hết tiền thì vẫn cho qua trạm nhưng sẽ thu sau. “Đến sau năm 2022, tại các trạm chỉ còn giá long môn gắn camera ở bên trên và xe qua trạm liên tục. Các xe chưa dán thẻ, chưa nạp tiền vào tài khoản hoặc chậm nạp mà vẫn liên tục đi trạm thì vẫn cho qua trạm nhưng sẽ có hình thức xử phạt nguội sau” - ông Toàn cho biết.
Còn bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đang nghiên cứu hình thức ngân hàng bảo lãnh để chủ xe trả tiền sau cho xe qua trạm không dừng. “Cách thức như thuê bao điện thoại trả trước hoặc trả sau là thông qua tài khoản của khách hàng ở ngân hàng sẽ được nghiên cứu áp dụng trong thu giá không dừng” - bà Hiền cho biết.
Thẻ thu phí tự động dán trên kính hoặc trên đèn ô tô được thực hiện tại các trạm đăng kiểm, đại lý của nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ mở tài khoản cho chủ phương tiện. Chủ phương tiện có thể nộp tiền vào tài khoản qua nhiều kênh như thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, điện thoại. Mỗi tài khoản có thể dùng chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản.
Chiếm dụng tiền nhà xe?
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải ở các tỉnh nêu vấn đề các hãng lớn có nhiều xe nộp một số tiền lớn vào tài khoản nhưng xe chưa qua trạm thì có bị nhà cung cấp dịch vụ thu giá chiếm dụng tiền không.
Ông Huyện cho rằng đây là bài toán kinh doanh mà mỗi doanh nghiệp phải tính. Trước mỗi chuyến hàng, đợt vận tải theo tuần, 10 ngày hoặc một tháng thì doanh nghiệp tính toán nên nạp bao nhiêu tiền vào tài khoản cho số xe qua trạm trên đường sao cho kinh tế nhất. “Nói chung số dư nằm trong tài khoản làm sao ở mức thấp nhất là do cách tính toán, điều hành của doanh nghiệp” - ông Huyện nói.
Các đơn vị đăng kiểm cho rằng khi trên mỗi xe đã có thẻ E-tag định danh thì các cơ quan như Tổng cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm, CSGT có thể tích hợp để quản lý và xử lý xe từ các hành vi vi phạm hành chính đến cả không dán thẻ, nạp tiền luôn… Ông Huyện cho rằng đây chính là hướng Tổng cục và Bộ đang nghiên cứu để trên mỗi xe chỉ cần một thẻ định danh E-tag là quản lý và xử lý được tất cả vấn đề hành chính, tài chính đặt ra.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết việc dán thẻ tự động không dừng đang thực hiện miễn phí và triển khai dán tại các trạm đăng kiểm, đại lý của nhà cung cấp dịch vụ để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Không có chuyện thu vượt Trả lời câu hỏi hiện lượng xe dán thẻ tự động không dừng ít nhưng một số trạm đã dành hai làn xe thu phí không dừng khiến làn thu phí không dừng thông thoáng, trong khi làn thu phí thủ công tắc nghẽn, ông Huyện cho rằng để khắc phục việc này cần tuyên truyền cho người dân, chủ doanh nghiệp dán thẻ để vừa thuận tiện trong việc đi lại, vừa giúp Nhà nước minh bạch và giám sát công tác thu phí. Đây cũng là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. “Còn đặt vấn đề cho xe không dán thẻ đi vào làn không dừng để giảm ùn tắc là bất hợp lý. Nguyên nhân, những người chấp hành tốt việc dán thẻ để tiện cho việc di chuyển nhanh, nếu cho xe không dán đi vào làn thu phí không dừng thì cản trở tốc độ của xe dán thẻ, như vậy là đi ngược chủ trương tạo thuận lợi cho xe dán thẻ…” - ông Huyện nhấn mạnh. Cũng theo ông Huyện, xe dán thẻ khi qua trạm 150 m sẽ nhận được tin nhắn báo số tiền trừ trong tài khoản. Việc thu phí tự động cũng đã phân các loại xe tương ứng với các mức thu khác nhau nên không có chuyện thu vượt rồi sau đó “thối lại”. “Nếu có trường hợp thu vượt cứ phản ánh lên, chúng tôi sẽ cho xử lý ngay” - ông Huyện khẳng định. VIẾT LONG |
Mơ hồ... tiêu chí trạm BOT
Đối với các tiêu chí mới của trạm thu giá BOT, TS. Phạm Sanh chuyên gia ngành giao thông vận tải tại TP HCM cho ... |