Tại tòa, cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn phủ nhận việc mình nhận hơn 69 tỷ đồng từ tiền thu phí của Công ty BSC – công ty sân sau của Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank để chi chăm sóc khách hàng. Trong khi lời khai của những người liên quan đến hành vi của bị cáo cho thấy đã nhiều lần chuyển tiền cho người đại diện cổ phần của PVN tại OceanBank.
“Một người nói một kiểu, HĐXX biết tin vào ai?”
Tiếp tục làm rõ việc sử dụng 69 tỷ đồng chi phí từ Công ty BSC, bị cáo Trần Thị Thu Hương – cựu Giám đốc Chi nhánh Hải Dương nói về số tiền được anh Nguyễn Việt Dũng – thư ký của Nguyễn Xuân Sơn chuyển khoản 40 triệu đồng. Bị cáo Trần Thị Thu Hương cho hay, số tiền này là anh Nguyễn Việt Dũng chuyển trả nợ. Đối chất lời khai, anh Dũng cho rằng đấy là số tiền Nguyễn Xuân Sơn nhờ chuyển.
“Một người nói một kiểu, HĐXX biết tin vào ai?”, chủ tọa nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên – cựu Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu cũng được nhận 500 triệu đồng từ anh Nguyễn Việt Dũng chuyển. Bị cáo cho biết, đấy là số tiền được chuyển gần Tết âm lịch để chăm sóc khách hàng.
Nói về công ty BSC – công ty sân sau của Hà Văn Thắm, bị cáo Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ OceanBank cho biết không có quan hệ với công ty này nhưng làm theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ OceanBank tại phiên tòa sáng ngày 2/3. (Ảnh chụp màn hình tại tòa) |
Giữa năm 2009, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo bị cáo thực hiện bán ngoại tệ cho khách hàng vay vốn, thu phí dịch vụ qua BSC. Việc thu phí thông qua BSC theo lời khai là do thị trường ngoại tệ căng thẳng, OceanBank thời điểm đó việc mua bán ngoại tệ rất kém. Việc làm theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong thu phí dịch vụ qua BSC bị gián đoạn khi bị cáo Nguyễn Minh Thu nghỉ sinh vào tháng giữa năm 2009.
Theo bị cáo Nguyễn Minh Thu, việc thu phí do Thị trường ngoại tệ căng thẳng, OceanBank mua bán ngoại tệ rất kém, đối với khách hàng vay vốn tại ngân hàng yêu cầu mua ngoại tệ tại ngân hàng không vay vốn tại ngân hàng khác. Phí này phát sinh do chênh lệch giá mua bán với Ngân hàng Nhà nước.
Cũng liên quan đến công ty BSC, bị cáo Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc phụ trách khối nguồn vốn OceanBank trình bày:
"Tháng 6/2010, khi cơ quan điều tra làm việc BSC thu phí chênh lệch ngoại tệ từ tháng 4/2009, bị cáo Nam không biết hoạt động theo quy trình nào. Sau khi chuyển sang Phòng kinh doanh ngoại tệ, bị cáo được các nhân viên báo cáo lại tỷ giá thị trường, việc thu phí ra sao bị cáo không nắm được cũng không áp đặt % tỷ giá.
Trách nhiệm chung, bị cáo là Phó giám đốc kinh doanh ngoại tệ, về công việc không tham gia hoạt động thu phí. Từ ngày 1/10/2010, bị cáo về làm mảng ngoại tệ, bị cáo Thu đã đi làm lại sau kỳ nghỉ sinh và trực tiếp quản lý bị cáo."
Nhiệm vụ của người quản lý vốn thì không rõ ràng nhưng thành tích thì nắm chắc
Trình bày lại quá trình chuyển từ PVN sang làm việc tại Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết sang từ cuối năm 2008 và chính thức nhận chức danh 2009.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong phiên xét hỏi sáng 2/3. (Ảnh chụp màn hình tại tòa) |
Về chức năng nhiệm vụ đối với người quản lý nguồn vốn, bị cáo không trả lời rõ ràng. Theo cựu TGĐ, nguồn vốn của PVN tại ngân hàng có sinh lời. Dẫn số liệu năm 2009 sinh lợi cổ tức 15%, năm 2010 sinh lời 17%. Đến giữa tháng 5/2011 cổ tức bao nhiêu thì bị cáo không nhớ nhưng vẫn sinh lời.
“Nắm chắc đấy chứ, riêng thành tích thì nắm chắc lắm!”, thẩm phán Trương Việt Toàn nói.
Về chủ trương thu phí ngoài hợp đồng để chăm sóc khách hàng, Nguyễn Xuân Sơn không cho biết mình không nhớ đã trao đổi với bị cáo Nguyễn Minh Thu, kể cả việc trao đổi với bị cáo Hà Văn Thắm về thu phí tại BSC.
Thu phí hay thu phí bảo lãnh ở BSC?
Về biên bản cuộc họp Hội đồng tín dụng của OceanBank về thu phí qua BSC vào tháng 10/2009, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giải thích đây là nội dung họp liên quan khoản vay của Vinashin. Do đơn vị này không đủ điều kiện vay nên phải có bảo lãnh thông qua BSC.
Thẩm phán truy vấn: “BSC không có đồng nào, hơn nữa không có hoạt động sản xuất kinh doanh thì lấy đâu ra bảo lãnh cho ông Vinashin vay khoản tiền khổng lồ như vậy?”.
Cựu TGĐ OceanBank cho rằng, việc bảo lãnh thì bất kỳ ai cũng có thể làm, và đủ điều kiện bảo lãnh thì sau đó thu phí bảo lãnh.
Thẩm phán cắt ngang: “BSC không có hoạt động kinh doanh, không có tài sản góp vốn gì cả. Thu phí qua BSC khác với thu phí bảo lãnh của BSC. Bị cáo làm như HĐXX không biết gì về ngân hàng à?".
Thẩm phán Trương Việt Toàn tiếp tục nhắc lại: "Ở BSC thu phí hay thu phí bảo lãnh?". Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục phân bua: “Chúng tôi đồng ý đơn vị bảo lãnh, không có thu phí ngân hàng gì ở đây cả. Thu phí thì không cần phải ký hợp đồng”.
Theo bị cáo Nguyễn Minh Thu, năm 2009, bị cáo được bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo thu phí khách hàng thông qua công ty này.
Tuy nhiên bị cáo Sơn phủ nhận: “Bị cáo không xác nhận lời khai của Nguyễn Minh Thu về việc này."
Hỏi về việc sử dụng tiền chăm sóc khách hàng, HĐXX truy vấn bị cáo Nguyễn Xuân Sơn: Có bao giờ bị cáo chăm sóc bằng tiền mặt?
Trả lời vòng vo, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho hay, chăm sóc khách hàng là sử dụng tiền để giao lưu, tổ chức nhiều chương trình cho khách hàng đi nước ngoài. Trực tiếp bị cáo Nguyễn Xuân Sơn một vài lần đưa khách hàng đi vài nước. Tại chi nhánh thì các đơn vị theo kế hoạch của mình, họ làm được bao nhiêu thì chi theo hạn mức được duyệt.
Về đưa tiền mặt, bị cáo cho rằng chỉ thỉnh thoảng chi, chủ yếu là các món quà vào dịp lễ Tết, dịp đặc biệt chúc mừng.
“BSC không cung cấp cho tôi dịch vụ gì cả”
Bà Nguyễn Thị Ánh – Giám đốc công ty chế biến hải sản ở TP HCM cho biết vay tiền của OceanBank. Quá trình làm thủ tục gồm một hợp đồng vay vốn, sau đó có một hợp đồng dịch vụ kèm theo thu thêm một số khoản. Tổng số tiền phải trả chi phí là 180 triệu đồng. “BSC không cung cấp cho tôi dịch vụ gì cả”.
Đại diện Công ty TMXD Hoàng Thành cho biết từ năm 2008 - 2012 vay của Oceanbank 18 tỷ đồng sau đó là 22 tỷ đồng. Hiện tại, dư nợ nguyên gốc và lãi là hơn 14 tỷ đồng.
Theo người này, không có giấy tờ liên quan nào đến dịch vụ thu phí qua BSC. Trong khi đó chủ tọa cho biết, có giấy tờ cho thấy công ty này liên quan đến dịch vụ thu phí qua công ty sân sau của Hà Văn Thắm.
Đưa quan điểm về truy tố của VKS Nhân dân Tối cao, bị cáo Hà Văn Thắm khai các số liệu mà cơ quan điều tra xác nhận về nội dung và hình thức là đúng. Chỉ có vấn đề về số tiền tổng thì sai vì bị cáo đã khắc phục dần dần và được miễn giảm sau khi bị bắt.
Theo bị cáo Hà Văn Thắm, bị cáo chỉ đạo bị cáo Lê Thị Thu Thủy – cựu Phó TGĐ OceanBank và các đồng nghiệp dưới quyền, các giám đốc chi nhánh rút tiền chi chăm sóc khách hàng nhưng không thông báo rút tiền ra làm gì. Sau đó bị cáo Thủy biết và có nói với khá gay gắt về vấn đề này. Đồng thời cũng đề nghị nộp chứng từ cho đủ thủ tục.
Bị cáo Hà Văn Thắm. (Ảnh chụp màn hình tại tòa) |
Tuy nhiên, Hà Văn Thắm cho biết, việc chi chăm sóc khách hàng là vi phạm nhưng nếu không làm thì sẽ sập tiệm. “Nếu chị Thủy không làm thì rút tư cách của chị Lê Thị Thu Thủy. Hành vi của chị Lê Thị Thu Thủy là do bị cáo gần như là lừa thuộc cấp, vì bị cáo cũng nói với chị Thủy rằng khoản này sẽ được hoàn ứng. Các hành vi của bị cáo là có tội nhưng là tội của bị cáo. Chị Thủy và những nhân viên dưới quyền là không có tội, trong hoàn cảnh họ phải làm như vậy”, bị cáo Hà Văn Thắm trình bày.
Bị cáo Hà Văn Thắm chỉ ra rằng đang trong hoàn cảnh thị trường khó khăn, NHNN công bố trần lãi suất, nếu không chi chăm sóc khách hàng thì không đủ chỉ tiêu sẽ bị cách chức. Hoàn cảnh của nhiều cán bộ ngân hàng thời điểm đó là như vậy.
Theo bị cáo Hà Văn Thắm, bị cáo Lê Thị Thu Thủy và giám đốc các Chi nhánh chịu nhiều sức ép vì không hoàn thành chỉ tiêu. Quá trình khai nhận, Hà Văn Thắm nhận trách nhiệm về mình và xin xem xét vai trò của các thuộc cấp.
Nguyễn Xuân Thắng khai đứng tên cho Nguyễn Xuân Sơn mua cổ phiếu, căn hộ
Hà Văn Thắm khai về việc chi chăm sóc khách hàng là chấp thuận quyết định của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, không bị sức ép nào để chi nguồn tiền chăm sóc khách hàng.
Bị cáo Hà Văn Thắm khai về giao dịch chuyển tiền giữa bị cáo và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng – cựu GĐ Oceanbank (anh em họ của cựu TGĐ Nguyễn Xuân Sơn) cho biết đã rất nhiều lần nhận tiền, nhận ít nhất 100.000 USD, nhiều nhất là 20 tỷ đồng. Số tiền này ngoài đưa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thì bị cáo chuyển vào các tài khoản theo chỉ đạo.
Về số tiền hơn 10,5 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn nhờ Nguyễn Xuân Thắng chuyển cho bố mẹ của chính bị cáo Nguyễn Xuân Thắng đang sinh sống ở bên Nga để mua nhà. Nguyễn Xuân Thắng khai nhận đã nhận chuyển như thực tế lời khai tại tòa nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã sử dụng hết số tiền này.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng khai còn mua cổ phiếu và đứng tên cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại một số công ty trong ngành dầu khí như Công ty Đạm Cà Mau và đứng tên cho Nguyễn Xuân tại một số căn hộ.