Vào ngày mai 15/3, Xiaomi sẽ chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam. Trong trường hợp bạn chưa biết, bên cạnh fanpage Facebook chính thức, Xiaomi cũng đã có website chính thức của mình tại Việt Nam tại địa chỉ http://www.mi.com/vn/. Hiện tại website này vẫn chưa có nhiều nội dung, mà chủ yếu mới chỉ được sử dụng để đăng tải thông tin về pin dự phòng, liên kết đến trang Facebook và liên kết đến trang cộng đồng Mi Community.
Tuy nhiên, nội dung chính mà chúng tôi muốn đề cập lại nằm ở dưới cùng của trang web này, mà cụ thể đó là chế độ bảo hành. Đây là điều rất được người dùng quan tâm do chế độ bảo hành vẫn luôn là điểm khác biệt lớn nhất giữa hàng chính hãng và xách tay, và cũng là thứ sẽ khiến cho người dùng sẵn sàng bỏ ra thêm tiền để sở hữu hàng chính hãng.
Cách đây vài ngày, chúng tôi đã liên hệ Digiworld với hy vọng sẽ nhận được lời giải đáp cho một số thắc mắc trong quy định bảo hành của Xiaomi, tuy nhiên hãng chưa có câu trả lời cụ thể mà chỉ nói rằng "sẽ có thông báo sau ngày ra mắt chính thức".
Website về quy định bảo hành của Xiaomi tại Việt Nam |
Trong lúc chờ đợi thông tin trực tiếp từ Digiworld, hãy cùng "săm soi" quy định bảo hành được Xiaomi đăng tải trên website chính thức xem sao. Các bạn có thể đọc đầy đủ quy định bảo hành của Xiaomi tại địa chỉ http://www.mi.com/vn/support/warranty/. Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin được tóm tắt một vài điểm chính như sau:
- Bên cạnh smartphone, Xiaomi có thể sẽ phân phối một vài sản phẩm thuộc hệ sinh thái của hãng, bao gồm pin dự phòng và vòng đeo tay Mi Band (do quy định bảo hành có đề cập trực tiếp đến sản phẩm này).
- Thời gian bảo hành cho từng thành phần như sau:
Smartphone: 1 năm
Phụ kiện đi kèm smartphone (pin, sạc, cáp USB): 6 tháng
Sản phẩm trong hệ sinh thái Xiaomi: 6 tháng
Đối với Mi Band: Cảm biến và cáp sạc - 1 năm, dây đeo - không bảo hành
- Thời hạn bảo hành sau khi sửa chữa: đến hết thời hạn bảo hành hoặc 30 ngày kể từ khi sửa chữa xong, tính theo thời gian nào lâu hơn.
- Không bảo hành ngoại hình: trong trường hợp máy bị xước, gỉ sét hay nứt thì đây không phải là lỗi của nhà sản xuất. Tức là nếu các máy Xiaomi "chẳng may" gặp lỗi tróc sơn như iPhone 7/6s, chúng sẽ không nằm trong diện được bảo hành.
- Smartphone sẽ được nâng cấp lên phiên bản phần mềm mới nhất (qua OTA) để đảm bảo không phải do lỗi phần mềm. Nếu smartphone vẫn còn lỗi sau khi nâng cấp mới tiến hành sửa chữa phần cứng.
- Chỉ bảo hành máy được phân phối chính thức tại Việt Nam thông qua nhà phân phối được Xiaomi chỉ định. Tức là, máy xách tay và máy "chính hãng" do FPT Trading phân phối sẽ không được bảo hành tại hệ thống của Xiaomi.
- Tuy nhiên, các trung tâm bảo hành Xiaomi có vẻ như sẽ nhận sửa chữa dịch vụ. Điều này được thể hiện bởi câu sau đây trong quy định: "Sửa chữa các sản phẩm không đủ điều kiện bảo hành sẽ được báo giá riêng biệt của Trung tâm Dịch vụ do Xiaomi ủy quyền".
- Các sản phẩm Xiaomi phân phối tại Việt Nam sẽ không được bảo hành toàn cầu. Tức là người dùng sẽ không thể bảo hành thiết bị Xiaomi chính hãng tại các nước khác như Trung Quốc hay Ấn Độ.
- Người dùng sẽ cần giữ lại hóa đơn tài chính lúc mua hàng để xuất trình khi bảo hành.
- Và quy định cuối cùng và cũng là quan trọng nhất mà chúng tôi sẽ trích nguyên văn: "Dịch vụ bảo hành chỉ áp dụng cho người mua đầu tiên. Nếu khách hàng bán sản phẩm hoặc mua đi bán lại, các dịch vụ bảo hành giới hạn không thể được bán lại hoặc chuyển nhượng kèm sản phẩm."
Xiaomi sẽ từ chối bảo hành nếu như máy không "chính chủ"? |
Mặc dù chúng tôi không có bất kỳ bình luận nào về 8 quy định bảo hành đầu tiên, tuy nhiên với quy định cuối cùng về việc dịch vụ bảo hành không được chuyển nhượng khi người dùng mua đi bán lại, chúng tôi buộc phải cho rằng đây là một điều khá kỳ quặc.
Đối với các dịch vụ bảo hành hiện nay dù là chính hãng hay xách tay, các trung tâm thường không bao giờ yêu cầu người mang sản phẩm đến bảo hành phải là chủ sở hữu gốc, mà chỉ cần còn thời hạn bảo hành và không vi phạm các quy định về sử dụng sai cách là sẽ được chấp thuận.
Trung tâm bảo hành Xiaomi chính hãng (Dcare) với cơ sở đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM |
Từ lâu, mua đi bán lại đã trở thành một "thói quen khó bỏ" của nhiều người đam mê các thiết bị công nghệ và thường xuyên có nhu cầu đổi máy. Nếu như chính sách này là có thật, những chiếc máy Xiaomi chính hãng sẽ mất đi sức hút ở thị trường smartphone cũ - vốn vẫn luôn rất nhộn nhịp tại Việt Nam. Xét trên một khía cạnh khác, một bộ phận người dùng cũng sẽ cảm thấy "chùn chân" khi mua các sản phẩm Xiaomi chính hãng do sẽ rất khó bán khi người chủ mới không được hưởng chính sách bảo hành.
Nhu cầu mua đi bán lại của người dùng công nghệ là rất lớn |
Mặc dù vậy, chúng ta hãy cùng chờ đợi đến ngày 15/3, cũng là ngày mà Xiaomi sẽ chính thức tham gia thị trường Việt Nam để nhận câu trả lời cụ thể từ phía Xiaomi và nhà phân phối Digiworld.
36 mẫu smartphone bị cài sẵn malware trước khi bán ra
Công ty bảo mật Check Point vừa phát hiện ít nhất 36 mẫu smartphone thuộc các thương hiệu Samsung, LG, Xiaomi, Asus, Nexus, Oppo và ... |
Xiaomi ra mắt Redmi 4X: Chip Snapdragon 435, camera 13MP, pin 4.100mAh, giá từ 102 USD
Redmi 4X là một chiếc smartphone giá rẻ, nhưng có thiết kế vỏ kim loại, camera 13MP và dung lượng pin khủng lên đến 4.100 ... |
Nguyên nhân do đâu smartphone Trung Quốc có cấu hình cao mà giá lại rẻ?
Cấu hình cao cùng mức giá cạnh tranh, các smartphone đến từ Trung Quốc không chỉ chiếm lấy thị trường giá rẻ trong nước mà ... |