Xóa bỏ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT mới ngăn được dạy thêm làm tiền có tổ chức

Được 300% thì không còn tội ác nào mà họ không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ.

LTS: Cô giáo Thuận Phương tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thứ 2 về Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT mà tác giả cho là một trong những căn nguyên cơ bản dẫn đến dạy thêm có tổ chức, kiếm tiền trên lưng học sinh.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Ở bài viết trước, chúng tôi đã phân tích Điều 5 của Thông tư 17 về quy định dạy thêm trong nhà trường. Có thể nói vì có quy định này nên nhiều trường học đã công khai tổ chức dạy thêm một cách hợp pháp.

Thực sự bên trong những lớp học thêm ấy chẳng có bao nhiêu phần trăm học sinh tự nguyện theo học đúng nghĩa.

Bởi lẽ quy luật của thặng dư, của lợi nhuận đã và đang lái các nhà trường, thầy cô vào vòng xoáy kiếm tiền từ dạy thêm học sinh chính khóa, buổi 2.

xoa bo thong tu so 172012tt bgddt moi ngan duoc day them lam tien co to chuc

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Nhà trường được phép dạy thêm trong trường, bên ngoài giáo viên cũng được phép dạy thêm, bảo sao dạy thêm không loạn và chẳng thể nào chấm dứt được?

Hãy xem Điều 6 trong Thông tư 17 quy định thế nào?

Điều 6. Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm:

1. Cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.

2. Công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm:

a) Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; b) Danh sách người dạy thêm; c) Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm;

d) Mức thu tiền học thêm.

Giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường được quy định phải có giấy phép dạy thêm.

Giấy phép này có thể do Giám đốc sở Giáo dục hoặc Trưởng phòng Giáo dục huyện thị (sau khi được ủy quyền của Chủ tịch tỉnh và huyện thị) cấp.

Để có giấy phép dạy thêm lại chẳng hề khó khăn gì. Bất kể ai là giáo viên nếu muốn xin giấy phép dạy thêm đều có đủ quy định theo đúng yêu cầu của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Cụ thể:

1. Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

2. Có đủ sức khoẻ.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.

4. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

5. Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường);

Được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).

Khi có đủ điều kiện, giáo viên làm đơn xin được cấp giấy phép.

Thường thì, xin được giấy phép này chẳng khó khăn gì (vì ai chẳng đủ điều kiện). Thế là có “bảo bối” trong tay, giáo viên tha hồ chiêu sinh, tha hồ dạy. Và cuộc cạnh tranh “thị phần” cũng diễn ra ngầm trong giới những người dạy thêm.

xoa bo thong tu so 172012tt bgddt moi ngan duoc day them lam tien co to chuc

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Cạnh tranh “lành mạnh” thì thầy cô phải nỗ lực trau dồi kiến thức, phương pháp giảng dạy để làm sao truyền thụ cho học sinh dễ hiểu nhất, giúp các em học ngày một tốt.

Từ đó, uy tín thầy cô ngày một nâng lên và sẽ là lực hút học sinh tìm đến học thêm với mình.

Cách tạo uy tín, tạo thương hiệu như thế thì lâu bền nhưng phải cần thời gian kiểm chứng. Thế nên có khá nhiều thầy cô chọn cách làm xổi, nhanh chóng đó là kiểu cạnh tranh ‘không lành mạnh”.

Cạnh tranh kiểu này, chủ yếu là dùng thủ đoạn o ép, bắt buộc học sinh dù không muốn cũng phải đi học thêm với mình.

Khó kiểm soát hoạt động dạy thêm có tổ chức, kiếm tiền trên lưng học sinh

Mặc dù Thông tư 17 quy định khá rõ các trường hợp không được dạy thêm như:

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Thế nhưng ai kiểm soát điều này?

Ngoài những giáo viên dạy bậc tiểu học phải dạy thêm trái phép (vì không ai cấp phép do các trường tiểu học đang dạy 2 buổi/ngày) thì đa phần giáo viên khi có giấy phép dạy thêm (trung học cơ sở, trung học phổ thông) dạy thêm chính học trò mình trên lớp chứ dạy ai?

Trong thực tế, học sinh tự tìm đến thầy cô (không dạy mình trên lớp) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ cứ dạy và chẳng ai kiểm tra.

Những lần thanh kiểm tra của cấp trên xuống cơ sở, chẳng hiểu vì sao nhiều thầy cô giáo đều biết trước. Thế là họ thường chọn giải pháp cho học sinh nghỉ học vài hôm cho an toàn.

Phần khác vẫn dạy nhưng thanh tra cũng chỉ “thanh” cơ sở vật chất, giấy tờ gồm giấy phép và danh sách học sinh (thường thì danh sách này đã được làm giả như ghi tên học sinh đang học lớp khác để hợp thức hóa giấy tờ).

Thanh nhưng không “tra” trực tiếp các em (có thể không lường tới hoặc vì gì đó mà thanh tra vui vẻ bỏ qua) nên danh sách một tên mà người học một nẻo cũng chẳng thể lộ ra.

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT còn quy định “giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Có thể nói các trung tâm dạy thêm hiện nay đều do chính giáo viên đang giảng dạy trong các trường công lập làm chủ.

Có điều họ biết lách quy định “không tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường” và tận dụng quy định “có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường” bằng cách thuê bằng của những thầy cô về hưu mở trung tâm và chính mình là chủ ngầm.

Thế là sáng dạy trên trường, chiều hoặc tối đến trung tâm dạy thêm nhưng thực chất đó là sự bắt tay ăn chia giữa chủ trung tâm dạy thêm và chính giáo viên ấy.

Bên có mặt bằng, giấy phép, bên lại có học sinh. Chính thầy cô này đã kéo học sinh của mình về nơi này dạy.

Vì thế tỷ lệ ăn chia là 80% cho giáo viên và 20% cho trung tâm dạy thêm. Có giáo viên hưởng trọn 100% vì chủ trung tâm và người dạy là một.

Sau Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, các tỉnh thành trong cả nước đều đồng loạt ra công văn chỉ đạo rồi chấn chỉnh.

Thế nhưng tình trạng dạy thêm vẫn không thể chấm dứt do những quy định được phân tích ở trên.

Bởi thế, bãi bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và cấm nhà trường tổ chức dạy thêm trong trường, cấm giáo viên đang giảng dạy ở các trường công lập không được phép dạy thêm dưới mọi hình thức thì tình trạng dạy thêm sẽ bớt tràn lan như hiện nay.

Đồng thời, các trường học sẽ tổ chức các buổi phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi mà thù lao cho những tiết dạy này được tính như một tiết dạy phụ trội.

Tất nhiên để ngăn chặn triệt để tệ nạn lùa học sinh chính khóa vào lớp dạy thêm để kiếm tiền, ngoài giải pháp trước mắt bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì giải pháp lâu dài là phải làm một cuộc cách mạng giáo dục với 3 trục chính:

Một là dạy thật, học thật và thi nghiêm và thầy - trò được chủ động chọn nguồn học liệu, phương pháp dạy - học.

xoa bo thong tu so 172012tt bgddt moi ngan duoc day them lam tien co to chuc

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Hai là giải phóng giáo viên khỏi sổ sách hành chính, các cuộc thi vô bổ và các phong trào thi đua.

Ba là cải cách quản trị giáo dục và chế độ lương - thu nhập cho nhà giáo.

Đồng tiền có sức mạnh ma mị, chúng tôi xin nhắc lại một lý luận kinh điển mà mình được học về quy luật của lợi nhuận.

Trong bộ Tư bản, Các Mác đã dẫn lại lời của nhà kinh tế học T.J.Dunning rằng:

"Được đảm bảo 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được;

Được 20% thì họ hoạt bát hẳn lên; được 50% thì họ trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người;

Được 300% thì không còn tội ác nào mà họ không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ.”

Hy vọng các nhà hoạch định chính sách giáo dục nhận ra bất cập này và có quyết định sáng suốt, dẹp bỏ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, đồng thời đẩy mạnh đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục một cách thực sự khoa học, khách quan, cầu thị và lấy hiệu quả làm thước đo.

xoa bo thong tu so 172012tt bgddt moi ngan duoc day them lam tien co to chuc Thay đổi lớn trong dạy và học: Lo chất lượng giáo viên

Nhiều chuyên gia cho rằng, Chương trình lần này là một sự thay đổi rất lớn trong cách dạy và học. Chính vì vậy, điều ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.