Theo chia sẻ của vị bác sĩ này thì em bé được sinh ra do thiếu tháng, nhẹ cân nên được nuôi bằng phương pháp nằm Kangaroo 3 tháng trời, vừa ra viện 5 ngày, ba mẹ còn chưa nghĩ ra tên cho bé thì ngày 10/11 cho bé ăn xong, vừa đặt bé nằm xuống được một lúc thì bé gặp vấn đề về sức khỏe.
Phép màu đã không xảy ra, sự ra đi của bé khiến người mẹ không thể tin đó là sự thật, chị vẫn tiếp tục xoa bóp, ủ ấm cho bé và vôị vã đem con đến bệnh viện khác để mong có một sự thật khác...
"Vừa thông báo kết quả siêu âm thai phát triển rất tốt và làm thủ tục nhập viện cho một bệnh nhân nữ 35 tuổi, viêm mũi xoang cấp - viêm tai giữa, đang mang thai 21 tuần xong thì một bà mẹ 31 tuổi ôm theo một bọc chăn chạy vào hốt hoảng:
"Bác sĩ cứu con em với!"
Bệnh nhi nữ, 3 tháng tuổi, vào viện trong tình trạng tím tái toàn thân, da lạnh, ngưng tuần hoàn - hô hấp, đồng tử hai bên giãn hoàn toàn, mọi phản xạ đều đã mất. Mình vẫn xử trí cấp cứu trong khả năng có thể dù biết mọi chuyện đã quá muộn rồi và mẹ bệnh nhân nhất định không chịu chuyển qua Nhi Đồng 1.
Chồng chị kể hai vợ chồng lấy nhau, chờ mãi chị mới có thai, lại song sinh nên mừng lắm. Chị mang thai được 28 tuần thì đẻ, bé đầu 600 gram đã tử vong ngay sau sinh, bé thứ hai được 1000 gram may mắn sao nằm Kangaroo 3 tháng trời ở Từ Dũ lên được 2600 gram, bé mới được ra viện 5 ngày, ba mẹ còn chưa nghĩ ra tên thì hôm nay cho bé ăn xong, vừa đặt bé nằm xuống được một lúc thì...
Tất nhiên là đã không có phép màu nào xảy ra và bé vẫn chưa có một cái tên để ghi vào hồ sơ. Mình mời cả bác sĩ sản và bác sĩ nhi xuống giải thích cho chị và chồng rất cẩn thận. Mọi người đều khóc, chị bệnh nhân đang mang thai 21 tuần nằm ở giường bệnh gần đó cũng khóc, mình quay về hoàn thành nốt hồ sơ trong lúc bà mẹ 31 tuổi vẫn tiếp tục xoa bóp, ủ ấm cho bé. Lúc sau ngẩng đầu lên, thấy chị ôm bé, mắt đỏ hoe:
"Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm! Để em đưa con qua bên bệnh viện Từ Dũ may ra bên đó có cách! Cảm ơn bác sĩ!"
Rồi dáng chị lật đật ôm con chạy vội ra ngoài".
|
Chia sẻ của bác sĩ trẻ nhận được sự đồng cảm của nhiều người, hầu hết bày tỏ sự tiếc thương với em bé ra đi khi còn chưa được đặt tên. Và cũng không khỏi trào nước mắt thương có người mẹ.
"Ngăn mãi nước mắt mới không rơi! Bạn bé nhà chị cũng sinh non 30.5 tuần tuổi, lúc bạn ý được hơn 2 tháng mới được 2.4kg, mẹ con cũng phải bồng bế nhau vào Nhi TƯ trong tình trạng bạn ý có những cơn ngừng thở.
Nhưng ơn trời, ơn các bác sĩ, bạn nhà chị giờ được 9 tháng rồi, không béo tốt, phốp pháp nhưng rắn rỏi.
Chị thấy hình ảnh mình trong hình ảnh người mẹ trong câu chuyện của Pu. Thương sao cho hết 2 mẹ con bạn ấy!", một cư dân mạng bày tỏ.
"Đọc câu chuyện buồn quá, mình đang mang song thai, lo lắng mong qua từng ngày. Chỉ mong con sinh ra đủ ngày đủ tháng, khoẻ mạnh. Bạn mình cũng mang song thai, 34 tuần vẫn bình thường, mà gần 36 tuần mất tim thai 1 bé. Mổ cứu đc 1 bé thôi. Biết những tin nhu thế này thật đau lòng và lo lắng", nickname P.T.T bày tỏ.
"Cháu em sinh non cũng đc 1kg cả tã, nằm lồng gần 1 tháng thì xin về nhà chăm. Em với chị gái gần như không dám ngủ, chia ca coi vì vừa phải cho ăn, vừa phải canh vì cháu có thể ngừng thở bất kì lúc nào. Rất nhiều lần cháu cũng ngừng thở và tím đi nhưng phát hiện kịp thời và hồi nằm viện đã đc các bác sĩ ở nhi TW dạy cách giúp bé thở lại nên trộm vía cháu em giờ được gần 3 tuổi và khoẻ mạnh! Chia buồn với gia đình trong câu chuyện!", bạn S.S chia sẻ.
Nhiều bà mẹ có con sinh thiếu tháng cũng tỏ ra lo lắng và băn khoăn về cách xử lí khi bé bỗng nhiên ngưng thở
Một nickname chia sẻ kinh nghiệm: "Nếu thấy trẻ có biểu hiện lịm đi, tím tái thì bạn búng mạnh vào gan bàn chân bé nhé. Cứ búng mạnh đừng sợ bé đau mà nhẹ tay. Sau đó kiểm tra đường thở của bé xem bị tắc ở đâu để xử lý".
Nhiều bà mẹ sau sinh con thiếu tháng có tâm trạng hoảng hốt, lo sợ về số phận con mình, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, phiền muộn, lo lắng. Nhiều bà mẹ lại phó mặc cho bệnh viện trong việc chăm sóc con cái mình trong những tháng đầu sau sinh. Theo các báo sĩ khoa Sản Nhi, đó là những cách hành xử sai lầm, vô hình dung đẩy con mình vào tình cảnh trầm trọng hơn. Hơn lúc nào hết, các bé sinh thiếu tháng rất cần bàn tay nâng niu, yêu thương, âu yếm hàng ngày của người đã sinh ra chúng. Một số nhà tâm lý học cho rằng, việc chăm sóc các cháu sinh thiếu tháng phải giống như việc nuôi con của các chú chuột túi Châu Úc, lúc nào cũng để con trong túi trước ngực.
Đa phần trẻ sinh non đều phải đối mặt với những mối nguy như: khó thở; xuất huyết não; mắc bệnh tim bẩm sinh; mắc bệnh lý liên quan đến võng mạc; các bệnh về dạ dày, ruột, thiếu dịch tiêu hóa; các bệnh liên quan đến hệ bài tiết bao gồm bài tiết phân, nước tiểu...
Với trẻ sinh non, khả năng nhiễm trùng càng cao hơn khi hệ miễn dịch vô cùng non yếu. Tuổi thai càng thấp thì trẻ càng không tích trữ đủ các chất quan trọng như chất béo (DHA, ARA), canxi, sắt, đường vốn chỉ có nhiều trong những tháng cuối của thai kỳ.
Chính vì lẽ đó, việc chăm sóc trẻ sinh non cần phải đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như sự hiểu biết chuyên môn, các điều kiện trang thiết bị và sự tận tình của người chăm sóc. Khi còn trong điều kiện chăm sóc đặc biệt, đứa trẻ cần chăm sóc hoàn toàn điều kiện vô khuẩn tuyệt đối, nhất là với trẻ dưới 1,5 kg.
Nhiệt độ phòng lúc nào cũng phải ổn định để giữ thân nhiệt bé luôn từ 36,5 – 37 độ C. Với trẻ nặng từ 2 đến 2,5kg thì phải giữ nhiệt độ phòng từ 27 - 28 độ C. Trẻ nặng 1,5 - 2kg thì giữ nhiệt độ phòng từ 30 - 32 độ C. Riêng với trẻ dưới 1,5kg thì nhiệt độ phòng phải duy trì từ 33 - 35 độ C.
Nếu trẻ được đưa về nhà chăm sóc, nếu gia đình không có điều kiện thì cha mẹ phải áp dụng bế con theo phương pháp kanguroo, nghĩa là bế con sao cho da kề da, kê sát đầu dưới cằm người lớn và quay mặt một bên. Có thể đội mũ hoặc quấn khăn để giữ thân nhiệt cho bé nếu cần.
Theo dõi sát nhịp thở, màu da, khả năng tiêu hóa (lượng sữa bú trong ngày, dịch nôn, số lần tiêu tiểu, bụng trướng hay không), thóp đầu, thân nhiệt, trọng lượng... Những điều này rất quan trọng đối với công tác chăm sóc trẻ sinh non.
Trẻ sơ sinh non tháng cần được theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe để kịp thời phát hiện các triệu chứng có thể dẫn đến rối loạn nguy hiểm cho trẻ.
Nếu trẻ có cơn ngừng thở. Có thể kích thích trẻ thở bằng cách xoa vào lưng trẻ trong vòng 10 giây. Nhưng tốt nhất là khi phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như trẻ ngừng thở, giảm vận động, li bì hoặc bú kém phải báo cho nhân viên y tế ngay để xử trí kịp thời.