'Xu hướng phát triển taxi công nghệ là tất yếu, không cản doanh nghiệp chọn loại hình vận tải'

Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về việc quản lí xe công nghệ.

IMG_3425

Taxi truyền thống nhiều lần đưa ra quan điểm về dự thảo Nghị định 86 của Bộ GTVT. (Ảnh: Di Linh).

Bộ GTVT ưu ái taxi công nghệ?

Ngày 12/11, Thủ tướng Chính phủ có văn bản trả lời chất vấn ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) về taxi công nghệ và Nghị định 86.

Trước đó, ngày 30/10, đại biểu Lê Thanh Vân có phiếu chất vấn với nội dung kể từ khi cho phép thực hiện thí điểm đến nay, các hãng taxi công nghệ nước ngoài cơ bản đã chiếm 60-70% thị phần vận tải taxi ở các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

"Nhiều ý kiến cho rằng, dẫn đến tình trạng đó do Bộ GTVT đã quá ưu ái cho các hãng taxi công nghệ khi cho phép thực hiện thí điểm trên diện rộng và ở nhiều địa phương, khiến các doanh nghiệp trong nước không có đủ thời gian để thích nghi, học hỏi, chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó là việc Chính phủ trong 4 năm qua chưa sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 về quản lý vận tải, đã vô tình tạo ra nhiều ưu ái, giúp cho taxi công nghệ nước ngoài chiếm lĩnh thị phần", phiếu chất vấn của đại biểu Vân nêu.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nêu vấn đề về việc taxi công nghệ mặc dù hoạt động như doanh nghiệp vận tải nhưng không bị trói buộc bởi các qui định của pháp luật, dẫn đến có lợi thế cạnh tranh.

"Quan điểm của Chính phủ về định hướng quản lí đối với taxi công nghệ? Chính phủ có xác định taxi công nghệ là hoạt động vận tải không?

Khi nào thì Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 86, hoặc ban hành văn bản mới, tạo khuôn khổ pháp lí, xác lập điều kiện bảo đảm, để các doanh nghiệp trong nước có thể yên tâm đầu tư công nghệ đủ lớn mạnh đủ khả năng canh tranh bình đẳng, lành mạnh với loại hình vận tải này?", đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Thí điểm taxi công nghệ bước đầu mang lại kết quả tích cực

Liên quan đến chất vấn nêu trên của đại biểu Lê Thanh Vân, Thủ tướng Chính phủ cho biết ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đề cập (năm 2011), việc ứng dụng khoa học công nghệ đã và đang được các nước trên thế giới đẩy mạnh triển khai.

Ở nước ta, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lí, điều hành được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân.

"Đối với ngành giao thông vận tải, trong những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo.

Nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế chia sẻ, mà điển hình là hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng (như Grab, Go Viet...)", Thủ tướng Chính phủ cho biết.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết do đây các mô hình kinh doanh mới, chưa được điều chỉnh trong các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành; theo đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng đã cho phép triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 địa phương nhằm tổng kết, đánh giá, xây dựng chính sách quản lí phù hợp.

Qua thời gian thí điểm tại 5 địa phương, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, thuận tiện cho người dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lái xe, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh hơn.

"Việc thí điểm cũng đã cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước.

Vì vậy, Đại biểu có thể yên tâm và tin tưởng rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện tốt, bảo đảm sự ổn định nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh (không lệ thuộc vào các đối tác nước ngoài)", Thủ tướng cho biết.

IMG_3446

Theo dự thảo Nghị định mới nhất, taxi truyền thống có thể không gắn mào. (Ảnh: Di Linh).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng điện tử cũng phần nào làm ảnh hưởng đến loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi truyền thống.

Đây là qui luật tất yếu nhưng mang tính tích cực, hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao.

Việc chuyển đổi sang ứng dụng quản lí và điều hành hoạt động vận tải đối với các doanh nghiệp đã được chú trọng hơn; công tác quản lí nhà nước trong vận tải, lĩnh vực quản lý, thu thuê được quan tâm và thực hiện sát sao hơn.

"Như vậy, mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc hạn chế. Trong việc này, ngoài những kết quả tích cực đã nêu trên thi chúng ta cũng cân nhìn nhận hạn chế để sớm điều chỉnh như:

Phải có sự phối hợp sát sao và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lí chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các qui định trong quản lí hoạt động vận tải, quản lí công nghệ, thuế...", Thủ tướng nêu.

Do đó, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô trên tinh thần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lí, điều hành giao thông vận tải đối với tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, tạo khung khổ pháp lí chặt chẽ, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu cao nhất là đáp ứng ngày càng tốt hom nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Quan điểm của Chính phủ về quản lí taxi công nghệ

Đối với chất vấn của đại biểu về quan điểm định hướng quản lí taxi công nghệ, Thủ tướng cho biết việc quản lí xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm để điều hành, kết nối trực tiếp lái xe và hành khách là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo định hướng xây dựng Nghị định này với một số trọng tâm: Loại bỏ các nội dung qui định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết, không phù hợp với Luật giao thông đường bộ.

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lí vận tải để thay thế cho phương thức quản lí truyền thống.

Bỏ qui định bắt buộc phải gắn hộp đèn cố định trên nóc xe taxi (doanh nghiệp tự quyết định việc gắn hộp đèn trên nóc xe), thay vào đó dùng phần mềm cùng với phù hiệu, biển hiệu xe và Tem kiểm định khác biệt để quản lí.

Xây dựng hạ tầng công nghệ nhăm kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe ô tô...

"Dự thảo Nghị định không có nội dung cản trở đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại hình vận tải. Vì vậy, đơn vị kinh doanh vận tải hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mình theo pháp luật", Thủ tướng cho biết.

IMG_3459

Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết taxi công nghệ đang chiếm thị phần lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. (Ảnh: Di Linh).

Đối với nội dung chất vấn "Chính phủ có xác định taxi công nghệ là hoạt động vận tải không?", Thủ tướng cho biết theo qui định của Luật giao thông đường bộ, loại hình xe taxi là một trong năm loại hình kinh doanh vận tải hành khách và như đã phân tích ở trên thì taxi truyền thống hay taxi công nghệ đều là hoạt động kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối, cung câp dịch vụ nền tảng (tương tự như Grab, Go Viet...) có là hoạt động kinh doanh vận tải hay không?

Theo Thủ tướng, dự thảo Nghị định lần này đã cụ thể hóa khái niệm về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

Đồng thời dự thảo Nghị định cũng thể hiện rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và trách nhiệm của đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Cụ thể, dự thảo đã phân định rõ trường hợp đơn vị chi cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các qui định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan...

Trường hợp đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phưang tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì phải thực hiện các qui định đối với đơn vị kinh doanh vận tải.

"Các nội dung dự thảo Nghị định nêu trên là khung pháp lí chung để các doanh nghiệp tự do lựa chọn hoạt động của mình theo pháp luật", Thủ tướng cho biết.

Đối với chất vấn thứ 3 của đại biểu, Thủ tướng cho biết dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã được Bộ GTVT hoàn chỉnh, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, kí ban hành.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.