Xuất hiện nhiều tình tiết mới vụ nhân viên Công ty Long Sơn đánh người

Ngày 16/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo có hành vi cố ý gây thương tích tiếp tục diễn ra với nhiều tình tiết mới.
vu nhan vien cong ty long son danh nguoi co dau hieu bo sot toi pham
Trong quá trình thẩm vấn của đoàn Luật sư, các bị cáo đã khai ra nhiều tình tiết mới.

Theo cáo trạng, ba anh em Trần Văn Thanh (SN 1973), Trần Văn Hanh (SN 1980) và Trần Văn Huỳnh (SN 1985) có tranh chấp đất tại tiểu khu 1535 với ông Đào Công Bắc (SN 1986, ngụ tại tỉnh Bình Dương). Ông Bắc có quen biết với Phúc từ trước nên đã nhờ Phúc đi đòi lại đất giùm mình và hứa sẽ “bồi dưỡng”.

Đến ngày 22/2/2015, Phúc rủ Bốn, Long, Phong đến nhậu nhà Bắc với mục đích giới thiệu người đi đòi đất giùm Bắc. Đến 15h30, ngày 3/3/2015, nhóm của Bốn kéo người xuống để tranh đất rẫy của ông Thanh thì có chị Chu Thị Kim Dung (vợ anh Thanh) ở nhà. Sợ có chuyện chẳng lành nên chị Dung gọi cho anh Thanh về.

Lúc này, Long và Bốn lại gọi thêm Duy, Dững, Trí, Luân (nhân viên của công ty Long Sơn, công ty đã xảy ra vụ xả súng ngày 23/10/2016, khiến 3 người tử vong và 16 người khác bị thương - PV), mang theo nhiều hung khí đến để giúp sức trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.

Nhận được cuộc gọi của chị Dung, anh Thanh về và dẫn theo anh Hanh và anh Huỳnh về cùng. Trong lúc xác nhận nguồn gốc đất là của ai, hai bên xảy ra cự cãi, nhóm của Bốn dùng hung khí... xông tới tấn công gia đình nhà anh Thanh khiến anh bị chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90% và 3 người trong gia đình anh Thanh cũng bị thương.

vu nhan vien cong ty long son danh nguoi co dau hieu bo sot toi pham
Nạn nhân Thanh với thương tích 90% nên không thể nói được, phải có người đại diện

8 đối tượng gồm: Trần Văn Bốn (SN 1986), Phạm Thanh Long (SN 1988), Nguyễn Khắc Duy (SN 1994), Trương Thanh Dững (SN 1994, cùng ngụ tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), Trần Thanh Phú (SN 1993), Trần Thanh Phong (SN 1992), Trần Văn Trí (SN 1999, cùng ngụ tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản, Bình Phước) và Võ Văn Luân (SN 1990, ngụ tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu, Tây Ninh).

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm chiều 15/11 bị cáo Bốn đã khai nhận, chính ông Bắc (được tòa mời là người làm chứng) đã nói nhóm của Bốn vào rẫy của anh Thanh đòi đất “nếu bọn nó láo thì đánh cho một trận”.

Tại phiên tòa sáng ngày 16/11, đoàn Luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo. Theo đó, 3 bị cáo: Bốn, Phong, Long đã khai ra một nhân vật rất quan trọng tên Phương là thư kí của ông Thiên Sửu (phó giám đốc Công ty Long Sơn), người này có mặt trong hai cuộc nhậu trước đó. Đây cũng chính là người kết nối Phúc, Bắc để cho nhóm này gặp nhau. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng khai Linh Đức Thuận là bạn của Đức (cũng em trai của Linh Thị Phương là vợ của Bắc) làm quản lí bảo vệ của Công ty Long Sơn nên vụ án này lộ ra nhiều tình tiết bí ẩn về mối quan hệ của những người này.

Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, tại biên bản lấy lời khai ngày 26/5/2015, Phúc khai tại buổi nhậu có sự góp mặt của Đức (bảo vệ Công ty Long Sơn). Phong cũng khai nhận có hỏi Đức “chém người giành rẫy luôn phải không”, nhưng cơ quan điều tra không làm rõ tình tiết này. “Ở đây có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, Luật sư Nam nói.

Tại tòa, bị cáo Bốn, Phong, Long cũng đã diễn tả lại hành động hôm xảy ra sự việc.

Vào phiên xét xử chiều nay, HĐXX sẽ tiếp tục phần tranh luận.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.