Năm 2016 được đánh giá là năm rất khó khăn cho ngành xuất khẩu gạo của nước ta. ( Ảnh Vũ Độ) |
Xuất khẩu tụt giảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ giữa năm 2016 VFA đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này cũng khó đạt được do ảnh hưởng của chính sách nhập khẩu gạo của một số nước đã thu hẹp lại.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng năm 2016 xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 4,2 triệu tấn, giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho biết: “Các nước nhập khẩu gạo chính của Việt Nam có xu hướng giảm dần sản lượng nhâp khẩu, chỉ tính trong 9 tháng năm 2016 thị trường Philippine giảm 66,4%, Malaysia giảm 54,8%, Trung Quốc giảm 21,6%... Nguyên nhân do Chính phủ các nước này có những chính sách về an ninh lương thực, cân đối lương thực trong nước, hạn chế nhập khẩu gạo”
Một trong những nguyên nhân nữa là do gạo Việt Nam không có thương hiệu, chất lượng thấp, giá thành cao nên chưa thể cạnh tranh được ở một số thị trường.
Cũng theo ông Huỳnh Thế Năng thời gian qua, gạo Việt Nam liên tục bị thị trường Mỹ trả về do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên đã làm khối lượng gạo xuất khẩu sụt giảm so với các năm trước.
Tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, đã có tổng cộng 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường Mỹ bị trả về với tổng số 412 container gạo, tương đương với khối lượng khoảng 10.000 tấn. “Đây là tình trạng báo động đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nếu không thay đổi cách làm thì nguy cơ mất thị trường xuất khẩu là rất cao” ông Huỳnh Thế Năng Chủ tịch VFA nhấn mạnh.
Cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu
Theo đánh giá của một số chuyên gia, nhiều doanh nghiệp không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Hiện tại, các doanh nghiệp đang phải đa dạng hóa thị trường, tìm thêm bạn hàng mới để đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời cũng cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.
Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, muốn ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam phát triển thì điều trước tiên là cần xây dựng thương hiệu gạo Quốc gia, tuy nhiên việc này ở nước ta còn rất chậm vì vậy trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần định hướng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm, hạn chế lúa cấp thấp mà chúng ta đang bị cạnh tranh gay gắt.
Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Quố gia đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. ( Ảnh Vũ Độ) |
Về phía Bộ Công Thương xem xét các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác. Đặc biệt, cần tạo cơ chế tín dụng thông thoáng và giảm lãi suất để giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể vay vốn phục vụ xuất khẩu…
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, năm 2016 là năm rất khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta. Vì vậy, vấn đề cốt lõi trước mắt là cần xây dựng một thương hiệu gạo xuất khẩu uy tín, đồng thời cũng cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.