Y án tử với kẻ vượt ngàn cây số giết vợ và tình địch

HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thịnh và tuyên y án sơ thẩm: tử hình bị cáo Trần Đình Thịnh về tội Giết người.

Ngày 19/10, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Trị, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và bác đơn kháng cáo, tuyên y án tử hình bị cáo Trần Đình Thịnh về tội "Giết người".

Theo tin tức trên báo Pháp luật Việt Nam, trước đó, ngày 31/5/2016, TAND tỉnh Quảng trị đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm Trần Đình Thịnh mức án tử hình với tội danh nên trên, đồng thời bồi thường cho gia đình nạn nhân Lai số tiền 295 triệu đồng.

Cho rằng nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ lỗi của bị hại, bản thân bị cáo gây án trong trạng thái bị kích động mạnh, và gia cảnh nghiệt ngã của bị cáo khi cha chết, mẹ ung thư giai đoạn cuối, 2 đứa con còn quá nhỏ... nên Thịnh đã có đơn kháng cáo.

Phía gia đình 2 bị hại, gồm chị Quách Thị Thu – em gái nạn nhân Thơm và chị Phan Thị Phượng – vợ nạn nhân Lai đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Thịnh.

Bị cáo Thịnh trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Pháp luật Việt Nam.

Báo Giao thông đưa tin, theo cáo trạng, Thịnh và vợ là chị Quách Thị Thơm (SN 1985, quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) đã có với nhau 2 con trai (9 tuổi và 3 tuổi). Do cuộc sống khó khăn, tháng 2/2015, Thịnh đi lao động ở Trung Quốc.

Thời gian này, vợ Thịnh ở nhà nảy sinh quan hệ tình ái với ông Trần Văn Lai (SN 1976, trú thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) và có thai.

Ngày 23/7/2015, Thịnh trở về quê làm rõ sự tình. Mối quan hệ bất chính này cũng bị công an xã bắt quả tang, lập biên bản. Bản thân Thơm cũng thừa nhận và được Thịnh bỏ qua.

Sau khi tha thứ cho vợ, Thịnh quyết định đưa vợ con vào Bình Dương để hàn gắn tình cảm, xây dựng cuộc sống gia đình, đồng thời mong muốn cách ly vợ ra khỏi mối quan hệ ngoài luồng.

Những phút giây bên cạnh 2 đứa con và người thân của bị cáo Thịnh khi HĐXX vào nghị án. Ảnh: Báo Giao Thông.

Để chắc chắn vợ không còn giấu diếm chuyện gì nên Thịnh lại dò hỏi. Do Thịnh tra hỏi ráo riết nên chị Thơm đành khai chuyện đã có thai với người tình và đã vào TP. HCM phá thai trước đó.

Nghe vợ “tự thú”, Thịnh lại lần nữa bỏ qua lỗi lầm cho vợ. Thế nhưng sau đó Thịnh lại tiếp tục phát hiện trong điện thoại chị Thơm có dòng tin nhắn gửi cho ông Lai với nội dung “Nếu anh Thịnh bỏ em, anh có đi với em không?”.

Tức tối vì đã tha thứ cho vợ nhiều lần mà vợ vẫn còn tơ tưởng, liên lạc với người tình nên Thịnh đã dùng dao đâm chết chị Thơm vào chiều tối ngày 19/8/2015.

Đến sáng hôm sau, Thịnh đi máy bay từ Tân Sơn Nhất ra sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) rồi đón xe khách về Quảng Trị.

Thịnh cố gắng ngoái cổ nhìn người thân trước khi bước lên xe về trại giam. Ảnh: Giao Thông.

Khoảng 20h30 ngày 20/8/2015, Thịnh đi thẳng vào nhà ông Lai rồi vung dao chém ông Lai khi nạn nhân đang ngủ trên giường. Vết chém quá sâu ở cổ khiến ông Lai tử vong ngay sau đó.

Gây án xong, Thịnh bỏ lại xe máy ở nhà nạn nhân rồi chạy trốn khỏi hiện trường. Đến rạng sáng 21/8/2015, Công an tỉnh Quảng Trị bắt được Thịnh ở khu vực nghĩa trang thôn Tân Xuân (xã Gio Việt), cách hiện trường gây án không xa.

Trong phiên tòa phúc thẩm lần này, phía gia đình 2 bị hại đều vắng mặt.

Đại diện VKSND tối cao cho rằng phiên tòa cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử đúng người, đúng tội nên các lý do xin giảm nhẹ tội của bị cáo không có căn cứ, vì thế không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.

Ông Lê Văn Hiến, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bản cáo trạng mà VKSND tỉnh Quảng Trị đã lược bỏ gần như toàn bộ nội dung, diễn biến phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân của vụ án mà chỉ tập trung miêu tả chi tiết gây án làm hạn chế đến kết quả đánh giá quyết định của vụ án một cách toàn diện khách quan.

Thêm nữa, do Thịnh thực hiện hành vi giết người ở các địa điểm, thời gian, mục đích, động cơ khác nhau nên tội danh được quy định phân biệt trong BLHS. Đối với tội phạm mà bị cáo thực hiện ở Bình Dương đề nghị HĐXX xử theo Điều 95, BLHS là “Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thay vị “Tội giết người”.

Ngoài ra, sau bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Quảng Trị tuyên, hàng trăm người dân ở xã Cam Hiếu và Gio Việt đã ký đơn xin để bị cáo được sống. Không những thế, có một luật sư đang làm việc ở TP. HCM khi biết đến vụ án, thấy gia cảnh hết sức bi đát của bị cáo, vị luật này đã tức tốc liên hệ với gia đình Thịnh sẽ ra Quảng Trị để bào chữa miễn phí giúp bị cáo.

Bà Nậy, mẹ bị cáo (đứng bên phải) không kìm được nước mắt khi xe chở Thịnh dần mất hút. Ảnh: Pháp luật Việt Nam.

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Thịnh thiết tha xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì cha bị cáo đã mất, mẹ bị cáo đang bị ung thư chưa biết chết lúc nào, 2 đứa con bị cáo còn quá nhỏ.

Bị cáo Thịnh cũng gửi lời xin lỗi đến người thân của 2 gia đình bị hại, cảm ơn gia đình bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo... "Con xin lỗi mẹ. Ba có lỗi với 2 con nhiều lắm...”, Thịnh mếu máo.

Căn cứ vào tài liệu, lời nhận tội của bị cáo và tranh tụng tại phiên tòa, xem xét toàn diện hồ sơ, chứng cứ vụ án… HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thịnh và tuyên y án sơ thẩm: tử hình bị cáo Trần Đình Thịnh về tội Giết người.

An Yên (Tổng hợp)

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.