Cổng trời Bali (Indonesia): Bali là điểm du lịch hấp dẫn du khách bởi sở hữu nhiều chốn check-in ảo diệu. Trong đó, cổng trời hay cánh cổng thiên đường tại đền Lempuyang ở Karangasem thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm. Trên mạng xã hội, những bức ảnh check-in tại đây gây ấn tượng bởi sự phản chiếu mây trời từ vũng nước dưới chân cánh cổng. Tuy nhiên, bạn có thể vỡ mộng khi nhận ra bóng nước thực chất là một miếng gương được đặt khéo léo ngay bên dưới ống kính. (Ảnh: The Sun).
Khu tưởng niệm quốc gia Mount Rushmore (Mỹ): Nằm trong rừng quốc gia Black Hills ở bang South Dakota, vách đá granite điêu khắc chân dung 4 vị tổng thống Mỹ George Washington, Theodore Roosevelt, Abraham Lincoln và Thomas Jefferson trên ngọn núi Rushmore là một trong những biểu tượng nổi tiếng của nước này. Tới đây, du khách thường lựa chọn điểm đến này để chụp ảnh check-in. Tuy nhiên, bạn nên sống ảo với bức điêu khắc kì vĩ này từ phía xa bởi khi lại gần, những hình ảnh nhận được có thể gây thất vọng. (Ảnh: Misa_tanaka, David Fulmer).
Tháp Eiffel (Pháp): Tháp Eiffel tọa lạc tại thủ đô Paris tráng lệ của Pháp, là một trong những công trình nổi tiếng thế giới, điểm check-in mơ ước của rất nhiều người mê du lịch. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu thông tin trước khi ghé thăm, bạn có thể hụt hẫng trước khung cảnh đoàn người đông đúc dưới chân tháp. Năm 2017, khoảng 41 triệu du khách đến với Pháp. Do đó, việc tìm một chỗ ngồi thảnh thơi trên bãi cỏ và chụp hình là điều không hề dễ dàng. Để sở hữu bức ảnh ảo diệu với tháp Eiffel, bạn phải tìm nơi ít người, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh khối thép khổng lồ. (Ảnh: Pariss.lovers, Sumin_ini).
Tượng đài Stonehenge (Anh): Là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 1986, tượng đài Stonehenge ở Anh, nổi bật với những cột đá dựng đứng, xuất hiện từ năm 2500-2000 trước Công nguyên. Tuy nhiên, loạt ảnh sống ảo trên mạng có thể đánh lừa người xem về khung cảnh yên bình của địa điểm du lịch nổi tiếng này. Sự nổi tiếng đi kèm với việc nơi đây có lúc đón rất nhiều lượt khách, gây nên tình trạng quá tải. Do vậy, bạn khá khó khăn trong việc lựa thời điểm ít người để sống ảo. (Ảnh: Goseetheuk, Subdivx/0.
Santorini (Hy Lạp): Vẻ đẹp của xứ thần thoại Santorini ở Hy Lạp là điều không còn phải bàn cãi cả trên mạng lẫn thực tế. Tuy nhiên, điều khiến những bức ảnh check-in trở thành tác phẩm dàn dựng chính là không gian vắng vẻ, tĩnh lặng của vùng đất bên bờ biển thơ mộng này. Khi bắt đầu xuất hiện và trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, Santorini trở thành điểm nóng với 2 triệu lượt khách mỗi năm. Cảnh tượng đông đúc, tấp nập du khách, khác xa trong ảnh sống ảo trên mạng, là điều khiến bạn bất ngờ. (Ảnh: Kaptenandson, Business Inside Malaysia).
Cổng tò vò (Quảng Ngãi): Không chỉ ở nước ngoài, Việt Nam cũng xuất hiện những điểm check-in dễ gây vỡ mộng. Cổng tò vò trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một trong số đó. Nhìn vào các bức ảnh check-in trên mạng, bạn sẽ ngỡ đây là một kiệt tác to lớn và kì vĩ của thiên nhiên. Tuy nhiên, nghệ thuật nhiếp ảnh đã biến mái vòm bằng đá cao 2,5 m trở thành cánh cổng khổng lồ bên bờ biển. Không phải điểm check-in nào cũng đứng vào là có ảnh đẹp, bạn phải có một con mắt nghệ thuật để căn chỉnh góc hình hợp lí. (Ảnh: Honguyenkhanhlin, Winky_cao).
Cầu Vàng (Đà Nẵng): Cầu Vàng ở Đà Nẵng luôn là điểm du lịch ưa chuộng của giới trẻ. Nhiều khách du lịch đã tới đây để check-in những bức hình ảo diệu, đẹp lung linh. Tuy nhiên, đôi khi kết quả lại không được như mong đợi. Độ nổi tiếng đã dẫn đến số lượng lớn khách du lịch ghé thăm. Bạn không dễ để chụp hình mà không dính vị khách khác, khiến bức hình lộn xộn. Chiêu trò để du khách có thể giải quyết vấn đề này là lựa chọn thời gian sớm hơn. Lúc đó, nơi đây vãn khách và bức ảnh chụp cầu Vàng của bạn sẽ đẹp hơn đáng kể. (Ảnh: Vokrugsveta.ua, Hangchang31122002).
Nấc thang lên thiên đường (Đà Lạt): Cùng cảnh ngộ với cầu Vàng, nấc thang lên thiên đường ở Đà Lạt cũng từng gây sốt trong cộng đồng du lịch thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nằm giữa khoảng đất trống, điểm check-in này được thiết kế khá đơn sơ, không quá đặc sắc, chỉ hợp để sống ảo thay vì tham quan, ngắm cảnh. Tuy nhiên, phông nền trời xanh và không gian rộng lớn phía sau nấc thang đã góp phần đánh lừa thị giác của bạn khi ngắm nhìn những ảnh chụp tại đây. (Ảnh: Linhhuongtran, Cúc Tiên Trần).
Cổng trời (Đà Lạt): Cổng trời ở Đà Lạt là phiên bản thứ 2 từ điểm check-in nổi tiếng ở Bali. Cùng với đó, chiêu trò dựng bóng nước cũng được áp dụng ở đây. Trên thực tế, dưới chân cánh cổng nổi tiếng này chỉ là khoảng đất trống, không phải vũng nước trong in bóng trời cao như trong ảnh. (Ảnh: Ppibeo95, Vy Gà).
Hang Múa (Ninh Bình): Cùng với danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính... hang Múa là góc sống ảo hút khách ở Ninh Bình. Mặc địa hình khó đi lại, rất nhiều người đã tới đây để sở hữu những bức ảnh nghìn like. Trên mạng xã hội, bạn có thể chiêm ngưỡng những bức hình tuyệt đẹp, ghi lại khung cảnh một vị khách đội nón lá, ngồi giữa không gian rừng núi, mây trời rộng lớn. Tuy nhiên, thực tế, một góc chụp khác hiếm thấy đó là cảnh tượng hàng chục người đang xếp hàng để sở hữu vài phút sống ảo ngắn ngủi. (Ảnh: N_ngocc, Duong_quang_huy).