10 năm từ 'bé hạt tiêu' vốn 18 tỷ đồng đến chủ đầu tư loạt dự án nghỉ dưỡng hàng tỷ USD của FLC

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Ông Quyết là người đã đưa FLC từ một doanh nghiệp vốn vỏn vẹn 18 tỷ đồng thành chủ đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng vốn tỷ USD trong hơn 10 năm qua.

Bén duyên đầu tư địa ốc nhờ mua lại các dự án “đóng băng”, chuyển hướng làm nên tên tuổi trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng

 Dự án FLC Sầm Sơn. (Nguồn: FLC).

CTCP Tập đoàn FLC tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune do ông Trịnh Văn Quyết thành lập từ năm 2008 với số vốn ban đầu 18 tỷ đồng. Đến năm 2009, doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức CTCP với tên gọi CTCP Đầu tư Tổng hợp CRV, sau đó tiếp tục đổi tên thành CTCP Tập đoàn FLC vào năm 2010 và không đổi cho đến nay.

Ban đầu, doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng quản lý, quảng cáo và tư vấn bất động sản mà chưa từng làm chủ đầu tư trực tiếp dự án bất động sản nào.

Nổi bật là dự án FLC Lanmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội do CTCP Đầu tư tài chính Ninh Bắc làm chủ đầu tư, phía FLC là nhà phân phối độc quyền các căn hộ tại dự án, đồng thời khai thác và quản lý khu thương mại, dịch vụ văn phòng.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2011 - 2015, khi thị trường bất động sản trong nước trầm lắng sau ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, FLC dần nổi lên tại thị trường địa ốc phía bắc với những thương vụ M&A và phát triển các dự án tiềm năng bị “đóng băng”. Đơn cử như dự án 36 Phạm Hùng (nay là FLC Complex Phạm Hùng), Alaska Garden City (FLC Garden City Nam Từ Liêm), Lavender Tower (FLC Star Tower Hà Đông), Tháp đôi 265 Cầu Giấy (FLC Twins Tower).

Trong BCTC của FLC giai đoạn 2011 – 2015 cũng dần ghi nhận thêm các khoản đầu tư vào những đơn vị thànn viên, công ty liên kết đầu tư vào các dự án BĐS, cùng với đó là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án này.

Mặc dù đã phát triển một số dự án địa ốc tại Hà Nội, song phải đến tháng 7/2015, tên tuổi FLC mới thật sự tạo dấu ấn trên thị trường BĐS nhờ sự kiện khánh thành quần thể sân golf, khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort tại Thanh Hóa chỉ sau hơn một năm khởi công. Đây được xem là đại dự án vào thời điểm đó với tổng vốn đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng, quy mô diện tích gần 300 ha.

FLC Sầm Sơn là dự án đầu tiên của FLC trong mảng bất động sản nghỉ dưỡng, đánh dấu sự chuyển hướng trọng tâm của doanh nghiệp sang lĩnh vực này.

Tiếp nối dự án tại Thanh Hóa, FLC lần lượt khánh thành quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Vĩnh Thịnh - Vĩnh Phúc và quần thể sân golf, khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLCcQuy Nhơn Beach & Golf Resort – Bình Định vào năm 2016. Dự án FLC Quy Nhơn có quy mô diện tích 1.300 ha, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng.

Đến năm 2018, FLC tiếp tục ra mắt đại dự án FLC Quảng Bình quy mô 2.000 ha, tổng vốn 20.000 tỷ đồng và khánh thành quần thể sân golf, khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort – Quảng Ninh.

Hành trình từ “bé hạt tiêu” 18 tỷ đồng đến tham vọng tăng vốn hơn nửa tỷ USD

Cùng với việc ồ ạt mở rộng đầu tư vào bất động sản, FLC đứng trước nhu cầu lớn về nguồn vốn. Trước khi thực hiện chiến lược M&A, Tập đoàn FLC đã đưa doanh nghiệp niêm yết lên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2011 và tiếp tục chuyển niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào tháng 8/2013.

Theo FLC, thị trường chứng khoán đã giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, với trên 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào giai đoạn 2014 - 2015.

 

Sau nhiều lần tăng vốn thông qua phát hành để trả cổ tức, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu, đến đầu năm 2018, vốn điều lệ của FLC đã chạm mốc 7.100 tỷ đồng. Chưa dừng tại đó, doanh nghiệp liên tiếp lên kế hoạch huy động thêm vốn đề rót vào các dự án BĐS thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong giai đoạn ba năm tiếp đó tuy nhiên đều bất thành.

Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên 2018 của FLC đã thông qua kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 42,2%, giá chào bán 10.000 đồng/cp. Mục tiêu là huy động 3.000 tỷ đồng đầu để đầu tư Dự án quần thể FLC Quảng Bình.

ĐHĐCĐ thường niên 2019 tiếp tục phê chuẩn kế hoạch chào bán xấp xỉ 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, dự thu khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện một số dự án, đầu tư vào các công ty con và bổ sung vốn lưu động.

Đến ĐHĐCĐ thường niên 2021, FLC lần nữa công bố kế hoạch huy động số vốn gần 5.000 tỷ đồng từ các cổ đông hiện hữu, nhằm thực hiện loạt dự án BĐS như Khu đô thị Hà Khánh - Hạ Long, FLC Hải Ninh 2, FLC Quảng Bình, dự án nhà ở tại Bạc Liêu…

Song tính đến thời điểm này, chưa kế hoạch phát hành nào nêu trên của FLC thành công.

Kinh doanh đi lùi sau khi ra mắt thương hiệu FLCHomes, ba năm chưa xong phương án lên sàn

Trên đà phát triển mảng bất động sản, năm 2019, FLC ra mắt thương hiệu FLCHomes với 4 dòng sản phẩm chính: FLC Beach & Golf Resort (Gồm các quần thể nghỉ dưỡng bờ biển tại Hạ Long, Sầm Sơn, Quy Nhơn…); FLC Residences (Gồm các khu đô thị dân cư như FLC Tropical City hay The Canava FLC Quy Nhơn); FLC Retails & Office(Kinh doanh trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê như tòa nhà Bamboo Airways 265 Cầu Giấy, ...); cuối cùng là FLC Green Eco (Bất động sản xanh) với mục tiêu giảm thiểu tác động xấu tới môi trường trong quá trình thiết kế và thi công.

Cũng từ thời điểm này, kết quả kinh doanh của FLC không còn tích cực như trước. Theo đó, trong giai đoạn trước khi làm nên tên tuổi với hàng loạt đại dự án nghỉ dưỡng, kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC tăng trưởng ấn tượng. Năm 2019, FLC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục, lần lượt đạt 15.927 tỷ đồng và 696 tỷ đồng.

Song hơn hai năm trở lại đây, FLC cho hay ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến lợi nhuận doanh nghiệp liên tục đi lùi. Đơn cử trong năm 2021, FLC báo lãi 84 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với năm trước đó; doanh thu ghi nhận 6.882 tỷ đồng, giảm 40%.

 

Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy tích cực, một số dự án mới trong giai đoạn này của doanh nghiệp cũng bị thu hồi; trong đó có hai KCN Tam Dương II – Khu B và Chấn Hưng tại Vĩnh Phúc (2019), tòa tháp 72 tầng tại Hải Phòng (2020), dự án nghỉ dưỡng tại hồ Yên Trung – Quảng Ninh (2021).

Về FLCHomes, đơn vị này từng nhiều lần công bố kế hoạch đưa 416 triệu cổ phiếu FHH lên thị trường chứng khoán song liên tục thay đổi mục tiêu từ UPCoM sang HNX và cả sàn HOSE. Tuy nhiên cho đến nay, cổ phiếu FHH của FLCHomes vẫn chưa rõ ngày được giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán.

Đặt mục tiêu lãi kỷ lục, liên tiếp xin làm dự án mới trước thời điểm Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố

Trở lại với tình hình hoạt động gần đây của FLC, trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bịkhởi tố, bắt tạm giam, Tập đoàn FLC vẫn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới.

Gần nhất, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có quyết định chấp thuận cho FLC đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy quy mô hơn 150 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.883 tỷ đồng; trong đó vốn tự có của nhà đầu tư hơn 438 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng.

Giữa tháng 3, lãnh đạo FLC cũng đã có báo cáo chi tiết về đề xuất nghiên cứu đầu tư hai dự án gồm Dự án Công viên Sài Gòn Safari (hơn 456 ha) và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (hơn 910 ha) tại Củ Chi.

Vào tháng 2 vừa qua, FLC còn đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Yên Lạc Green City có tổng diện tích hơn 47 ha, nằm trong phê duyệt Quy hoạch phân khu B2 tỷ lệ 1/2.000 khu vực phát triển đô thị, dịch vụ tại các huyện, thành phố Yên Lạc, Tam Dương, Vĩnh Yên. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, FLC cũng đề xuất làm Khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City (huyện Bình Chánh) có quy mô 1.154 ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng. Điểm nhấn của toàn dự án là tòa tháp Landmark cao 99 tầng.

Đáng chú ý, cùng với kế hoạch rót vốn cho loạt dự án mới, Tập đoàn FLC chia sẻ mục tiêu kinh doanh cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể doanh thu trong năm 2022 là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ. 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.