ĐHĐCĐ Tổng Công ty 36: Lợi nhuận năm nay phụ thuộc vào việc thoái vốn khỏi hai dự án BOT

Năm 2022, Tổng Công ty G36 dự kiến tiếp tục phải bù lỗ cho hai dự án BOT Quốc lộ 19 và Quốc lộ 6. Doanh nghiệp sẽ tập trung thoái vốn khỏi hai dự án này để giảm gánh nặng tài chính cũng như có thêm nguồn vốn để đầu tư bất động sản.

 

  ĐHĐCĐ thường niên 2022 Tổng công ty 36. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Lãi mục tiêu giảm gần 97% do BOT thua lỗ

Ngày 28/3, Tổng Công ty 36 - CTCP (mã chứng khoán: G36) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. 

Năm 2021 vừa qua, G36 ghi nhận doanh thu 1.198 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 21,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho hai dự án BOT, theo ông Nguyễn Đăng giáp - Chủ tịch HĐQT G36 chia sẻ. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Do đó, G36 sẽ không chi trả cổ tức năm 2021, thay vào đó sẽ dùng lợi nhuận để quay vòng vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh năm 2022. Phương án này đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Bước sang năm 2022, G36 xác định đây sẽ là một năm khó khăn, bởi nhiều đơn vị không còn công trình chuyển tiếp, thậm chí đã hết việc làm từ năm trước do dịch Covid-19. Cùng với đó, Việc thực hiện thoái vốn Nhà nước cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. 

Năm nay, G36 đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.258 tỷ đồng, tăng khoảng 188% và lãi sau thuế 707 triệu đồng, tương đương 3,3% so với kết quả đã thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu bất động sản dự kiến là 440 tỷ đồng, còn lại là doanh thu xây lắp. 

Lý giải về việc mục tiêu doanh thu cao song mục tiêu lãi giảm mạnh, ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Tổng Giám đốc G36 cho biết, doanh thu năm nay chủ yếu giá trị chuyển tiếp đến từ 4 gói thầu lớn là Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội, gói thầu xây Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc, gói thầu Học viện Tài Chính.  

Năm 2022, công ty vẫn trích lập dự phòng lỗ 63,4 tỷ đồng từ hai dự án BOT đang thua lỗ. Trong khi đó, các dự án bất động sản trúng đấu giá năm 2021 sẽ chưa ghi nhận doanh thu vào kết quả năm nay.

Để tăng lợi nhuận, công ty đang có kế hoạch tái cơ cấu các khoản đầu tư dài hạn thông qua việc thoái vốn khỏi hai dự án BOT đang kinh doanh lỗ. Trường hợp thoái vốn thành công, công ty sẽ hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng những năm trước, đồng thời sẽ có thêm vốn để đầu tư bất động sản, từ đó có thể ghi nhận lợi nhuận rất cao trong năm 2022.

Do đó, kế hoạch của G36 năm nay là sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn cho dự án BOT Quốc lộ 19 và BOT Quốc lộ 6, tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm năng để chuyển nhượng hai dự án nhằm giảm gánh nặng tài chính. 

Hai dự án BOT gặp "tai nạn chính sách"

Tại đại hội, ông Nguyễn Đăng giáp - Chủ tịch HĐQT G36 đã có những chia sẻ về hai dự án BOT đang thua lỗ hiện nay của doanh nghiệp.

"Hai dự án BOT Quốc lộ 19 và Quốc lộ 6 (Hòa Lạc - Hòa Bình) đều là những dự án mang yếu tố quốc phòng an ninh. Các doanh nghiệp thường ưu tiên làm những tuyến đường lớn nhiều phương tiện đi lại, còn hai dự án BOT trên, G36 được Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất thực hiện.   

Đối với Quốc lộ 19, theo thỏa thuận ban đầu mức thu phí mỗi năm tăng 3%, 3 năm tăng 9%. Khi gặp sự phản đối của người dân, chính sách thu phí sau đó không những không tăng theo lộ trình trước đây đã ký kết, ngược lại còn giảm, không thu phí 5 - 10 km của tuyến quốc lộ.

Do đó, có thể nói chúng tôi gặp tai nạn về chính sách, không phải chỉ G36 mà cũng có nhiều doanh nghiệp khác gặp vấn đề tương tự.

Với dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, trước đây Geleximco đã đầu tư 300 tỷ đồng, sau đó phải rút do phương án tài chính không đảm bảo, dự án này sau đó chuyển qua cho G36 với khâu giải phóng mặt bằng qua Hòa Lạc, Hòa Bình rất phức tạp. Hiện nay, ngân hàng còn nợ chúng tôi 100 tỷ đồng chưa giải ngân. Ngay chiều nay, chúng tôi sẽ phát thông báo chào bán dự án.

Để nói về khả năng thoái vốn thành công tại hai dự án trên, điều này phụ thuộc vào thị trường, chúng ta chưa thể đánh giá được", Chủ tịch HĐQT G36 cho biết.

Gọi vốn cho loạt dự án ở Hà Nội, Lào Cai, Nghệ An

Tại đại hội, cổ đông G36 đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn để thực hiện dự án 6-8 Chùa Bộc (Hà Nội), khu nhà ở Sapa (Lào Cai) và dự án Quán Hành (Nghệ An), những dự án dự kiến sẽ bù đắp lợi nhuận cho hai dự án BOT.

Cụ thể, G36 sẽ chào bán thêm 59.856.080 cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp (tương đương gần 599 tỷ đồng) cho các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 17:10. Sau khi hoàn thành, doanh nghiệp sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.616 tỷ đồng.

Cập nhập tiến độ các dự án đang triển khai, lãnh đạo G36 cho biết khu nhà ở khu vực trường mầm non thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào Cai), dự án này đã khởi công trong tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành và bàn giao trong năm 2022, doanh thu dự kiến 70 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, khu phức hợp kinh doanh thương mại kết hợp nhà ở thị trấn Quán Hành dự kiến sẽ hoàn thành thi công, bàn giao đưa vào sử dụng trong năm nay, doanh thu dự kiến 202 tỷ đồng. 

Đối với dự án khu dân cư Vĩnh Thông tại phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), hiện đang chờ thủ tục bàn giao mặt bằng và triển khai công tác thiết kế. Dự kiến hoàn thành thi công, bàn giao đưa vào sử dụng trong năm nay doanh thu dự kiến 91 tỷ đồng.

Dự án khu nhà ở Sapa đã có kết quả trúng đấu giá và hoàn thành nghĩa vụ tài chính, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2023.

Đối với dự án B6 Giảng Võ, đã bàn giao và đưa vào sử dụng song vẫn còn tồn đọng một số căn hộ chưa nhận bàn giao và thanh toán. Trong năm nay, G36 sẽ tập trung thu hồi công nợ tại dự án này. Tại dự án Metropolitan CT36, còn 2 căn hộ liền kề đang triển khai thi công dự kiến sẽ thi công xong và bàn giao trong quý I năm nay.

Dự án Hanoi Orchard Park đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ, hiện đang triển khai các thủ tục pháp lý, dự kiến sẽ có giấy phép xây dựng trong năm 2023.

Cuối cùng là dự án Chùa Bộc, đây là dự án trọng điểm nhất, doanh thu cao nhất, đã giải phóng mặt bằng 100%, song năm nay sẽ chưa ghi nhận doanh thu, hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.