Sắp xét xử phúc thẩm trùm buôn gỗ Minh “sâm” | |
Viện KSND Cấp cao đề nghị tăng hình phạt đối với trùm bảo kê Minh "Sâm" |
Đúng như dự kiến, hôm nay (25/11), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”, SN 1960, trú tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh – Giám đốc Công ty TNHH Đại An) và đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Đúng 8h30, Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lý lịch, căn cước các bị cáo. Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, 12 bị hại vắng mặt không rõ lý do.
Luật sư Hoàng Ngọc Thành là luật sư bào chữa cho Minh sâm. Do có lý do sức khỏe, bị cảm lạnh nên không thể tham gia phiên tòa nên có đơn xin hoãn phiên tòa.
Sau đó, Minh “sâm” trình bày từ khi được tại ngoại đến nay, Minh “sâm” luôn luôn trong tình trạng nằm viện, mắt mờ, lúc nhớ lúc quên nên đề nghị HĐXX xem xét đề nghị hoãn phiên tòa.
Đại diện viện kiểm sát đưa ra quan điểm, căn cứ vào các quy định của pháp luật, đơn xin hoãn của luật sư là chính đáng, bị cáo Minh sức khỏe cũng kém nên cần có luật sư bào chữa vì vậy đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Sau vài phút hội ý, chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm hôm nay, phiên xử sẽ được ấn định vào một thời gian khác.
Minh "sâm" và đồng bọn tại phiên xử phúc thẩm. |
Trước đó, ngày 1/6 Minh “sâm” và đồng phạm bị tòa cấp sơ thẩm xem xét hai tội danh Cưỡng đoạt tài sản và Tàng trữ vũ khí quân dụng.
Giám đốc Công ty TNHH Đại An được xác định là người tổ chức, cầm đầu. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cưỡng đoạt tài sản, Minh “sâm” bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 24 tháng tù giam.
Đồng phạm của Minh “sâm” bị tuyên phạt từ 15 tháng tù treo đến 18 tháng 13 ngày tù giam.
Kết thúc phiên xử sơ thẩm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét kết quả việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”) cùng đồng phạm.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra quá trình điều tra vụ án, sớm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Minh "sâm" trình bày từ khi tại ngoại luôn trong tình trạng nằm viện, lúc nhớ lúc quên nên mong HĐXX xem xét đề nghị hoãn phiên tòa theo đơn của luật sư bào chữa. |
Sau đó, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm số 19/2016/HSST ngày 1 và 2/6/2016 của TAND tỉnh Bắc Ninh đối với Minh “Sâm” và 8 bị cáo.
Theo kết luận điều tra, năm 2014, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã triệt phá đường dây buôn bán gỗ do Minh “sâm” cầm đầu.
Kết thúc điều tra, cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác định Minh “sâm” và đồng phạm đã cưỡng đoạt hơn 459 triệu đồng và thu lời bất chính hơn 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cáo trạng truy tố Minh “sâm” và đồng phạm, số tiền mà các bị hại bị cưỡng đoạt là hơn 184 triệu đồng. Đến bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Bắc Ninh xác định chỉ còn 9 bị hại với số tiền bị cưỡng đoạt là hơn 117 triệu đồng.
Qua xem xét hồ sơ vụ án, VKSND Cấp cao tại Hà Nội xác định, CQĐT đã lấy lời khai của 17 bị hại, tất cả đều khẳng định là bị đe dọa, bị cưỡng ép phải nộp phí. Nhưng TAND cấp sơ thẩm nhận định CQĐT không lấy lời khai của những người bị hại là phiến diện, không chính xác.
Lời khai của những người bị hại trong quá trình điều tra phù hợp với các phiếu thu tiền và chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở kết luận có 17 bị hại bị cưỡng đoạt tổng số tiền hơn 459 triệu đồng. Như vậy, truy tố của Viện KSND tỉnh Bắc Ninh và bản án cấp sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên là chưa chính xác, không đánh giá đúng các chứng từ, tài liệu đã thu thập trong hồ sơ vụ án.
Đồng thời VKSND Cấp cao cho rằng, hành vi của băng nhóm Minh “sâm” gây ra rất nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế trên địa bàn, các bị cáo đều có tình tiết tăng nặng nên không đủ điều kiện để được áp dụng Điều 47 BLHS (áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án), nhưng TAND cấp sơ thẩm vẫn áp dụng cho tất cả các bị cáo dẫn đến hình phạt chưa đúng với quy định của pháp luật, quá nhẹ, không nghiêm minh, không tương xứng với hành vi phạm tội, không có tác dụng giáo dục đối với các bị cáo và đấu tranh phòng ngừa tội phạm, cần tăng hình phạt...