14 năm chưa xong dự án đường Phạm Văn Bạch

Tuyến đường Phạm Văn Bạch trải qua nhiều giai đoạn nâng cấp, sửa chữa, đến nay vẫn tắc tị vì vướng mặt bằng.

Dự án mở rộng tuyến đường Phạm Văn Bạch chạy giáp sân bay Tân Sơn Nhất, đi qua địa bàn hai quận Tân Bình và Gò Vấp. Đây là một trong 10 dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giải cứu kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, sau 14 năm, đến nay công trình cả mới lẫn cũ đều đang bị gián đoạn, do việc giải tỏa, bồi thường chưa được thống nhất.

“Dàn trận” giữa đường để buôn bán

Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP HCM, tuyến đường Phạm Văn Bạch hướng từ đường Trường Chinh  đến ngã ba Tân Sơn có hiện tượng mặt đường lồi lõm, xuống cấp.

Đoạn gần kênh Hy Vọng đến cầu Bản Hy Vọng, công tác giải phóng mặt bằng bị gián đoạn nên người dân vẫn tiếp tục buôn bán tại phần ranh của dự án. Toàn tuyến đường Phạm Văn Bạch có nhiều khúc đường rộng hẹp liên tục xen kẽ nhau.

Đặc biệt, giao lộ Tân Sơn - Phạm Văn Bạch được người dân mệnh danh là điểm tắc nghẽn nặng, cứ giờ cao điểm là kẹt xe cục bộ. Nguyên nhân là do các phương tiện lưu thông từ ba hướng đường Trường Chinh, Tân Sơn và Quang Trung đổ về và xung đột tại giao lộ này.

Đường Phạm Văn Bạch vốn đã nhỏ hẹp nhưng tại đoạn qua quận Gò Vấp, những xe hàng rong “dàn trận” ra giữa đường để buôn bán. Chợ có chiều dài gần 1 km với đủ loại mặt hàng. Kẻ bán, người mua lấn chiếm hết không gian đường đi của người tham gia giao thông, không những gây ùn tắc mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Chị Hà Minh, người dân khu vực, bức xúc: “Đường này đã chật hẹp mà những người bán hàng rong cứ đem ra giữa đường bán, làm kẹt xe cả khu vực luôn. Chẳng biết bao giờ công trình mở rộng đường Phạm Văn Bạch mới xong và cũng chả biết bao giờ cái tình trạng đem hàng ra giữa đường bán mới dẹp hết được nữa”.

Theo tìm hiểu của PV, nhánh một  từ cổng quân sự đến khúc giao với đường Quang Trung đã bàn giao đưa vào sử dụng năm 2010. Còn nhánh hai, đoạn phía quận Gò Vấp đưa vào sử dụng năm 2013. Riêng nhánh hai trên địa bàn quận Tân Bình và ba nhánh đường ngang vẫn chưa thi công xong, có đoạn kéo dài đến nay chưa thi công.

Cụ thể, đoạn từ kênh Hy Vọng đến đường Huỳnh Văn Nghệ khởi công ngày 20/12/2016, tiến độ đạt khoảng 75% khối lượng. Đoạn từ đường Trần Thái Tông đến kênh Hy Vọng khởi công ngày 15-4-2018, tiến độ cũng đạt khoảng 75% khối lượng. Đặc biệt, đoạn từ đường Trường Chinh đến Trần Thái Tông chưa triển khai thi công.

14 năm chưa xong dự án đường Phạm Văn Bạch - Ảnh 1.

Các xe hàng rong “dàn trận” bán ở giữa đường Phạm Văn Bạch, gây cản trở giao thông khu vực. (Ảnh: THU TRINH)

Thành lập đoàn xác minh

Về vấn đề trên, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết dự án nâng cấp đường Phạm Văn Bạch thi công từ rất lâu, hiện nay còn vướng một số hộ dân đang khiếu nại, chưa đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

703 là tổng số hộ dân bị vướng mặt bằng tại dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch thuộc địa bàn quận Tân Bình, theo báo cáo của Sở GTVT TP HCM (tám trường hợp chuyển từ dự án đường Trần Thái Tông và dự án đường Nguyễn Sỹ Sách). Trong đó, 638/703 trường hợp đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng; đoạn từ kênh Hy Vọng đến đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình) có 168/181 trường hợp đã bàn giao mặt bằng. Còn 12 hộ đang khiếu nại, kiến nghị liên quan đến ranh, tim thiết kế của dự án (tám hộ đã gửi đơn chính thức) kéo dài từ năm 2006 đến nay.

Ông Bằng cho biết thêm: “Sở GTVT phối hợp với Thanh tra TP thực hiện các thủ tục để thành lập đoàn xác minh. Qua đó xác minh nội dung khiếu nại của hộ dân liên quan đến tim, ranh dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình). Đoàn sẽ kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung khiếu nại theo đúng quy định của Luật Khiếu nại theo chỉ đạo của UBND TP (tại Công văn số 4938/UBND-DA)”.

Theo nhận định của ông Bằng, dự án mở rộng, nâng cấp đường Phạm Văn Bạch là một trong 10 công trình giải cứu nạn kẹt xe thường xuyên ở khu sân bay Tân Sơn Nhất.

Qua đó, Sở GTVT kiến nghị UBND quận Tân Bình quyết liệt, tập trung đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục người dân đồng thuận với phương án thiết kế của dự án được duyệt. Sở cũng kiến nghị quận thuyết phục người dân đồng ý bàn giao mặt bằng trống cho chủ đầu tư thi công để hoàn thành công trình, đưa vào khai thác sử dụng.

Làm dự án để giảm kẹt xe quanh sân bay

Dự án nâng cấp và mở rộng đường Phạm Văn Bạch được UBND TP phê duyệt năm 2005 với tổng mức đầu tư khoảng 680 triệu đồng. Đến năm 2018, UBND TP thống nhất mở rộng đường Tân Sơn, bổ sung vào dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch với quy mô chiều dài 650 m, rộng 20 m (hiện trạng rộng 12 m), chi phí khoảng 20 tỉ đồng.

Phần mặt bằng chiếm dụng đường Tân Sơn toàn bộ là đất quốc phòng, diện tích khoảng 6.031,3 m2. Hiện Ban quản dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công dự toán. Về thủ tục thu hồi đất quốc phòng của dự án, Sở TN&MT và Sở Tài chính đang phối hợp để tham mưu cho UBND TP các thủ tục thu hồi.

Trước đó, tại Công văn số 1230/BQP-TM, Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao cho TP HCM một số khu đất quốc phòng để thực hiện dự án nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trong đó có đường Tân Sơn. Hiện nay các đơn vị quân đội được giao quản bị ảnh hưởng khi mở rộng đường Tân Sơn (Nhà máy A41, Cục Hậu cần, Sư đoàn 370) đã thống nhất và xác nhận vào bản vẽ hiện trạng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.