Tham gia phiên chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đặt vấn đề xã hội hóa khai thác các sân bay cảng biển có khó khăn gì, tháo gỡ sao để việc này hiệu quả hơn?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin, hiện tại, cả nước có 22 sân bay, trong đó chỉ có sân bay Vân Đồn do một doanh nghiệp tư nhân quản lí, còn lại 21 sân bay khác đều giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lí. Đây là một doanh nghiệp gần như 100% vốn nhà nước. Hiện ACV phải lấy nguồn thu từ 8 cảng có lợi nhuận cao để bù cho những sân bay đang lỗ.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói về bài học khi huy động vốn tư nhân làm sân bay Vân Đồn.
Vì ACV có thể không quản lí nổi 21 sân bay để đảm bảo hoạt động bình thường nên có chủ trương thực hiện xã hội hóa các cảng hàng không. Thực tế, Bộ GTVT đã cho một số sân bay xây dựng các nhà ga theo hướng kêu gọi nguồn đầu tư bên ngoài nhưng đánh giá lại thì việc này tác động xấu tới ACV.
Vậy nên, theo Bộ trưởng Thể, việc xã hội hóa giờ phải triển khai theo hướng khác, như đã làm thành công với sân bay Vân Đồn. Ông Thể thông tin, tới đây sân bay Lào Cai cũng sẽ kêu gọi đầu tư từ đầu, bao trọn các khâu giống như sân bay Vân Đồn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phát huy bài học từ sân bay Vân Đồn để tăng cường xã hội hóa với những sân bay còn đang lỗ, yếu kém chứ không chỉ xem xét với sân bay Chu Lai của Quảng Nam.
Đại biểu Phan Thái Bình cũng nêu vấn đề, trong điều kiện nguồn vốn trong nước khó khăn nhưng việc sử dụng vốn vay ODA làm 5 dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP CM đều còn vấn đề, chậm trễ, đội vốn tới 80.000 tỷ. Giải pháp nào khắc phục?
Bộ trưởng Tài chính: "5 đường sắt đô thị đội vốn là do chủ đầu tư, Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm tham gia".
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi này. Theo ông, trước 2018, nhiệm vụ quản lí vốn ODA thuộc Bộ KH-ĐT, sau đó thì Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ đầu mối đàm phán ký kết, còn lại vấn đề đầu tư, sử dụng nguồn vốn này dự án nào thì vẫn thuộc Bộ KH-ĐT.
Theo đó, có rất nhiều khâu Bộ Tài chính không thể quyết định mà một trong những nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn chính là do khâu giao dự toán, làm kế hoạch chậm… Vì thế, ông mong Quốc hội giao lại nhiệm vụ một cách chặt chẽ, hợp lí hơn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng giải thích, vấn đề đội vốn là do chủ đầu tư, Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm tham gia.
Trao đổi thêm, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói, nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn là do đây là những dự án đường sắt đô thị triển khai tại Việt Nam. Việc thực hiện các dự án bằng vốn ODA là để thu hút công nghệ và nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài nhưng trong quá trình thực hiện chưa lường hết được các vấn đề.
Cụ thể, các dự án này đều phải điều chỉnh, tăng vốn rất lớn như dự án đường sắt số 1, Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tăng tới 30.000 tỷ. Tuyến đường sắt số 2 của thành phố này cũng sẽ tăng như thế. Tương tự, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới 40.000-50.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin đã thu xếp được nguồn vốn để xử lí khoản 30.000 tỷ đồng tăng thêm của đường sắt Bến Thành - Suối Tiên.
“Như thế thì vấn đề không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính hết các chi phí từ đầu vì vấn đề thay đổi quy mô dự án” – Bộ trưởng KH-ĐT phân trần.
Theo ông, chuyện phải xử lí lúc này là vấn đề điều chỉnh vốn ở các dự án kéo theo nhiều hệ lụy như tìm nguồn vốn bổ sung, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, tuyến Bến Thành – Suối Tiên của TP CM hiện đã có hướng giải quyết, đã thu xếp được nguồn vốn cân đối, giờ đang chờ TP CM hoàn thành thủ tục theo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT. Ông nhấn mạnh, nếu không tháo gỡ được vướng mắc để tiếp tục triển khai dự án, càng để chậm thì chi phí sẽ càng tăng lên nữa.