Như đã đưa tin, ngày 22-7 bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) và bà Lê Thị Bảy (40 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) cùng nhau đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) bán tăm để gây quỹ tình thương.
Tại đây, hai bà bị hàng trăm người vây giữ, đánh đập dã man vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Công an huyện Sóc Sơn nhận được tin báo, có mặt tại hiện trường đưa cả hai vào BV khám, đồng thời lấy lời khai làm rõ. Kết quả xác định hai người không hề có hành vi bắt cóc trẻ em.
Bà Phúc bị đánh thâm tím mặt mày. Ảnh: TUYẾN PHAN
Bị đánh bầm dập chỉ vì gọi trẻ
Sáng 23-7, PV tìm về nhà riêng của hai phụ nữ trong vụ việc nói trên. Bà Nguyễn Thị Phúc đã được người thân đón về nhà, trong khi đó bà Lê Thị Bảy vẫn đang phải nằm điều trị tại BV huyện Sóc Sơn do còn đau nhức, chưa ăn uống được.
Đặt chân đến đầu xã Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội), khi PV vừa đặt câu hỏi về sự việc một phụ nữ trong xã bị đánh oan vì nghi bắt cóc, hàng chục người dân liền chạy lại để chỉ đường về nhà bà Phúc. “Khổ thân, bà ấy hiền lành vậy mà không hiểu vì sao lại bị hiểu lầm rồi đánh bầm dập” – họ đồng thanh nói.
Trong căn nhà nhỏ của bà Phúc, 5-6 hàng xóm đang tập trung tại đây để hỏi thăm và chia sẻ câu chuyện không may.
Tiếp PV với khuôn phải thâm tím, sưng phù vì bị đánh, bà Phúc cho biết đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự việc kinh khủng vừa xảy ra.
“Họ đánh tôi đau quá. Tôi không làm lên tội tình gì cả!” – bà mếu máo.
Nhiều vùng trên cơ thể như đầu gối, mắt cá chân, hông, bả vai,... cũng bị đánh rất đau. Ảnh: TUYẾN PHAN
Bà kể mới xin vào Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức được nửa tháng nay và bắt đầu đi bán tăm được 3 hôm. Sáng 22-7, bà bắt xe buýt từ Hà Đông sang Long Biên thì gặp bà Lê Thị Bảy.
Vốn định xuống Hưng Yên để bán, nhưng bà Bảy ngỏ lời đi cùng sang Sóc Sơn nên bà Phúc đồng ý, vì “có chị có em” cho vui. Hai người cùng nhau bắt xe buýt về thôn Thái Phù, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội).
Tại đây, bà Bảy có thấy một cháu bé đang chơi ở sân nên gọi và hỏi mẹ có nhà không. Lúc này, một bà cụ đi ra nói “Không” rồi đuổi đi.
Tiếp đó, một người phụ nữ đi xe máy qua, thấy 2 người phụ nữ lạ, nghi bắt cóc trẻ con nên tiếp tục đuổi ra khỏi làng. Nghĩ là không có chuyện gì, hai người vẫn đi bán tăm bình thường.
Đến khi cả hai ra bến xe buýt để bắt xe về thì có một vài người đến giữ lại và cho rằng có ý định bắt cóc trẻ con. Thế rồi, họ lao vào đấm đá, ngày càng đông hơn.
Bà kể người dân rất hung hãn, dù bà van xin và giải thích nhưng họ đều không nghe. Ảnh: TUYẾN PHAN
Chỉ chậm một phút!
“Đúng là cái số, chúng tôi ra bến thì xe vừa chạy mất nên phải ở lại để chờ chuyến sau. Nếu lúc đó lên được xe ngày thì không bị đánh, chỉ nhanh một phút nữa thôi, tai họa đã không ập xuống đầu chúng tôi” – bà Phúc vừa nói, vừa sờ vào những vết sưng trên mặt kêu đau.
Rồi bà lại kể việc mình và bạn bị đánh ra sao. Bà bảo họ rất hung hãn, mặc dù cả hai cố gắng giải thích rằng mình chỉ là người đi bán tăm, nhưng không ai nghe, không ai tin.
Lúc đầu, họ đánh bà Bảy trước, vì bà là người gọi cháu bé. Có khoảng 2-3 thanh niên khỏe mạnh lao vào đấm đá túi bụi khiến bà chảy nhiều máu. Một người trong thôn thấy vậy liền can ngăn. Họ chuyển sang đánh bà Phúc vì cho rằng là người đi cùng, đồng phạm.
Cơn mưa đòn tiếp tục trút xuống người phụ nữ 52 tuổi. Mặc bà van xin đừng đánh nữa, những nắm đấm, cú sút vẫn liên tiếp lao tới. Sự việc chỉ dừng lại khi công an Sóc Sơn có mặt, đưa hai người tách khỏi đám đông.
“Cả đêm qua tôi không thể ngủ vì đau, em tôi phải xoa bóp cả đêm. Tôi không làm gì mà họ vô cơ đánh đập dã man. Họ không cho tôi cơ hội giải thích. Mỗi lúc cơn đau, cơn nhức nó nhói lên, tôi lại bật khóc vì thấy tủi khổ” – bà Phúc sụt sùi.
Nhiều người hàng xóm không khỏi xót xa trước sự việc. Họ tới hỏi thăm, chia sẻ cùng gia đình bà Phúc. Ảnh: TUYẾN PHAN
Nói về thông tin “chai thuốc mê”, “bảng giá bán nội tạng” và “lá bùa” trong túi, bà Phúc giải thích đây chỉ là chai nước mang theo để uống. Còn “bảng giá” là tờ lịch, trong đó có ghi số điện thoại của một thầy thuốc chữa bệnh sỏi thận ở Vĩnh Phúc, bà và con trai bị vấn đề về thận nên phải đi khắp nơi chạy chữa. Về “lá bùa”, đây là bùa do nhà chùa phát cho cả làng để mang lại bình an, bà luôn mang theo người.
“Đề nghị cơ quan chức năng minh oan, những người đánh đập và tung tin bắt cóc phải có lời xin lỗi công khai đối với chúng tôi. Tôi và gia đình tôi không những bị tổn hại về thể xác mà còn bị ảnh hưởng về tinh thần, danh dự” – bà Phúc nói.
Bất bình trước việc mẹ mình bị đánh oan, anh Nguyễn Văn Hùng (30 tuổi, con trai bà Phúc) cho hay trước mắt sẽ đưa bà đi khám tổng thể để kiểm tra sức khỏe. Gia đình sẽ gửi đơn đến Công an huyện Sóc Sơn đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ những người xúc phạm đến sức khỏe và danh dự của bà Phúc cũng như bà Bảy.