270 hộ dân Nghệ An 'sống treo' trên đất Thanh Hóa

60 năm qua, 270 hộ dân ở thị xã Hoàng Mai không được cấp sổ đỏ do hộ khẩu thuộc Nghệ An, nhưng nhà đất thì nằm trên địa giới hành chính Thanh Hóa.

Chiều giữa tháng 8, ông Nguyễn Hồ Huy, 69 tuổi, trú thôn 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai cùng vợ và hai con trai kiểm tra lại một số giấy tờ liên quan để điền vào tờ khai đất đai theo yêu cầu của chính quyền. "Chúng tôi ký rất nhiều tài liệu nhưng rồi mọi việc chẳng đi đến đâu. Hàng chục năm qua luôn sống trong cảnh đất một nơi, người một nẻo", ông Huy nói.

Ông Huy gốc ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai. Năm 1964, thực hiện chương trình giãn dân, bố mẹ ông cùng hơn 20 hộ khác được vận động đi khai hoang mở đất ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Người dân sau đó cải tạo đất hoang vu dựng nhà ở, làm ruộng, trồng keo. Mỗi khi dựng vợ gả chồng, sinh con, các thế hệ nhà ông Huy cũng như các gia đình khác đều ghi trên giấy tờ là người xóm 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai.

Khu dân cư thuộc xóm 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai. (Ảnh: Đức Hùng).

Qua thời gian, số người đến khai khoang lập nghiệp, dựng nhà sinh sống ngày một tăng, vùng đất trước đây hoang vu đã trở thành ngôi làng đông đúc. Tuy nhiên, sau khi đo đạc lại địa giới hành chính để lập làng, nhà chức trách xác định một phần của thôn 10 giáp với núi và quốc lộ 1 - nơi các hộ dân chuyển đến theo chương trình giãn dân, thuộc xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Vì lý do trên 270 hộ dân ở xóm 10, xã Quỳnh Lộc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Các hộ này thuộc quản lý của tỉnh Nghệ An, đăng ký hộ khẩu thường trú, đóng thuế... ở xã Quỳnh Lộc. Nhưng do đất đai thuộc tỉnh Thanh Hóa nên họ muốn bán, sang nhượng hay thế chấp vay vốn ngân hàng không được bởi đất không có sổ đỏ.

Anh Lê Đình Hai, 31 tuổi, cho biết do không có sổ đỏ thế chấp, mảnh đất của gia đình dù rộng hơn 800 m2 chỉ có thể vay tối đa 50 triệu đồng theo hình thức tín chấp. Khoản này chỉ đủ để mở quầy tạp hóa nhỏ lẻ, anh Hai muốn đi xuất khẩu lao động kiếm thêm thu nhập cũng đành chịu. Nhiều thế hệ thanh niên vì thế đã bỏ làng vào miền Nam làm công nhân.

Khu đất rộng hơn 800 m2 của gia đình anh Hai chưa được cấp sổ đỏ. (Ảnh: Đức Hùng).

Ông Nguyễn Văn Trường, trưởng xóm 10, cho biết đất của 270 gia đình trên địa bàn bị "mắc kẹt" giữa hai tỉnh suốt mấy chục năm không thể giải quyết do những hộ này muốn được tỉnh Nghệ An cấp sổ đỏ. Năm 1985 và 1991, nhà chức trách dự tính nhập khu dân cư sang xã Trường Lâm, nếu xong sẽ được tỉnh Thanh Hóa cấp bìa đỏ. Tuy nhiên hai lần triển khai đều bất thành, không ai đồng ý.

Người dân trong xóm không muốn chuyển hộ khẩu ra Thanh Hóa bởi lo ngại khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán. Ngoài ra, trung tâm xã Trường Lâm nằm cách nơi ở hiện tại khoảng 5 km, con cái đi học phải qua quốc lộ 1 mới đến được trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

"Do vướng mắc nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng bị chậm. Con đường chính nối từ nhà văn hóa ra quốc lộ 1 bị xe tải cày nát nhưng chưa thể sửa", ông Trường nói.

Ông Cao Văn Sự, Chủ tịch xã Trường Lâm, nói xã rất "đau đầu" với vấn đề trên, bởi hiện tại đất thôn 10 thuộc xã, nhưng khi xảy ra tranh chấp, lấn chiếm thì rất khó giải quyết, do con người lại thuộc quản lý của tỉnh khác.

"Nếu người dân thôn 10 nhập về Trường Lâm thì không dùng dằng suốt hàng chục năm thế này. Nhà, vườn tược vẫn ở nơi cũ, chỉ thay đổi một số giấy tờ liên quan thôi, nhưng không hiểu sao họ vẫn không đồng ý", ông Sự nói.

Vị trí xóm 10, xã Quỳnh Lộc, nơi 270 người dân hộ khẩu ở Nghệ An nhưng nhà đất thuộc địa giới hành chính tỉnh Thanh Hóa. (Đồ họa: Khánh Hoàng).

Anh Lê Đình Hai cho biết thêm ông bà, bố mẹ trước đây quan niệm cũ. Thế hệ trẻ như anh tư tưởng tiến bộ hơn, "ở đâu cũng được, miễn là được chính danh về đất đai cũng như con người". Anh nói sắp tới sẽ thuyết phục người thân đồng ý chuyển hộ khẩu về Thanh Hóa để được cấp sổ đỏ, bởi ngoài thoát cảnh "ở nhờ" còn giúp cho chính quyền dễ giải quyết các vấn đề.

Chủ tịch thị xã Hoàng Mai, ông Nguyễn Hữu An cho hay có hai phương án xử lý, một là chuyển hộ khẩu 270 hộ dân ở xóm 10 về xã Trường Lâm của Thanh Hóa; hai là chia lại địa giới hành chính, đưa khu đất ở Quỳnh Lộc về Nghệ An quản lý. Phương án một dễ giải quyết hơn, chỉ cần hai tỉnh thống nhất là xong. Phương án thứ hai rất phức tạp, phải được Trung ương xem xét.

"Sắp tới chính quyền tiếp tục cử cán bộ vận động người dân xóm 10 đồng ý chuyển khẩu về xã Trường Lâm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền thị xã Nghi Sơn giải đáp khúc mắc để đảm bảo quyền lợi cho dân", ông An nói.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.