Bảo Lộc là một thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Hiện nay, Bảo Lộc không phải là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, mà tỉnh lỵ là TP Đà Lạt. Bảo Lộc có độ cao trung bình là 800m so với mực nước biển và nằm trọn trên cao nguyên Di Linh.
Thành phố Bảo Lộc có diện tích 234 km2, dân số theo cập nhật mới nhất là 196.088 người, mật độ dân số đạt 838 người/km2.
Bảo Lộc nằm trên QL 20, nếu tính từ trung tâm thành phố thì Bảo Lộc cách trung tâm TP HCM 193 km đường bộ về hướng tây nam theo tuyến QL 20, trung tâm thành phố cách Đà Lạt 110 km về hướng bắc theo QL 20, cách Phan Thiết và Dầu Giây mỗi nơi 121 km theo QL 55 và QL 20.
Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.
Trong đó, khi Lâm Đồng lên thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo Lộc sẽ là quận thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2030, dự kiến thành phố sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và năm 2050 sẽ là đô thị loại I.
Cùng với đó, đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện mở rộng không gian đô thị TP Bảo Lộc bằng việc sáp nhập 5 xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc. Xã Lộc An (Bảo Lâm cũ) trở thành phường của TP Bảo Lộc. Đến năm 2030, xã Lộc Thành (Bảo Lâm cũ) trở thành phường của TP Bảo Lộc.
Về tính chất đô thị, TP bảo Lộc được xem là đô thị hạt nhân phía nam tỉnh Lâm Đồng; trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng TP HCM, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Đây cũng là đô thị tổng hợp hiện đại, thành phố thông minh; quy mô phát triển tương đương tỉnh lỵ trong tương lai; đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, mang nét đặc trưng riêng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bảo Lộc nằm trên một trong ba tiểu vùng phát triển kinh tế của tỉnh này.
Cụ thể, Bảo Lộc nằm trên tiểu vùng III gắn với cao nguyên Bảo Lộc bao gồm: Bảo Lộc - Bảo Lâm - Đạ Huoai mới (Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên hiện hữu). Trong đó, Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng. Đây là tiểu vùng kinh tế, động lực phía Tây Nam tỉnh, là đầu mối kết nối phát triển kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Cùng với đó, thành phố này còn năm trên hai hành lang kinh tế chính của tỉnh Lâm Đồng bao gồm hành lang kinh tế Đông - Tây là cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 25), cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 27); QL 20 - QL 27C, kết nối TP HCM - Đồng Nai - Lâm Đồng - Khánh Hòa.
Hành lang kinh tế Bắc - Nam là QL 55, kết nối Đắk Nông - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Lâm Đồng và QL 55B, Bình Phước - Lâm Đồng.
Theo Quy hoạch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040, năm 2030, đất xây dựng đô thị của TP Bảo Lộc khoảng 3.800 ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 2.000 ha. Năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 4.800 ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 2.500 ha.
Định hướng phát triển không gian đô thị thành phố Bảo Lộc theo các hướng chính bao gồm trục đường Lý Thường Kiệt - Phạm Ngọc Thạch là trục tổng hợp trung tâm hành chính và dịch vụ thương mại, văn hóa thể thao.
Trục đường Nguyễn Văn Cừ là trục kết nối từ trung tâm đô thị hiện trạng sang khu trung tâm hành chính mới qua công viên hồ Nam Phương.
Trục QL 20 là các hoạt động dịch vụ hỗn hợp, dịch vụ, du lịch thương mại, khu ở, kết nối đến khu trung tâm nghiên cứu giáo dục đào tạo.
Trục đường Lý Thái Tổ là trục kết nối đi khu du lịch thác ĐamBri.
Trục đường Lạc Long Quân - Phan Ngọc Hiển là trục kết nối đến các khu du lịch chăm sóc sức khỏe và khu công nghiệp Lộc Sơn.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 220 km, chia thành ba đoạn để đầu tư. Đoạn Dầu Giây - Tân Phú thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 60,1 km; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 66,3 km, nằm trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương nối TP Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương - Prenn dài 73,9 km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú được dự kiến khởi công ngay trong quý III năm nay, với tổng mức đầu tư dự kiến là 8.776 tỷ đồng.
Hai đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được tỉnh Lâm Đồng dự kiến khởi công trong tháng 12 năm nay. Tổng mức đầu tư của đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến là 17.200 tỷ đồng; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến trên 19.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, hai tuyến quốc lộ chính yếu của TP Bảo Lộc là QL 20, có điểm đầu giáp ranh tỉnh Đồng Nai, huyện Đạ Huoai; điểm cuối giao với QL 27, huyện Đơn Dương, quy mô 2 - 4 làn xe và QL 55 có điểm đầu giáp ranh tỉnh Bình Thuận, huyện Bảo Lâm; điểm cuối giáp ranh tỉnh Đắk Nông, huyện Bảo Lâm, quy mô 2 - 4 làn xe. Hai tuyến quốc lộ này đều thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh cao tốc và quốc lộ, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa qua đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về tiếp tục đầu tư hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng tuyến tránh phía Nam TP Bảo Lộc.
Công trình xây dựng tuyến tránh phía Nam TP Bảo Lộc là hạng mục được bổ sung sử dụng từ nguồn vốn còn dư của Dự án khôi phục, cải tạo QL 20 qua tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai theo hình thức BT được Bộ GTVT phê duyệt ngày 5/2/2016.
Song dự án này phải tạm dừng thi công từ năm 2020 theo chỉ đạo của Bộ GTVT để chờ bổ sung vốn làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, an toàn giao thông của người dân trong khu vực.
UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét đề xuất của Bộ GTVT tại văn bản ngày 5/12/2023 để sớm hoàn thành tuyến tránh phía Nam TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Tuyến đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc có tổng chiều dài 15,6 km với điểm đầu tại xã Lộc Châu và điểm cuối là xã Lộc Nga. Tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 800 tỷ đồng.
Danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đề cập đến loạt dự án bất động sản du lịch của TP Bảo Lộc như khu đô thị, du lịch và dịch vụ nghỉ dưỡng phường Lộc Phát; khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí ven Hồ Nam Phương 1; khu đô thị du lịch Phường B'lao TP Bảo Lộc và khu du lịch núi Sa Pung.
Ngoài các dự án du lịch, loạt dự án khu dân cư, đô thị cũng được đề cập tới như khu dân cư đường Nguyễn Thái Bình Thành; khu đô thị tại các xã Đại Lào, Lộc Châu và phường Lộc Tiến (Khu vực I, II, III); nhà ở xã hội trên địa bàn TP Bảo Lộc; nhà ở khu công nhân kế cận các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu nhà ở tái định cư; khu dân cư thuộc tổ 14 và khu đô thị mới.
Trên địa bàn thành phố hiện nay cũng có loạt dự án đủ điều kiện mua bán, đang chú ý như khu đô thị mới đường Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát). Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 19/12/2008 cho CTCP Licogi 16, nay là CTCP LIZEN.
Dự án này có quy mô hơn 17ha, tổng mức đầu tư 535 tỷ đồng. Trong đó, đất ở là hoan 6,2 ha, đất công trình công cộng là 5 ha, đất giao thông 5,9 ha. Đến nay, Công ty đã thực hiện các hồ sơ thủ tục pháp lý, triển khai đầu tư dự án và thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Khu nhà ở của Vinacomin của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng VINACOMIN (Phường 1). Dự án này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 27/9/2013 thuộc quy hoạch khu trung tâm mở rộng TP Bảo Lộc.
Quy mô thực hiện Dự án là xây dựng hạ tầng kỹ thuật như san nền, xây dựng tuyến đường giao thông bê tông nhựa nóng 98 m; xây dựng khu nhà liên kế phố 11 căn (4 tầng/căn); xây dựng khu nhà liên kế sân vườn 58 căn (4 tầng/căn). Tổng mức đầu tư là 126 tỷ đồng và diện tích đất thực hiện dự án là 0,9 ha.
Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã xây dựng hoàn thiện dãy nhà liên kế phố mặt đường Bùi Thị Xuân và Lý Thường Kiệt.
Khu dân cư hẻm Nguyễn Văn Trỗi (phường 2) được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 04/6/2014 cho CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina. Quy mô Dự án là là 0,7 ha, có tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 34 căn nhà liên kế có sân vườn với tổng diện tích xây dựng là 3.795 m2.
Năm 2017, nhà đầu tư đã hoàn thành bán toàn bộ 34 lô đất nền cho khách hàng tự xây dựng nhà ở theo quy định.
Khu dân cư 6B (phường Lộc Sơn) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 28/10/2009 cho Công ty Bất động sản Mãi Thành. Quy mô Dự án là hơn 5,1 ha, vốn thực hiện là 125 tỷ đồng. Trong đó, đất ở 2,6 ha, đất công viên cây xanh 1,2 ha, đất giao thông hạ tầng kỹ thuật 1,8 ha, đất công cộng thương mại dịch vụ 0,5 ha.
Dự án được thực hiện phân lô chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở với 122 lô; trong đó, có 54 lô phải xây dựng nhà thô trước khi chuyển nhượng theo quy định.
Khu dân cư kế cận Khu công nghiệp Lộc Sơn (phường Lộc Sơn) của CTCP Tập đoàn Xây dựng Đông Đô được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 14/04/2010, điều chỉnh ngày 25/07/2014.
Quy mô thực hiện Dự án khoảng 17 ha, với tổng mức đầu tư 274 tỷ. Trong đó, diện tích xây nhà liên kế phố 5 ha, nhà ở tái định cư 1,4 ha, biệt thự 1,7 ha, đất công trình công cộng 1,4 ha, đất cây xanh, thể dục thể thao 2 ha, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật 5,2 ha.
Dự án này đầu tư hạ tầng khu dân cư, với 618 lô, trong đó, xây thô 126 căn, bàn giao cho địa phương quỹ đất có hạ tầng để bố trí khu tái định cư với 148 lô đất và phân lô bán nền 344 lô.
Khu dân cư nông thôn mới thành phố xanh tại xã Lộc Châu, do CTCP Đầu tư Eras Đà Lạt làm chủ đầu tư.
Dự án có quyết định đầu tư của UBND tỉnh từ ngày 9/2/2022. Quy mô Dự án là 9,1 ha, sau khi đồng bộ hạ tầng kỹ thuật sẽ phân thành 357 lô. Trong đó, đất ở 5,4 ha, đất dịch vụ, công cộng 8.355 m2, đất giao thông 2 ha.
Dự án này có hệ thống đường giao thông dài 2.179 m2; đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước thải; xử lý nước thải; hệ thống cấp điện và chiếu sáng.
Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu xã Đam B'ri (Thôn 14, xã Đam B'ri) do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Kỷ Nguyên đầu tư. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư ngày 27/11/2023.
Dự án có quy mô hơn 41 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 1.570 tỷ đồng để phân thành 1.167 lô; trong đó, có 381 lô nhà phố, 406 lô nhà liên kế có sân vườn, 336 lô biệt thự song lập và 44 lô biệt thự tiêu chuẩn.
Ngoài ra, dự án còn quy hoạch 1,5 ha đất dùng cho thương mại, dịch vụ; 2,2 ha đất y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; 3 ha đất cây xanh, công viên và 11 ha đất giao thông.
Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Green View (Thôn 12, xã Đam B’ri) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Green View làm chủ đầu. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư tại Quyết định ngày 18/12/2023.
Dự án có quy mô 12 ha để phân thành 247 lô đất và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải...
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024
Quy hoạch 12:04 | 07/12/2024