Đạm Ninh Bình là dự án có nợ vay lớn thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) |
“Con nợ” hàng loạt ngân hàng
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo lên Bộ Công Thương về tình hình thực hiện liên quan đến việc vay vốn đầu tư dài hạn, vay vốn lưu động, lãi suất và cơ cấu nợ vay các ngân hàng tại 4 dự án đang gặp khó khăn của Tập đoàn là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai.
Theo báo cáo, 4 dự án của Vinachem vay vốn đầu tư dài hạn tại 2 ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với số tiền lần lượt là 12.565 tỷ đồng và 5.407 tỷ đồng.
Sau khi đã trả một phần, tính đến 31/8/2017 các dự án của Vinachem còn nợ VDB hơn 8.588 tỷ đồng, nợ Vietinbank hơn 5.036 tỷ đồng.
Dự án Đạm Hà Bắc nợ lãi VDB hơn 464 tỷ đồng trong đó lãi quá hạn là 422 tỷ đồng. Tương tự DAP số 2 – Lào Cai nợ lãi hơn 268 tỷ đồng trong đó lãi quá hạn là 268 tỷ đồng. DAP số 2 - Lào Cai cũng nợ lãi hơn 133 tỷ đồng tại Vietinbank trong đó lãi quá hạn là 63 tỷ đồng.
4 dự án nêu trên của Vinachem cũng vay vốn lưu động của Vietinbank, BIDV, Vietcombank và các ngân hàng thương mại khác hơn 2.418 tỷ đồng trong đó chủ yếu là vay vốn lưu động tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV với hơn 1.273 tỷ đồng.
Đạm Ninh Bình là dự án có vốn vay lưu động nhiều nhất với hơn 1.184 tỷ đồng, tiếp đến Đạm Hà Bắc, DAP số 2 – Lào Cai và cuối cùng là DAP – Hải Phòng. Đạm Ninh Bình cũng là dự án có nợ quá hạn với BIDV lên đến 36 tỷ đồng, nợ quá hạn Vietinbank 19 tỷ đồng. Trong khi, DAP số 2 – Lào Cai nợ quá hạn BIDV 7,9 tỷ đồng, nợ quá hạn các ngân hàng khác 14,1 tỷ đồng.
Báo cáo của Vinachem cũng cho biết, đối với khoản nợ tại ngân hàng China Eximbank Trung Quốc mà Vinachem từng đề xuất khoanh nợ gốc, chỉ trả lãi nợ phát sinh, phí vay lại trong 5 năm nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận. Đến nay, Vinachem đã thực hiện trả nợ đúng hạn các khoản vay này. Tuy nhiên, Vinachem sẽ rất khó khăn và không cân đối được nguồn để trả nợ từ kỳ hạn tháng 1/2018 trở đi.
Xin điều chỉnh lãi suất, kéo dài thời hạn vay
Tại báo cáo, Vinachem cũng cho biết, đề nghị của Vinachem về việc kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay đối với các khoản nợ vay đầu tư dài hạn chưa được VDB xem xét giải quyết, do các kiến nghị này vượt thẩm quyền của VDB.
“Hiện tại các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn nên không thu xếp được nguồn vốn để trả nợ gốc, lãi nên dẫn đến phát sinh số tiền nợ gốc, lãi quá hạn lớn”, Vinachem cho biết trong bản báo cáo gửi Bộ Công Thương.
Cũng theo Vinachem, các đơn vị hiện nay đang thực hiện quyết toán dự án hoàn thành nhưng việc thanh toán cho các nhà thầu sẽ gặp khó khăn do các ngân hàng không giải ngân cho vay tiếp mặc dù hợp đồng tín dụng đã ký chưa giải ngân hết.
Bên cạnh đó, việc vay vốn lưu động của các công ty hiện nay gặp nhiều khó khăn, chỉ các ngân hàng đang có dư nợ tại các đơn vị mới tiếp tục cho vay để thu hồi dần nợ. Các ngân hàng không cấp lại hạn mức hoặc cấp ở mức rất thấp đồng thời kèm theo các điều kiện giải ngân khắt khe hơn…
Ngoài ra, theo Vinachem, các đơn vị vẫn đang chịu mức lãi suất cao so với các đơn vị khác do hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ.
Theo đó, Vinachem kiến nghị được kéo dài thời hạn vay các hợp đồng tín dụng tại VDB thành 20 năm, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, không tính lãi quá hạn, cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án, lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau. Và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.
Đề xuất điều chỉnh lãi suất tiền vay tại VDB. Cụ thể trong 5 năm từ 2017 đến 2021 lãi suất 3%/năm, từ 2022 trở đi các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước.
Vinachem cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chấp thuận các giải pháp tín dụng như cho phép các đơn vị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho phép áp dụng cơ chế phân loại nợ đặc thù đối với khách hàng.
Đồng thời, chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Vietinbank, BIDV, Vietcombank tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất; tiếp tục giải ngân vốn vay; tiếp tục cho các đơn vị vay vốn lưu động, duy trì hạn mức vay vốn lưu động và giải ngân vốn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.