![]() |
Quyền của người LGBT trong các Bộ luật Lao động trên thế giới |
Hơn 4 năm gắn bó với hoạt động LGBT, chàng trai Nguyễn Xuân Thịnh (SN 1988, Thanh Hóa) đã trở thành người thủ lĩnh thân thuộc với các thành viên trong cộng đồng. Giờ đây, mỗi sáng thức dậy, hay trước khi đi ngủ, điều đầu tiên mà anh luôn nghĩ tới là câu hỏi "nên làm gì để hoạt động LGBT phát triển hơn”. Luôn trăn trở và đau đáu với câu hỏi ấy, chàng trai xứ Thanh không ngừng tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức để vượt lên chính mình.
![]() |
Nguyễn Xuân Thịnh. (Ảnh: Mai Linh). |
Những bài toán khó giải đáp
Kể từ lúc sinh ra, 8x đã nhận ra mình “thích con trai”. Nhưng chưa bao giờ, anh hồ nghi hay hoang mang về chính con người của mình vì đơn giản anh cho rằng, đó là sự trưởng thành của mỗi con người là khác nhau.
14 tuổi, anh nghỉ học vì lý do gia đình. Sau đó, Thịnh vào Bình Dương làm thuê. Năm 2009, 8x trở về quê lập nghiệp vì biết tin bố ốm nặng. Cũng từ thời điểm này, anh bắt đầu rơi vào những vòng xoáy của những bài toán khó tìm ra lời đáp.
“Chuyện bắt đầu khi mình quay trở lại xin việc ở quê. Suốt một thời gian dài mình không thể xin được việc. Dù ngày nào cũng đi từ sáng đến tối nộp hồ sơ nhưng không một nơi nào nhận. Trong khi đó, ở trong Nam, mọi thứ đến với mình khá suôn sẻ.”
Cảm giác bất lực và quá mệt mỏi với cuộc sống mưu sinh, anh Thịnh nhận ra mình đang dần mất đi động lực sống. Đến một ngày, trở về nhà sau suốt gần một ngày đi xin việc không thành công, tủi thân, anh bật khóc. Đúng lúc đó, mẹ anh nhìn thấy và hỏi: "Con trai mẹ sao lại ngồi khóc thế này!”.
Nếu như trước đây, chưa bao giờ Thịnh nghĩ sẽ nói với gia đình: mình là đồng tính. Anh chỉ nghĩ, mình sẽ giấu và thông báo với mẹ là “con mắc bệnh không thể sinh con nên không lấy vợ”.
Nhưng trước câu hỏi của mẹ, anh lại khóc òa lên. Anh cảm thấy con đường của mình như bế tắc khi các cánh cửa đều đóng lại với mình. Tất cả mọi dồn nén khiến anh như trút hết bí mật của mình cho mẹ nghe.
- Mẹ ơi, con không phải là đứa con trai bình thường như mẹ nghĩ.
- Sao con lại nói thế?
- Con không thích đến con gái. Con không lấy vợ được. Con chỉ thích con trai thôi.
- Từ nhỏ đến lớn, mẹ thấy con bình thường mà. Hay con đi khám xem!
- Cũng có nhiều người như con mà. Con không phải là bệnh đâu.
Cuối cùng, anh Thịnh và mẹ chỉ biết ôm nhau khóc. Từ lần thú nhận buột phát đó, không khí gia đình anh trở nên vô cùng căng thẳng. Một tuần trôi qua nhưng anh và mẹ không hề nói chuyện với nhau.
![]() |
Anh Thịnh (ngoài cùng bên trái) trong một cuộc hội thảo tập huấn. |
Những đám cưới đồng tính Việt khiến bạn tin rằng: 'từ yêu đến cưới chẳng bao giờ là điều không tưởng' | |
Chuyện hai chàng trai say nắng nhưng chẳng dám cưa vì sợ đối phương là 'trai thẳng' |
“Mẹ có nói với chị gái. Rồi chị gái lại đến khuyên mình: “Từ nhỏ đến lớn chị thấy em phát triển bình thường, hay em đi khám đi.” Nghe lời chị nói, mình chỉ khóc vì chính mình cũng hiểu sự thất vọng và kỳ vọng của những người thân trong gia đình.
Và mẹ khuyên mình: 'Hay con cứ cố gắng lấy một người con gái xem thế nào. Nhiều người mẹ cũng thấy thế mà.' Lúc đó, mình rất kiên quyết nói: ‘Họ làm được nhưng con không làm được. Vì làm vậy chỉ khổ người phụ nữ mà thôi.’”
Chính anh Thịnh cảm thấy cuộc đời mình bủa vậy bởi những bài toán không lời giải đáp.
Thuyết phục mẹ thành công
4 năm trôi qua, cuộc sống của gia đình anh Thịnh trầm hẳn, không còn những lời trêu đùa tự nhiên. Tất cả mọi người đều giấu trong mình những điều khó nói. “Dù mẹ hơn 70 tuổi nhưng mẹ hay nghe chương trình Cửa sổ tình yêu nên mẹ cũng hiểu đôi phần. Mẹ không mắng hay trách. Nhưng sau này mình mới biết, đêm nào mẹ cũng khóc vì thương con. Mẹ sợ sau này mình không có con sẽ khổ.”
Năm 2013, Thịnh tham gia vào một nhóm hoạt động LGBT của tỉnh Thanh Hóa. Từ đây, anh đã hiểu được LGBT là gì. Anh thường xuyên mang các tài liệu LGBT về cho mẹ đọc. Cũng chính trong năm đó, Thịnh đã kết nối một cuộc gặp gỡ với mẹ với một thành viên trong Pflag Việt Nam (Hội cha mẹ và những người thân ủng hộ LGBT).
![]() |
Anh Thịnh chụp ảnh kỷ niệm cùng cô giáo sau chương trình Trường học Cầu vồng. (Ảnh: NVCC). |
“Lần đó, mình đưa mẹ tới gặp một mẹ Nhi trong hội Pflag Việt Nam. Sau trò chuyện, mẹ đã hiểu ra nhiều hơn. Mình nhớ nhất, mẹ Nhi có hỏi: ‘Nếu sau này Thịnh có bạn trai cô có đồng ý cho cháu tổ chức đám cưới’. Mẹ trả lời rằng: ‘Nhà có thêm một người thêm vui. Không tổ chức đám cưới nhưng vẫn ủng hộ cho con’.”
Kể từ lần đó, không khí vui vẻ trong gia đình đã trở lại. “Đến bây giờ mình dẫn bạn bè về nhà, mẹ đã luôn vui vẻ. Mẹ bắt đầu đi chia sẻ với hàng xóm với họ hàng rất tự nhiên. Rồi mẹ lại đi theo mình đến các tỉnh khác chia sẻ câu chuyện công nhận con của chính mình.”
Mơ ước nhuộm sắc "cầu vồng" xứ Thanh
Năm 2013 cũng là thời điểm Thịnh biết đến khái niệm LGBT. Anh bắt đầu tham gia các hoạt động offline của cộng đồng. Đến năm 2015, nhận thấy cộng đồng LGBT Thanh Hóa chiếm số lượng lớn, 8x quyết định tổ chức lại hoạt động của đội nhóm LGBT.
Cũng từ thời điểm này, Thịnh bắt đầu tự trau dồi kiến thức và các kỹ năng từ kết nối các thành viên, đến viết dự án xin tài trợ, tổ chức các chương trình cho tỉnh. Năm đầu tiên, chương trình Lan tỏa yêu thương cho Thịnh khởi xướng dưới sự hỗ trợ của Pflag Việt Nam đã thu hút 12 phụ huynh tham gia. Song song với hoạt động kết nối cha mẹ và những đứa con LGBT, Thịnh thường xuyên trở thành tư vấn viên đến từng nhà thuyết phục các gia đình công nhận con là đồng tính, chuyển giới.
Về sự hiện diện của LGBT, trong suy nghĩ của mình, Thịnh nghiệm ra một điều: “Nếu chỉ hướng tới phát triển nội tại của cộng đồng thì chưa đủ, quan trọng nhất là phải mang sự hiện diện của người LGBT với xã hội.” Nghĩ là làm, chàng trai trẻ thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện như trung thu cho em, Tết ấm áp tới trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2 Thanh Hóa. Mới đây nhất, Thịnh cũng là “đầu tàu” kêu gọi cộng đồng LGBT ủng hộ hỗ trợ người dân Thanh Hóa sau đợt thiên tai lũ lụt vừa qua.
![]() |
Anh Thịnh trả lời trong Hội thảo LGBTIQ toàn quốc. (Ảnh: ICS). |
“Việc làm này trước hết xây dựng cho các bạn LGBT một ý thức trách nhiệm với xã hội. Đối với cộng đồng thì đây là cách để mọi người thay đổi định kiến về LGBT là người chỉ biết đua đòi, chưng diện, sống không lương thiện… rồi khác người.”
Về trường học, 8x nhận thấy đây cũng là gốc rễ góp phần thay đổi hiểu biết về người LGBT. Từ năm 2016 đến nay, chàng trai trẻ đã nhiều lần tổ chức các chương trình Trường học Cầu vồng. Với mong muốn nhuộm sắc “cầu vồng” đến các trường, Thịnh đã dần nhân rộng mô hình chia sẻ kiến thức đa dạng tính dục cho các trường cấp 3.
Nhìn lại chặng đường đó, chưa bao giờ chàng thủ lĩnh trẻ cảm thấy hài lòng. Với anh, “khi nào người LGBT vẫn còn bị kì thị trong xã hội thì có nghĩa rằng, cần có một người đứng ra chia sẻ mang kiến thức đa dạng tính dục đến để thay đổi nhận thức mọi người.“
"Đọc thêm"
![]() |
Cuộc thi 'Viết status gửi lời tri ân thầy cô' ngày 20-11 dành cho LGBT
Trong suốt quãng thời gian đi học, không ít các bạn LGBT được các thầy cô động viên, hỗ trợ cũng như lắng nghe, chia ... |
![]() |
Chuyện hai chàng trai say nắng nhưng chẳng dám cưa vì sợ đối phương là 'trai thẳng'
Cảm nắng nhau từ một lần đi biểu diễn chung nhưng đôi bạn trẻ 9x không dám ngỏ lời với đối phương vì sợ... nửa ... |