Thông tin trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trong báo cáo tình hình triển khai Luật Đất đai gửi đại biểu Quốc hội.
Báo cáo nêu sau khi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8, nhiều phiên đấu giá tại một số địa phương gây xôn xao dư luận khi giá trúng chênh lệch rất lớn so với khởi điểm. Sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ cho biết một số phiên có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt.
Dẫn chứng tại huyện Hoài Đức, trong 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên trúng đấu giá cuối tháng 8, có 8 thửa chưa được nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế. Tỷ lệ này chiếm hơn 42% tổng số thửa đất trúng đấu giá.
Phiên đấu giá này từng gây xôn xao dư luận vì kéo dài khoảng 18 giờ, trải qua 10 vòng trả giá với mức trúng cao nhất hơn 130 triệu đồng một m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.
Tương tự tại Thanh Oai, vẫn còn 56 trên 68 thửa đất trúng đấu giá ở xã Thanh Cao chưa được nộp tiền, tương đương tỷ lệ 80%. Chỉ có 13 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế.
Đây cũng là một trong những phiên đấu giá vùng ven gây xôn xao thị trường trong tháng 8. Bởi số lượng hồ sơ đăng ký lên đến 4.600 hồ sơ với hơn 1.500 người, tương đương một thửa đất có hơn 22 người quan tâm. 68 lô đất được bán thành công với giá gấp 5-8 lần khởi điểm, cao nhất đạt trăm triệu đồng một m2.
Thời hạn nộp tiền sử dụng đất của hai phiên đấu giá trên được áp dụng theo Nghị định 126/2020. Cụ thể, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo nộp tiền, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Một nửa còn lại phải nộp chậm nhất trong 60 ngày tiếp theo.
Như vậy, người trúng có thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận thông báo nộp tiền để hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu không nộp hoặc nộp không đủ tiền, kết quả trúng đấu giá sẽ bị huỷ, người trúng bị mất khoản tiền đặt cọc, tương đương 20% giá khởi điểm của lô đất.
Lý giải nguyên nhân trên, cơ quan này cho biết một số đối tượng tham gia đấu giá không có nhu cầu ở thực. Mục đích của nhóm này là đầu cơ, đẩy giá trúng lên cao và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo với khu vực xung quanh.
Ngoài ra, một số địa phương sử dụng giá đất trong Bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh nên thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá thực tế, thu hút nhiều người tham gia để kiếm lời. Cùng đó, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện công khai, minh bạch, "tạo cơ hội" để các nhóm lợi dụng đầu cơ đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất. Giải pháp này cũng được bộ đề xuất Chính phủ tại hội nghị trực tuyến với 63 địa phương ngày 8/10.
Liên quan đến Bảng giá đất, Bộ cho biết thời gian qua, một số địa phương điều chỉnh với mức chênh lệch lớn so với trước đây, khiến người dân và doanh nghiệp phản ứng vì làm tăng cao số tiền nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai. Nguyên nhân chính là những địa phương này ít hoặc không điều chỉnh bảng giá đất thường xuyên trong giai đoạn áp dụng Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, có 23 tỉnh, thành chỉ điều chỉnh bảng giá đất một lần như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hoá, Ninh Bình... Thậm chí còn 11 tỉnh không điều chỉnh bảng giá đất từ năm 2020 đến nay như TP HCM, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bình Thuận...
Bộ cho rằng nếu điều chỉnh bảng giá đất theo đúng quy định, đảm bảo giá đất tiệm cận với mặt bằng giá thực tế, địa phương sẽ không gặp vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai 2024 và không ảnh hưởng đến việc nộp tiền sử dụng đất của người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các địa phương khẩn trương rà soát bảng giá đất hiện hành để điều chỉnh phù hợp với thực tế. Các địa phương cũng cần chuẩn bị tốt nguồn lực, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu để xây dựng bảng giá đất, áp dụng từ ngày 1/1/2026.