Phiên đấu giá đất Hà Đông kết thúc sau 14 tiếng: Đắt nhất hơn 262 triệu/m2, nhà đầu tư nói 'cao không thể chịu được'

Sau phiên đấu giá kéo dài 14 tiếng, diễn ra xuyên trưa, nhiều thửa đất tại quận Hà Đông đã tìm chủ thành công. Trong đó, mức giá trúng cao nhất đạt hơn 262 triệu đồng/m2.

Quang cảnh bên trong hội trường kín diễn ra phiên đấu giá đất. (Ảnh: Di Anh). 

Kéo dài khoảng 14 tiếng, phiên đấu giá 27 thửa đất ở quận Hà Đông, TP Hà Nội bắt đầu từ lúc 8 giờ 30 phút sáng và đã kết thúc vào lúc hơn 23 giờ đêm, sau 14 vòng đấu giá. 

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, ngày 19/10 tại quận Hà Đông diễn ra đấu giá quyền sử dụng các thửa đất ở trên địa bàn. Bao gồm 17 thửa ở khu Hạ Khâu, 1 thửa ở khu Đống Đanh - Đồng Cộc, 1 thửa ở khu Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (khu B), phường Phú Lương; 2 thửa ở khu Sau Chùa (X8), phường Yên Nghĩa và 6 thửa ở khu Dược (X7), phường Dương Nội. 

Các thửa này rộng từ 48,7 - 72,1m2, giá khởi điểm dao động 22,8 - 32,2 triệu đồng/m2, khoản tiền đặt trước từ 221,9 - 436,3 triệu đồng/thửa.  

Theo ghi nhận của người viết, kết thúc phiên đấu giá, lô trúng cao nhất có ký hiệu 1A-03 thuộc khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương với mức giá hơn 262,2 triệu đồng/m2. Được biết đây cũng là thửa đất có giá khởi điểm cao nhất trong số 27 thửa (hơn 32,2 triệu đồng/m2), diện tích 57,5 m2. Như vậy, giá trúng cả thửa này được ghi nhận ở mức hơn 15 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với giá khởi điểm.  

Giá trúng thấp nhất được ghi nhận ở mức gần 132,8 triệu đồng/m2, thuộc về một thửa đất ở khu Dược, phường Dương Nội, gấp gần 6 lần so với giá khởi điểm. 

Chia sẻ với người viết sau khi bước ra khỏi phòng đấu giá lúc gần 23 giờ, nhà đầu tư A. (TP Hà Nội) nói thẳng: "Tôi đi đấu từ sáng đến giờ, định mua để đầu tư. Vậy nhưng giá bị thổi sợ quá, cao không thể chịu được". 

Khoảng hơn 2 tháng nay, đất đấu giá trở thành phân khúc "nóng" trên thị trường bất động sản Thủ đô. Trong đó phải kể đến 2 phiên đấu giá tại các huyện vùng ven Thanh Oai (ngày 10/8), Hoài Đức (ngày 19/8) đã gây xôn xao thị trường khi thu hút hàng nghìn người quan tâm, ghi nhận trúng cao nhất lần lượt ở mức hơn 100 triệu đồng/m2 và hơn 133 triệu đồng/m2. 

Như vậy, con số 262,2 triệu đồng/m2 vừa ghi nhận tại phiên đấu giá ngày 19/10 của quận Hà Đông còn cao hơn mức giá trúng "kỷ lục" tại các phiên chợ đất ở Thanh Oai và Hoài Đức. 

Những nhà đầu tư cuối cùng bước ra khỏi phòng đấu giá lúc 11 giờ đêm ngày 19/10. (Ảnh: Di Anh).

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng nhìn nhận kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, thị trường (cung, cầu) nhà ở, thị trường bất động sản. 

Hệ lụy đầu tiên là mức giá trúng cao có thể lấy làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất tạo ra mặt bằng giá mới, thậm chí có thể cao hơn nhiều cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá. Điều này gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.

Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang bán ở gần nơi đấu giá. Bộ Xây dựng cho biết trên thực tế, giá trúng đấu giá thường là giá cơ sở để tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá để chuyển nhượng bất động sản.

Thứ ba, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bất động sản bình dân với giá thấp, mà bắt buộc phải làm nhà cao cấp, siêu sang mới có thể thu hồi vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Thứ tư, mặt bằng giá đất cao cũng góp phần khiến doanh nghiệp không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Điều này làm cho các dự án không thu hút được đầu tư xây dựng, gây suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Cuối cùng, kết quả trúng đấu giá cao bất thường ảnh hưởng, gây khó cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với các dự án sử dụng đất vào mục tích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội. Người dân có đất bị thu hồi cũng dễ bị kích động, có thể khiếu nại yêu cầu phương án bồi cao hơn, gây mất ổn định xã hội. 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.