5 giải pháp đột phá cho khu vực Đồng bằng sông Hồng

Tại Nghị quyết 30, Bộ Chính trị đề ra các giải pháp trọng tâm để phát triển Đồng bằng sông Hồng, với định vị là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Huy).

Sáng nay 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Hồng, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là vùng đất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn một số mặt hạn chế: Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Thực tế này đã đặt ra yêu cầu phải ban hành Nghị quyết mới, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Nghị quyết mới của Bộ Chính trị lần này có 3 điểm đáng chú ý. Tiếp tục xác định Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

5 giải pháp trọng tâm phát triển Đồng bằng Sông Hồng

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 30 đề ra 5 giải pháp trọng tâm, đột phá cho khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Thứ nhất, đặt phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trong Chiến lược phát triển chung của cả nước. Phát triển vùng phải phù hợp với các Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực lớn của cả nước và thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) với các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn...

Phát triển nhanh, bền vững vùng với cơ cấu kinh tế hiện đại để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước dựa vào 3 động lực chính là: Tập trung đầu tư để vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; Phát triển hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai và nguồn nhân lực; hình thành một số khu vực đóng vai trò các cực tăng trưởng. Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Thứ tư, phát triển văn hóa làm nền tảng và là sức mạnh nội sinh quan trọng. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Thứ năm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: VGP). 

Mục tiêu GRDP bình quân 274 triệu đồng/người/năm vào 2030

Về một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng đồng bằng Sông Hồng, Nghị quyết 30 xác định, giai đoạn 2021 – 2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. 

Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. 

GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao đông bình quân đạt trên 7%. 

Đóng góp bình quân cùa năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 35%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

chọn
Ông lớn bất động sản nghỉ dưỡng báo lãi tăng 600%
Nửa đầu năm 2024, Flamingo lãi sau thuế hơn 176 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái.