Bệnh tay chân miệng (TCM)
Bệnh TCM là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch. Bệnh do 2 virut gây nên là Enterovirus 71 và Coxsackievius.
Khi phát dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh hay qua bàn tay chăm sóc của bảo mẫu.
Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên. Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (ít nhất là 7 - 10 ngày).
Khi trẻ phát bệnh, các bậc cha mẹ cần chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ và theo dõi sát tình trạng bệnh để phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời khi có biến chứng bất thường. Bệnh TCM lúc đầu có thể chỉ có triệu chứng sốt nhẹ, ho khan, nổi ban… giống như các nhiễm virut thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ nguy kịch nhanh.
Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus.
Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. |
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên bệnh sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Cách phòng bệnh tốt nhất là người dân thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Ngoài ra, các bậc cha mẹ hết sức chú ý đến việc phòng chống muỗi đốt cho trẻ, mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
Cảm lạnh thông thường và cúm
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra nhất trong mùa mưa. Bệnh dễ gây thành dịch lớn do nhiễm virus cúm, bệnh lây lan trong không khí và qua tiếp xúc, ví dụ như hít phải virus bệnh trong không khí, tiếp xúc chung đồ vật với người bị bệnh….
Biểu hiện lâm sàng của bệnh là nhức đầu, đau mình mẩy, sốt, ho và mệt mỏi. Bệnh gây ảnh hưởng lên đường hô hấp trên và dưới, thông thường bệnh diễn biến tự khỏi song có thể gây nhiều biến chứng nặng hay gặp, nguy hiểm nhất là viêm phổi do vi khuẩn và suy đa tạng.
Khi mắc cảm, cúm cần giảm các triệu chứng do bệnh gây ra như sốt, đau đầu, đau mỏi người. Người bệnh cần được nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước. Trong trường hợp bị nhiễm một số loại tuyp virus đặc biệt như: cúm A H5N1 thì phần lớn người bệnh cần hỗ trợ hô hấp trong 48 giờ đầu nhập viện. Các thuốc kháng virut cũng được sử dụng, tuy nhiên hiệu quả của nó vẫn chưa được kiểm chứng.
Biện pháp chủ yếu để phòng bệnh cúm là sử dụng vacxin cúm. Ngoài ra, chúng ta nên uống nhiều nước và bổ sung các vitamin và khoáng chất để cơ thể luôn khỏe mạnh. Đối với trường hợp nghi ngờ nhiễm virus A H5N1 thì cần cách ly bệnh nhân nghi ngờ và mang các phương tiện bảo hộ lao động (đi găng, đội mũ, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ….), rửa tay khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Các bệnh về da
Một trong những bệnh thường gặp vào mùa mưa, nhất là khi đường phố thường xuyên ngập nước, đó là các bệnh ngoài da như nước ăn chân, viêm nang lông, mụn mủ trên da, viêm ké...
Tiếp xúc với nước mưa cũng dễ gây nên các bệnh ngoài da |
Để phòng tránh các căn bệnh này, người dân cần chú ý chọn lộ trình phù hợp tránh các con đường ngập nước. Khi làm công việc bắt buộc phải tiếp xúc với nước hoặc ra ngoài trời mưa, cần chuẩn bị sẵn áo mưa hoặc các đồ bảo vệ khác.
Nếu chẳng may dính nước mưa, nước ngập, người dân cần vệ sinh sạch sẽ, lau khô. Khi da bị tổn thương, ngứa, loét, là chỗ vi khuẩn tấn công tạo thành những mụn mủ trên da cần vệ sinh thật sạch bằng cồn nhẹ, nước sạch và đến ngay thầy thuốc.
Bên cạnh việc phòng tránh một số bệnh nêu trên, người dân cũng phải lưu ý tới một số căn bệnh khác thường xuất hiện trong mùa mưa như: sốt phát ban, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng nước, bệnh tả, bệnh trùng xoắn móc câu (khuẩn xoắn móc câu kí sinh có thể gây nguy hại cho thận, gan, gây viêm màng não và hô hấp cấp)… Từ đó, bạn sẽ biết cách chuẩn bị “cơ chế bảo vệ” sức khỏe phù hợp với mình khi một mùa mưa nữa lại bắt đầu.