Mâm cỗ ngày Trung thu hàng năm phải luôn đảm bảo được vị thanh mát của rau quả, trái cây, cộng hưởng với vị béo ngậy của thịt và hơn cả là mùi thơm đặc trưng của hương lúa. Dưới đây là 5 món ăn đặc trưng Trung thu thường thấy trong ngày Tết Đoàn viên:
Nhắc đến mùa trăng rằm tháng 8, chúng ta không thể nào bỏ qua được món bánh Trung thu đặc trưng của ngày lễ này. Từ hình ảnh tròn đầy của vầng trăng, người xưa đã đưa biểu tượng đó vào trong những chiếc bánh Trung thu thơm ngon, hấp dẫn. Cho đến nay, bánh Trung thu vẫn luôn mang ý nghĩa là sự tròn đầy của Trăng với cảnh gia đình quây quần bên nhau để thưởng đêm trăng sáng.
Ở Việt Nam, từ xưa đến nay, bánh Trung thu gồm có hai hình thức chính là bánh dẻo và bánh nướng. Trong đó, ánh nướng có đa dạng các loại nhân khác nhau, nổi bật nhất là bánh trung thu đậu xanh sữa dừa, gà quay xá xíu, thập cẩm,... Còn bánh dẻo thì có bánh dẻo thập cẩm, bánh dẻo dừa sữa, bánh dẻo lá dứa,…
Hiện nay, bánh Trung thu đã được biến tấu thêm nhiều loại nhân đặc biệt khác nhau như bánh Trung thu lava tan chảy, nhân tinh than tre, nhân trà xanh, nhân tiramisu,... cho bạn thoải mái lựa chọn theo sở thích của mình.
Ngày Tết Trung thu sẽ trở nên trọn vẹn hơn nếu bạn cùng với gia đình mình tụ tập và chuẩn bị những chén chè trôi nước nóng hổi, mang màu sắc tươi sáng đẹp mắt. Đây được xem là một cách đơn giản để gợi lên nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt.
Chè trôi nước, hay còn được gọi là chè đoàn viên, là một món ăn quen thuộc trong ngày Tết Trung thu. Đúng như tên gọi của nó, món chè này thể hiện ý nghĩa về sự gắn kết, sum vầy, gia đình sum họp trong đêm rằm tháng 8.
Chè trôi nước với lớp vỏ ngoài mềm mịn, ngọt nhẹ kết hợp nước đường ngọt thanh, nước dừa thơm béo và gừng cay nồng tượng trưng cho tình cảm ngọt ngào nồng ấm của gia đình. Sau bữa cơm tối, hãy cùng những người thân yêu quây quần bên những chén chè đoàn viên để cùng nhau đón một mùa Trung thu thực sự ý nghĩa.
Trong mâm cỗ cho dịp Trung thu cũng không thể thiếu được món ăn thanh mát được chế biến từ bưởi. Những múi bưởi mọng nước được tách ra, xé tơi, trộn với tôm sú luộc, thịt ba chỉ thái mỏng và hỗn hợp nước trộn gỏi đủ vị sẽ làm nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Món ăn này vừa mang vị chua chua ngọt ngọt, vừa thơm lừng mùi bưởi, hứa hẹn sẽ kích thích các giác quan, khiến cho bữa tiệc Trung thu đã hấp dẫn nay còn hứng khởi hơn rất nhiều.
Khoai môn là loại củ có vị bùi, hậu ngọt, ăn vào dẻo mềm rất thích hợp cho các món canh hầm. Canh khoai môn hầm xương, canh khoai môn tôm khô, canh khoai môn thịt băm,.. đều là những món ngon mà bạn có thể chuẩn bị cho gia đình mình thưởng thức trong bữa cơm đoàn viên đêm trăng rằm. Vị canh thanh ngọt, được nêm nếm vừa miệng, ăn với cơm trắng rất hợp ý, giúp gợi lên không khí ấm cúng của gia đình trong ngày Trung thu.
Xôi cốm chính là một món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày lễ Trung thu của người dân miền Bắc. Xôi cốm được chế biến từ ba nguyên liệu chính gồm có đậu xanh, cốm non và dừa nạo. Hạt xôi cốm nở đều, mềm dẻo, trộn đều với dừa bào sợi thanh ngọt, béo và rưới thêm nước cốt dừa đậm vị, tất cả hình thành nên một món ngon tuyệt vời.
Nhìn chung, xôi cốm được chế biến khá đơn giản, khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của lá dứa, thích hợp để vừa nhâm nhi vừa trò chuyện cùng gia đình. Dịp Tết Trung thu, các gia đình quây quần bên nhau mà có món xôi cốm nhai lâm râm và trò chuyện thì tình càng thêm tình, vui lại càng vui.