Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2016 (do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - Mặt trận Tổ quốc VN, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, phối hợp tổ chức) đã được công bố, trong đó có đề cập: Khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực Nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.
Tỉ lệ người dân cho rằng, cán bộ chính quyền địa phương biển thủ công quỹ cũng tăng.
Con số trên dựa vào đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của hơn 14.000 người dân từ tất cả 63 tỉnh thành trong năm 2016 qua kết quả phỏng vấn ngẫu nhiên về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.
Liên quan tới vấn đề này, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Ảnh Hải Nguyên |
PV: Thưa ông, qua những con số nêu trên cho thấy những công việc trong khu vực Nhà nước có sức hút như thế nào đối với con người trong xã hội hiện nay?
Ông Vũ Mão: Theo tôi con số này là ước lệ bởi đó là kết quả trong cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên của số ít người không thể nói là 100% của người Việt Nam. Nhưng ước lệ cũng có phần đúng và chúng ta tôn trọng con số đó.
Con số ước lệ ấy có thể ít hơn hoặc nhiều hơn nhưng theo tôi, xu hướng hiện tại là nhiều hơn. Dường như điều ấy trở thành thói quen, tập quán xấu trong đời sống xã hội cũng như trong nền quản trị công chức của Việt Nam.
Điều quan trọng chúng ta phải đi tìm nguyên nhân vì sao có hiện tượng như thế.
PV: Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới “thói quen, tập quán xấu” ấy?
Ông Vũ Mão: Nguyên nhân thứ nhất: Trong xã hội ta, danh dự của mỗi con người là rất quan trong. Ở điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, nhiều người luôn tâm niệm rằng, vào được biên chế, trở thành công chức Nhà nước không những có được vinh dự, uy tín, sự tôn trọng của xã hội mà còn có được cuộc sống ổn định.
Thậm chí còn có quan niệm vào được cơ quan Nhà nước thì sinh mạng chính trị của mình được đảm bảo hơn. Những suy nghĩ ấy đã in hằn trong tâm lý nhiều người Việt nên họ khao khát được vào cơ quan Nhà nước.
Nguyên nhân thứ hai: Trong công tác tuyển dụng, các văn bản pháp luật còn nhiều lỗ hổng. Biên chế đã thừa, muốn giảm nhưng bằng cách này cách khác, một số cơ quan, đơn vị vẫn có sự “thiên biến vạn hóa” để có thêm chỉ tiêu biên chế. Đây là một biểu hiện rất rõ ràng về lời nói không đi đôi với việc làm của nền quản trị hành chính quốc gia.
Đây là một sự thật đau lòng khiến người dân không vui, và cũng là nỗi đau không chấp nhận được cần phải thay đổi. Thế giới đánh giá ta rất thấp về vấn đề này. Họ cho rằng đây là một hiện tượng “không bình thường và không thể chấp nhận” của Việt Nam.
Thực trạng và nguyên nhân của nạn tham nhũng, hối lộ để đưa người vào biên chế Nhà nước là như vậy, chúng ta muốn sửa, muốn giảm, giảm tới mức tối thiểu thì cần có giải pháp cho vấn đề này.
PV: Thưa ông, từ những phân tích về thực trạng và nguyên nhân sự việc này, theo ông, cơ quan nào có trách nhiệm đối với thông tin nêu trên?
Ông Vũ Mão: Chúng ta đang sống trong đất nước do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nên nói một cách chân thành và thẳng thắn: Đảng và các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm chính về vấn đề này.
PV: Từ thực trạng, hiện tượng và những nguyên nhân sâu xa mà ông phân tích liên quan tới vấn đề biên chế Nhà nước, chúng ta có những giải pháp gì để giải quyết những điều đó?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, biên chế còn tăng người ta còn chạy được. Nhưng biên chế không tăng mà phải giảm thì bài toán đặt ra là phải có các giải pháp.
Thứ nhất, Chính phủ cần tổng kết và đánh giá xem việc tổ chức bộ máy Nhà nước được thực hiện hơn 10 năm qua có những gì được và những gì chưa được.
Thời điểm đó với lập luận việc tổ chức Bộ đa ngành giống như các nước mới là có hiệu quả và giảm bớt được sự cồng kềnh của bộ máy và biên chế. Nhưng trong tổ chức thực hiện lại không giống ai. Bộ vẫn quản lý doanh nghiệp Nhà nước.
Tính đa ngành có nơi không hợp lý dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo vừa có khoảng trống. Rồi lại lập nhiều Tổng cục trong các Bộ. Cũng có nghĩa Bộ nhỏ nằm trong Bộ to. Như thế thì làm sao giảm biên chế được.
Thứ hai, cần thảo luận để làm rõ quan điểm và nhận thức về vấn đề biên chế Nhà nước. Có như vậy thì mới phân định được đâu là biên chế hành chính đâu là sự nghiệp. Chúng ta cần làm một cách rất căn cơ và bài bản. Phải có chiến lược, có lộ trình và bước đi.
Nói một cách cụ thể hơn: Năm 2016, tổng số biên chế bộ máy hành chính từ cấp huyện trở lên là 270.831 người. Tuy nhiên, nếu tính cả viên chức làm việc tại 56.000 đơn vị sự nghiệp công, thì tổng số biên chế lên tới 2,7 triệu người. Trong đó biên chế ngành giáo dục là khoảng 1 triệu người, y tế khoảng 50.000 người...
Muốn giảm biên chế phải tính cụ thể và rõ ràng. Ví dụ, xu hướng giáo dục và y tế là ngành sự nghiệp không thể tính trong biên chế quản lý hành chính. Từ đấy lại phải đặt ra một vấn đề rất quan trọng là con đường và chiến lược xã hội hoá các lĩnh vực này như thế nào.
Chính vì thế cần phải làm rõ quan điểm và nhận thức, để giải quyết một cách cơ bản những thực trạng nói trên.
Thứ ba, như đã phân tích ở trên về nguyên nhân về tình trạng tăng biên chế và nạn hối lộ chạy vào biên chế Nhà nước có nguyên nhân rất quan trọng là các văn bản pháp luật của ta còn nhiều thiếu sót. Vì thế phải sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật liên quan tới biên chế, liên quan đến Luật cán bộ công chức và các luật khác, các Nghị định của Chính phủ, các thông tư của các Bộ…
Thứ tư, phải xây dựng nền văn hóa công chức với các tiêu chí cụ thể. Lâu nay các văn bản của Nhà nước có phần nặng về học vị, bằng cấp. Dư luận xã hội phàn nàn và không đồng tình về điều đó.
Cũng cần nói thêm, chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường và nó đang từng bước vận hành có hiệu quả; nhưng cũng cần thấy rõ mặt trái của nó đang tác động không tốt đến đạo đức và lối sống của con người Việt Nam. Chính vì thế cho nên chúng ta phải coi trọng việc xây dựng một nền văn hoá mới, con người mới vừa mang bản sắc dân tộc vừa mang tính hiện đại.
Thứ năm, hiện nay việc hối lộ để vào biên chế cũng như vấn nạn chạy chức, chạy quyền đang rất nghiêm trọng. Đấy là tham nhũng, là quốc nạn.
Trong các Nghị quyết của Đảng đã chỉ rất rõ và điều đáng mừng là các đồng chí lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết tâm chỉ đạo kiên quyết không có vùng cấm. Nhà nước (Quốc hội và Chính phủ) đang chuyển mình mạnh mẽ. Nhân dân đồng tình nhưng đòi hỏi mọi việc phải đi đến cùng.
Các phương tiện truyền thông vừa qua đã làm khá tốt và có tác dụng thiết thực. Chúng ta đòi hỏi ở họ phải làm tốt hơn nữa với sự nhanh nhạy và hiệu quả cao.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!