Trao đổi với PV ông Vũ Hồng Phương Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết: "Vào năm 2015 các lái tàu, kỹ thuật viên sau khi tuyển chọn được đưa sang Trung Quốc để đào tạo theo hiệp định kí kết giữa 2 nước. Cho tới thời điểm này công việc đào tạo đã cơ bản hoàn thành để chuẩn bị cho việc đưa đường sắt vào hoạt động thương mại trong tháng 2/2018".
Để có thể trở thành nhân sự phục vụ cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông các ứng viên phải trải qua ba đợt thi tuyển sau đó chọn ra 600 người. Trong đó 200 người được đưa sang Trung Quốc để đào tạo, 37 lái tàu chính phải trải qua khoá huấn luyện dài hạn 315 ngày. 400 người còn lại được đào tạo trong nước. Toàn bộ kinh phí nằm trong tổng kinh phí dự án.
Dự kiến tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào vận hành thử liên động vào tháng 9/2017. Đến tháng 2/2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại. Ảnh Chí Duy |
Việc tuyển dụng nhân sự cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp với các sở Nội vụ, Tài chính, GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức từ tháng 7/2015.
Như vậy để phục vụ cho tuyến đường sắt dài hơn 13km sẽ có tổng cộng 600 nhân sự, bình quân gần 50 người phục vụ 1km đường. Trao đổi với báo chí tiến sĩ Phan Lê Bình (giảng viên Đại học Việt Nhật, từng là chuyên gia JICA) cho biết: "Chắc nhiều người cho rằng việc sử dụng quá nhiều người như vậy là lãng phí. Tuy nhiên điều hành, quản lý một tuyến đường sắt đô thị cần phải hoàn chỉnh, gồm nhiều bộ phận thực hiện từ vận hành đến sửa chữa. Vì vậy, số lượng hơn 600 người cho tuyến đường sắt đô thị không cao”.
Cũng theo tiến sĩ Bình nếu thấy dư thừa sau này sẽ điều chuyển phục vụ cho các tuyến đường sắt đô thị khác trong tương lai. Theo quy hoạch Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị.
Vào ngày 4/2 trong buổi kiểm tra thực địa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã lưu ý Bộ GTVT về việc nhân lực phục vụ tuyến đường sắt này. |