7 ngày Tết: 'thượng đế' cực thân khi vào quán

Những ngày cuối cùng của Tết Đinh Dậu vừa qua đi, không ít người đã "thở phào sung sướng" vì những "cực hình" quán xá ngày Tết đã kết thúc.
khi thuong de cuc than vao quan
Một quán nhậu bình dân ở quận 4 hút khách vào những ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Yên.

Ngay từ chiều mùng Một Tết, hầu hết các hàng quán ăn uống mở cửa trong thời điểm này đều chật kín người, đặc biệt là những quán cà phê, thức ăn nhanh (gà rán, pizza,…) và những quán phở, hủ tiếu, cơm tấm… Đa số hàng quán mở cửa trong dịp này đều phụ thu từ 10-30% nhưng có vẻ như thực khách không quan tâm lắm.

Anh Tuấn Anh, ngồi cùng gia đình tại một quán phở trên đường Nguyễn Kiệm cho biết: “Tết nhất, đi đâu cũng bia rượu, rồi bánh chưng bánh tét và giò chả ngán chịu không nổi, cuối ngày phải ăn tô phở vừa nóng vừa có nước dễ ăn mới ngủ được, có sức chiến đấu cho ngày mai”. Dù gia đình 4 người của anh ngồi quanh cái bàn nhựa nhỏ xíu đặt trên vỉa hè (do bên trong quán đã đông kín người) nhưng họ vẫn hài lòng vì mua được tô phở nóng lót dạ.

khi thuong de cuc than vao quan
Quán cà phê C.N. trên đường Phạm Văn Đồng đông nghẹt khách ra vào quán. Ảnh: Nguyễn Yên.

Có mặt tại những quán cà phê lớn mở cửa dịp Tết mới cảm nhận hết người Sài Gòn cần một chỗ để gặp nhau trong ba ngày Tết là quan trọng như thế nào. Gần như không một bàn nào trong quán còn trống, khách vừa rời bàn là có lượt khách khác lấp vào, thậm chí trong giờ cao điểm nhiều nhóm khách đứng xếp hàng chờ bàn mà không ai than phiền gì.

Phía ngoài bãi giữ xe, xe tràn tận ra đường hoặc đậu lấn sang những khoảng đất trống của nhà dân lân cận. Ở một số quán, nhân viên giữ xe phải từ chối nhận khách bởi quán đã hết chỗ hoặc nhân viên không đủ để phục vụ.

khi thuong de cuc than vao quan
Quán cà phê M. trên đường Phạm Văn Đồng cũng đông nghẹt khách vào ngày Tết. Trong ảnh, bãi xe trước quán cà phê cũng chật kín xe Ảnh: Nguyễn Yên.

Tìm được một chỗ ngồi đã cực, việc có được thức ăn, nước uống còn “nan giải” hơn. Do khách đông nhưng lượng nhân viên phục vụ ít nên phải mất trung bình khoảng 20-30 phút thực khách mới được phục vụ. Không ít người đã bỏ ra về vì đợi mãi không thấy phần nước của mình đâu. Số người có nước uống thì không khỏi càm ràm than thở do pha chế không đạt.

Do lượng khách đông mà công suất phục vụ không đủ, cảnh nhân viên cúi đầu xin lỗi khách, miệng luôn nói từ “xin thông cảm”, “xin lỗi” hoặc bị khách hàng la ó, phàn nàn…là cảnh rất dễ nhận thấy ở các hàng quán dịp tết.

Nhiều khi nhân viên mang thức uống, đồ ăn ra đến nơi thì khách đã biến mất do chờ quá lâu, thế là nhân viên lại phải nói lời xin lỗi chủ quán, người quản lý. “Khách đông, quán chật, chuyện làm đổ bể ly tách, mất đồ, thanh toán nhầm…rất dễ xảy ra. Tiền bo của khách không đủ để tụi em đóng phạt cho chủ nên đi làm thêm những ngày này cũng hồi hộp lắm”, bạn Xuân Hương, một sinh viên chạy bàn chia sẻ.

Theo những sinh viên làm thêm trong dịp Tết, nguyên nhân thiếu nhân sự là do các bạn sinh viên gốc thành phố bận… ăn Tết, riêng sinh viên tỉnh đa số đều về quê. Những bạn ở lại hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn nên chắt chiu những ngày Tết làm thêm để có tiền tiêu sau Tết mà không phải xin gia đình. “Đêm giao thừa tụi em vẫn còn chạy đôn chạy đáo bưng bê nhưng có những lúc rất chạnh lòng tủi thân, nhớ nhà. Em ở Sài Gòn làm thêm đã hai cái Tết rồi nhưng chẳng biết Tết là gì. Dù có buồn tiếc nhưng em vẫn cảm thấy an ủi vì mình đã đỡ đần gia đình phần nào”, Ngọc Minh, sinh viên năm ba ĐH Mở tâm sự.

Tình trạng khách đông, giá tăng nhưng phục vụ ít vẫn tiếp tục kéo dài trong những ngày sau đó, thậm chí là nhiều quán vẫn đông nghẹt dù đã là mùng 6, ngày mọi người bắt đầu làm việc trở lại. Anh Hùng, chủ một quán cà phê ở Thủ Đức phân tích: “Buôn bán mấy ngày Tết lời dữ lắm vì khách khứa sau khi đi chơi đều ghé quán ăn, quán cà phê để ăn uống, tán dốc vì mấy ngày này nấu nướng chi cho cực. Tuy nhiên, việc tăng giá của một số quán là hơi quá đáng vì giá cả nguyên liệu tăng không đáng kể, có thể lấy số lượng khách để bù vào”.

Dù giá cả tăng nhiều hay ít, đối với những người bước chân vào quán họ gần như không quan tâm lắm, vì đi đâu cũng nghe người ta nói “Tết mà” thay cho những lời than phiền.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.