Chinh phục thành công ĐH Harvard danh giá, nhưng mục đích cuối cùng của Thanh An lại là về Việt Nam làm việc trong môi trường giáo dục. |
Vừa tốt nghiệp ngành Tâm lý và Giáo dục, ĐH Mount Holyoke (Mỹ) với tấm bằng loại giỏi, Nguyễn Vũ Thanh An (22 tuổi, Hà Nội) nhận được thư mời nhập học chương trình thạc sĩ giáo dục tại 3 trường là ĐH Harvard, ĐH Vanderbilt và ĐH Boston (đều ở Mỹ).
Lựa chọn của 9X là ngôi trường Harvard danh giá. Tháng 8 này, cô sẽ trở thành sinh viên khóa thạc sĩ, ngành Tư vấn giáo dục.
Nguyễn Vũ Thanh An sinh trưởng trong gia đình nề nếp ở Hà Nội. Điều này lý giải cho thái độ ôn hòa, nhã nhặn của An ngay từ lần đầu gặp gỡ.
9X mỉm cười thừa nhận mình là người vui vẻ, hòa đồng và luôn sống tích cực. Dường như cái tên Thanh An cũng cho cô cuộc sống khá thanh bình, ít va chạm.
Năm An học lớp 3, người chị gái thân thiết, hơn cô 10 tuổi lên đường đi du học ở Anh. Giây phút nhìn theo chị đi lên máy bay, An bỗng cảm thấy đó như cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn, nơi có rất nhiều điều mới mẻ để học hỏi.
Noi gương chị gái, An chú tâm học tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Trong những buổi học thêm, cô có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ cùng các bạn bộ phim hay, bài hát quốc tế và cả ước muốn đi du học. Cứ thế, Thanh An hiểu rằng giấc mơ ra nước ngoài học tập ngày một lớn trong mình.
9X Hà thành may mắn được cha mẹ tạo mọi điều kiện học tập, trải nghiệm như mùa hè nào cũng cho tham gia trại hè. Từ đó, An học được kỹ năng tự lập và hiểu thêm về văn hóa phương Tây.
Thanh An xác định "sốc văn hóa" là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất khi lên đường du học. Bởi vậy, cô tìm hiểu văn hóa nước ngoài bằng cách xem phim, nghe nhạc, đọc sách.
Trong 3 năm học cấp 3 tại trường phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nữ sinh được học về văn hóa, cuộc sống ở ký túc xá, phong tục, các ngày lễ ở nước ngoài. Đó chính là hành trang cần thiết cho cuộc sống du học của An.
Cô gái Hà thành lên đường du học từ năm 2013. 9X chọn ngành Tâm lý và Giáo dục, ĐH Mount Holyoke ở miền Đông của bang Massachusetts, Mỹ. Đây là ngôi trường nữ sinh, quy mô không lớn, đặc biệt là chú trọng dạy về nữ quyền, bình đẳng trong xã hội.
Quyết định này được An đưa ra sau quá trình tìm hiểu rất kỹ từ các hội thảo du học, lời khuyên của giáo viên tư vấn mảng du học ở trường, cũng như các anh chị du học sinh Mỹ.
Tình cờ một số thần tượng của An, trong đó có bà Hillary Clinton, đều học tập tại trường đại học nữ sinh. Hơn nữa, 9X cảm thấy lựa chọn này phù hợp với mục tiêu cuối cùng của cô.
"Từ khi học cấp 3, mình tham gia tình nguyện ở khá nhiều tổ chức, cũng như ở trường. Trải nghiệm này khiến mình nhận ra bản thân rất thích làm việc cùng các em nhỏ. Hơn nữa, tính kiên nhẫn của mình khá phù hợp làm việc trong ngành Giáo dục.
Học giáo dục ở Mỹ rất hay, có nhiều lý thuyết, nghiên cứu giúp ích cho học sinh, giáo viên và cả gia đình nữa. Bởi vậy, mình quyết theo đuổi ngành này", Thanh An chia sẻ.
Giây phút An đi qua cửa hải quan lên máy bay cũng là lúc mầm ươm được gieo vào lòng cô bé học lớp 3 ngày nào vươn lên đầy mạnh mẽ. Thanh An hạ quyết tâm bắt nhịp nhanh với cuộc sống xa gia đình, học thật tốt để không phụ lòng thầy cô, gia đình hết lòng tin tưởng.
"Học đi đôi với hành" là phương châm học tập của Thanh An. 9X cho rằng kiến thức học trên lớp khi được lồng ghép với kinh nghiệm thực tế sẽ đem lại hiệu quả cao.
Thanh An thể hiện rõ phương châm này khi học cấp 3 tại trường phổ thông liên cấp Olympia, cô 3 năm liền là học sinh giỏi, nắm giữ vai trò chủ chốt ở Hội học sinh và truyền cảm hứng tham gia các hoạt động cho học sinh trong trường.
Lên đại học, ngoài chuyên tâm học tập, nữ sinh có vóc dáng nhỏ nhắn cũng tham gia tình nguyện, hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm trong nhiều trường học ở Mỹ và tích lũy cho mình những kinh nghiệm nhất định.
Trong đó, 3 năm liền giữ chức thư ký Hội học sinh châu Á tại ĐH Mount Holyoke giúp Thanh An có cơ hội gắn kết cùng các bạn đến từ nhiều nơi ở châu Á và sinh viên Mỹ gốc Á.
Từ những buổi tuyên truyền về văn hóa, cô gái Hà thành không chỉ tự hào hơn về nguồn cội, mà còn hiểu thêm về nền văn hóa Việt Nam, bởi phải tìm hiểu thật kỹ thì mới truyền bá đúng cho các bạn.
"Mình ở ký túc xá nên hiểu và muốn giúp đỡ các bạn tân sinh viên vượt qua bỡ ngỡ khi chuyển tiếp từ bậc trung học lên đại học để nhanh thích ứng với cuộc sống xa gia đình. Mình đăng ký làm người hỗ trợ các bạn. Đó cũng chính là một trong những công việc làm thêm của mình trong 3 năm đại học", An chia sẻ.
Với sự đam mê và tận tâm dành cho việc học tập cũng như hoạt động ngoài giờ lên lớp, An nhận được nhiều giải thưởng từ trường, khoa như Giải thưởng Sarah Williston (dành cho sinh viên đạt điểm cao năm 2 đại học), Giải Academic Excellence (do chuyên ngành trao tặng), Giải Student Leadership and Service Award (giải lãnh đạo và cống hiến cho cộng đồng trường).
Trước lời khen "bạn giỏi thật đấy", nữ sinh 22 tuổi chỉ mỉm cười đáp: "Do may mắn đấy thôi! Ngay từ nhỏ, mình cảm thấy may mắn luôn mỉm cười với bản thân. Ở nhà được cha mẹ dạy điều hay lẽ phải, đến trường được thầy cô, giúp đỡ rất nhiều.
Ngay cả 'sếp' trong thời gian làm việc ở ký túc xá đại học cũng thường chủ động hỏi mình cần giúp gì không và dành cho mình lời khuyên bổ ích, thiết thực. Với nguồn động viên tinh thần lớn lao đó, mình vững vàng hơn rất nhiều".
Theo An, để vừa có kết quả học tập tốt, vừa tích cực tham gia hoạt động bên ngoài, quản lý thời gian hiệu quả chính là chìa khóa.
"Cách mình hay áp dụng trong năm học là dành ra thời gian từ 9h sáng tới 5h chiều để hoàn thành bài vở trên lớp. Sau 5h chiều, mình dành thời gian trò chuyện cùng bạn bè, đi làm thêm hay giải quyết những gì còn dang dở. Khi quy định thời gian cụ thể như thế, mọi chuyện được giải quyết gọn gàng, hợp lý", An bật mí.
Cứ mỗi dịp hè về, không vướng bận chuyện bài vở, Nguyễn Vũ Thanh An trở về Việt Nam để giữ vai trò thực tập tư vấn du học cho các học sinh trong trường cũ - phổ thông liên cấp Olympia hay giữ chức thị trưởng thành phố ở Trại hè Utopia cũng do trường tổ chức. Ngoài ra, An còn làm việc cho các tổ chức phi chính phủ.
Khi được hỏi sao không chọn đăng ký các vị trí thực tập ở Mỹ, An trả lời cô muốn thử sức ở nhiều vị trí khác nhau, làm việc với nhiều người trong môi trường khác nhau. Trong quá trình đó, An cũng lắng nghe bản thân thực sự mong muốn gì sau khi học xong khóa cử nhân hay thạc sĩ.
Thanh An vui vẻ tiết lộ mình rất dễ thần tượng người khác, trong đó có cô giáo cố vấn trong trường đại học mà cô nhận thấy có nhiều tương đồng về quan điểm giáo dục, cuộc sống.
Bằng trải nghiệm của bản thân, nữ giáo viên tốt nghiệp ĐH Harvard luôn khuyến khích, giới thiệu An đến với chương trình thạc sĩ tại ngôi trường danh giá này. Bản thân 9X cũng rất thích môi trường giáo dục tại đó.
Trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, Thanh An gặp không ít khó khăn khi vừa đi học, đi làm, thi tốt nghiệp đại học Mount Holyoke. Chính sự khích lệ từ gia đình, thầy cô đã tiếp thêm động lực cho An vượt qua tất cả.
Chia sẻ về bí quyết "chinh phục" Harvard, Thanh An cho biết: "Điều quan trọng nhất để hội đồng tuyển sinh chú ý là mình phải thể hiện được sự độc đáo. Mình hỏi thẳng họ rằng muốn một học sinh như thế nào, từ đó, so sánh với bản thân xem mình có phù hợp không".
Bài luận là yếu tố quan trọng quyết định kết quả tuyển sinh. Nếu ở cấp bậc cử nhân, học sinh có thể viết về niềm tin, cuộc sống, bản thân thì ở khóa thạc sĩ, trường đưa ra những câu hỏi chi tiết xung quanh trải nghiệm của ứng viên đối với ngành muốn học.
Trong bài luận đưa Thanh An vào ĐH Harvard, cô kể quá trình học tập, tích cực đi tình nguyện, làm việc trong các trường học, tổ chức giáo dục cả ở Việt Nam và Mỹ ngay từ năm đầu đại học.
An chia sẻ chân thực nhất về những trải nghiệm của mình để từ đó Hội đồng tuyển sinh Harvard thấy được đam mê của cô trong ngành giáo dục. Thư mời nhập học khóa thạc sĩ vào tháng 8 tới là cánh cửa dẫn đến những trải nghiệm mới trên con đường nghiên cứu mà Thanh An theo đuổi.
Sau 4 năm học, môi trường giáo dục của Mỹ dạy cho An cơ hội tiếp xúc với người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Từ những cá nhân có gia đình, hoàn cảnh, niềm tin khác, cô gái Hà thành học hỏi cách giao tiếp, đưa ra ý kiến bất đồng nhưng trong không khí hòa bình, tích cực, đóng góp cùng phát triển, chứ không phải cố vùi dập lẫn nhau.
Bên cạnh đó, An học được cách tự lập khi sống xa cha mẹ, chăm sóc bản thân và mọi người xung quanh. Đó là những thứ làm nên con người Thanh An trưởng thành như ngày hôm nay.
"Mình nhớ có lần học môn Tâm lý học ở Mỹ, thầy giáo cố gắng tạo nên sự tranh luận trong lớp. Theo thầy, những tranh luận giúp học sinh phát triển kỹ năng phản biện, cũng như rèn luyện tư duy.
Ban đầu, học tập theo phương pháp phản biện và tranh luận như thế mình khá bỡ ngỡ. Nhưng sau đó rất thích bởi khi đưa ra ý kiến bất đồng theo cách hòa bình, người ta học được rất nhiều thứ", An kể.
Theo nữ sinh 22 tuổi, không có nền giáo dục là hoàn hảo. Môi trường giáo dục nào cũng có điểm rất tốt và điểm cần đóng góp, sửa đổi thêm. Tương tự nền giáo dục Mỹ, giáo dục Việt Nam thể hiện văn hóa, lịch sử, giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
"So sánh hai nền giáo dục không phải điều dễ đang. Từ trải nghiệm của bản thân, mình nghĩ ở Việt Nam tính cộng đồng được nâng cao, kể cả trong lĩnh vực giáo dục. Còn ở Mỹ, ý kiến cá nhân được chú trọng. Mình may mắn được trải nghiệm cả hai môi trường mà mình nghĩ chúng không hề đối lập", Thanh An nhận định.
Nguyễn Vũ Thanh An chưa bao giờ lăn tăn về cái được và mất của việc đi du học. Cô chỉ tập trung nhận định cánh cửa nào đang mở ra, cơ hội nào đang đợi mình, làm sao để chuyển những may mắn, thuận lợi thành cơ hội cho bản thân.
Vấn đề "về hay ở lại" sau khi học xong cũng không phải ngoại lệ. Chương trình thạc sĩ tại Harvard của An sẽ kéo dài một năm, tiếp đó là một năm cho chương trình hỗ trợ. Với đam mê nghiên cứu về lĩnh vực Tâm lý, Giáo dục, suy nghĩ học lên cao nữa khá hấp dẫn Thanh An.
"Mỗi cá nhân có suy nghĩ khác nhau về quyết định ở lại hay về nước sau khi du học nên việc so sánh lựa chọn nào hơn quả là khập khiễng. Bản thân mình muốn về bởi từng có nhiều trải nghiệm tích cực ở Việt Nam", An tiết lộ.
Thanh An ấp ủ nhiều dự định sau khi kết thúc chương trình thạc sĩ tại ĐH Harvard. Đó là quay ở lại trường Olympia để làm việc. Với tư cách học sinh hay thực tập sinh, An đều thích môi trường và hy vọng đóng góp cho nơi đây.
Bên cạnh đó, đi du lịch vòng quanh thế giới cũng là điều An muốn làm trong những năm tháng thanh xuân. Cô hy vọng có thể vận dụng khả năng để giúp đỡ các em học sinh ở nhiều nơi trên thế giới.
"Cha mẹ từ nhỏ đã dạy mình nhận biết may mắn của bản thân, biết ơn những gì đang có và phát triển nó, mang đến nhiều cơ hội, giúp đỡ người khác", An tâm sự.
Thêm lý do khiến Nguyễn Vũ Thanh An muốn trở về Việt Nam là tình yêu với Hà Nội và gia đình. Từ nhỏ, cô bé An đã thích đọc những cuốn sách viết về Hà Nội. Tình yêu với mảnh đất này còn là hương vị những món ăn vặt mà thời gian học xa nhà An rất nhớ.
Mẹ là thần tượng lớn nhất trong lòng Thanh An. Bà là người hiền lành, luôn dành mọi thứ tốt nhất cho con, cho gia đình. Đó là người truyền cảm hứng, là chỗ dựa bình yên nhất trong lòng cô gái 22 tuổi. Mẹ cũng chính là hình mẫu lý tưởng để An noi theo, sau này chăm sóc tổ ấm của mình.
Về bản thân, An chỉ nói ngắn gọn: "Mình hát, múa, vẽ đều tệ, cũng không có tài lẻ gì, nhưng bù lại rất nhiệt tình. Mình thích đọc sách nhưng không phải 'mọt sách'. Tật xấu là gặp sách hay thì đọc không dứt ra được và rất hay khóc vì đồng cảm với những điều nhân văn, hướng đến con người".
An mượn lời cô giáo phụ trách học sinh quốc tế ở Đại học Mount Holyoke để nhắn nhủ mọi người rằng những điều đơn giản nhất sẽ tạo nên giá trị lớn:
Trong thời gian học tại ĐH Mount Holyoke (Mỹ), Nguyễn Vũ Thanh An giành nhiều giải thưởng học tập và tham gia hoạt động ở trường.
- Giải thưởng Sarah Williston (dành cho sinh viên đạt điểm cao năm 2 đại học), Giải Academic Excellence (do chuyên ngành trao tặng), Giải Student Leadership and Service Award (giải lãnh đạo và cống hiến cho cộng đồng trường).
- 9X cũng 3 năm liền làm Community Advisor (cố vấn Cộng đồng hỗ trợ học sinh sống ở ký túc xá), 2 năm làm thư ký của Hội học sinh Châu Á, 2 năm làm Senator (đại diện Hội đồng) của Outing Club, 5 năm liền tham gia xây dựng và cố vấn Trại hè Utopia của trường PT liên cấp Olympia, Hà Nội.