'Phương pháp kích não bộ cho trẻ chưa được thẩm định về chuyên môn'

Theo Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam,  trên thế giới không tồn tại phương pháp kích bán cầu cho trẻ và đây là phương pháp chưa được công nhận 

Hiện tại, có một số ý kiến cho rằng, phương thức giáo dục của các Trung tâm Kích hoạt não bộ trẻ em đang gây ra những ảnh hưởng hết sức khôn lường. Những trung tâm này quảng cáo việc sẽ giúp cho não trẻ hoạt động nhiều công năng hơn và trẻ sẽ làm được những việc như: Bịt mắt lại vẫn có thể phân biệt được màu sắc, làm được những việc hơn trẻ cùng lứa tuổi, bé 7 tuổi giải được toán lớp 6, lớp 7. Thậm chí là có thể trở thành những nhà sáng tạo, nhà khoa học, nhà phát minh...

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thành Nam, Giảng viên trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên để làm rõ những khúc mắc liên quan đến vấn đề này.

phuong phap kich nao bo cho tre chua duoc tham dinh ve chuyen mon

Cảnh báo nguy cơ 'tự mở cánh cửa vào trại tâm thần' khi kích bán cầu não cho trẻ

Nhiều bậc phụ huynh tìm cách đưa con đến những lớp huấn luyện kích não bộ với hy vọng con mình sẽ có thể giỏi ...

Phóng viên: Hình thức giáo dục kích hoạt não bộ trẻ có phải là hình thức giáo dục hợp pháp? Trên thế giới và Việt Nam đã được công nhận như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Trần Thành Nam: Tôi đã thử vào tìm trong các cơ sở dữ liệu học thuật chuyên ngành Y học, Giáo dục học, Tâm lý học, Xã hội học (như MEDline, PsycARTICLES, PsycINFO, Proquest, Eric, Sociofile, Social Science Citation Index) và thậm chí Tạp chí Ngoại tâm lý (như Journal of Parapsychology…) trong 10 năm qua đều không có bất cứ một bài báo khoa học nào có liên quan đến kỹ thuật kích hoạt não bộ (midbrain activation) được đăng trên các cơ sở dữ liệu này.

Bước tiếp theo, tôi tìm kiếm xem liệu những kỹ thuật như vậy có được một bất kỳ một tổ chức khoa học có uy tín nào (ví dụ như Hiệp Hội các nhà Tâm lý học, Giáo dục học của một Quốc gia nào đó như Anh, Pháp, Mỹ, Singapore…) thừa nhận hay không và không may là tôi chẳng tìm ra được sự thừa nhận của một tổ chức khoa học nào cho phương pháp này. Tất nhiên, việc tìm kiếm chỉ giới hạn trong ngôn ngữ tiếng Anh và thường được sử dụng để khẳng định lại xem một kỹ thuật hay một cách thức can thiệp mới đã được chứng minh bằng các bằng chứng khoa học hay chưa.

phuong phap kich nao bo cho tre chua duoc tham dinh ve chuyen mon
Tiến sĩ Trần Thành Nam

Phóng viên: Vậy theo đánh giá của anh thì hình thức giáo dục này có hợp pháp và mang lại những hiệu quả cho trẻ?

Tiến sĩ Trần Thành Nam: Với những gì tìm được, ít nhất chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, phương pháp này chưa được thẩm định về chuyên môn ở các nước có nền khoa học phát triển trên thế giới, chưa có bằng chứng nghiên cứu về tính hiệu quả của nó đến sự thành công hay năng lực vượt trội của những đứa trẻ được luyện tập phương pháp này trong tương lai. Cũng chẳng thể đảm bảo phương pháp này không có tác động tiêu cực đến cuộc sống của một đứa trẻ bình thường. Nói một cách khác đi, nó giống như việc đưa ra thị trường một loại thuốc đặc trị mà chưa được tổ chức FDA cấp phép ban hành vậy, có rất nhiều nguy cơ. Và nếu chúng được nhượng quyền, chúng ta sẽ phải đương đầu với một loại hình đa cấp mới, “đa cấp dịch vụ ngụy khoa học”.

Phóng viên: Việc giáo dục trẻ làm được những điều phi thường như nhắm mắt có thể phân biệt màu sắc, thậm chí là tô màu, vẽ tranh liệu có phải là sự ưu việt, hay là việc bắt trẻ phải làm những việc trái với quy luật tự nhiên?

phuong phap kich nao bo cho tre chua duoc tham dinh ve chuyen mon
Phương pháp kích não bộ được quảng cáo là có thể giúp trẻ làm được những điều... phi thường

Tiến sĩ Trần Thành Nam: Tôi sẽ chia sẻ cho các bạn một số câu chuyện “phi thường” mà tôi đã từng gặp ở những con người bình thường xung quanh tôi. Câu chuyện thứ nhất là về bà nội tôi. Bà được mọi người phong là máy dự báo thời tiết vì đã dự báo thời tiết chính xác hơn một số bản tin dự báo thời tiết thời gian đó?

Cứ mỗi lần bà cảm thấy đau nhức, mệt mỏi trong người, bà lại nói con cháu ngày hôm sau đi làm nên mang áo mưa, nên cẩn thận vì sẽ mưa, sẽ có bão về… Và sự việc diễn ra sau đó đúng như vậy. Liệu bà tôi có phải là người phi thường, người được kích hoạt não giữa từ bé không hay đơn giản chỉ là những nỗi khổ trong căn bệnh người già khiến cơ thể đau nhức mỗi khi đổi trời.

Câu chuyện “phi thường” thứ hai chính là tôi. Đêm qua tôi có nhiều suy nghĩ lo lắng và khó đi vào giấc ngủ. Nhưng điều đặc biệt là tôi đã có thể nghe được tiếng kim giây chuyển động trên đồng hồ treo tường cách tôi khoảng 20 mét, mà bình thường tôi không thể nào nghe được. Tôi đoán chắc rằng nhiều bạn cũng nghe được những âm thanh rất nhỏ như vậy trong những đêm trằn trọc khó ngủ. Vậy chúng ta đều là những người phi thường?

Câu chuyện thứ ba là về con chó nhà bạn tôi. Nó được bạn tôi huấn luyện để hiểu tiếng người và làm đúng bất cứ một phép toán nào được đưa ra. Kết quả của các phép toán được trả lời bằng số lần sủa của nó. Điều quan trọng là chủ của nó luôn phải đứng cạnh và bí mật duỗi một ngón tay. Con chó thấy ngón tay ở tư thế duỗi thì tiếp tục sủa cho đến khi người chủ thay đổi tư thế.

Câu chuyện thứ nhất và thứ hai cho chúng ta thấy các giác quan của một người bình thường có thể thay đổi độ nhạy tùy theo các điều kiện môi trường. Đây là cách thức não bộ tự điều chỉnh để con người thích nghi với những hoàn cảnh của cuộc sống tự nhiên và có biện pháp phòng ngừa chứ không có điều gì huyền diệu ở đây cả Chúng cũng không cần phải được kích hoạt vì chúng đã tồn tại và được lập trình để tự kích hoạt trong các điều kiện đặc biệt.

Cuối cùng, thực hiện được những điều phi thường “bịt mắt phân biệt màu sắc, đọc sách, tô màu, vẽ tranh” để làm gì khi chúng ta đang sở hữu “cửa sổ tâm hồn”. Chúng ta có thể thực hiện những việc trên khi bịt mắt hiệu quả hơn với đôi mắt mở to chăng? Tại sao chúng ta phải rèn luyện để sống cuộc sống của người khiếm thị khi chúng ta có thể nhìn thế giới? Nếu biện pháp này hữu hiệu như vậy, hãy dành để dạy cho những trẻ em khiếm thị có thể sống cuộc sống giống như những đứa trẻ sáng mắt.

phuong phap kich nao bo cho tre chua duoc tham dinh ve chuyen mon
Các bé phải thực hiện việc nhắm mắt vẫn phải tô màu vào tranh?

Phóng viên: Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, phương pháp giáo dục này đang đi ngược với quy luật tự nhiên, với vị trí là một chuyên gia trong lĩnh vực này, anh có đánh giá như thế nào?

Tiến sĩ Trần Thành Nam: Sự phát triển não bộ của đứa trẻ phát triển theo quy luật và có những giai đoạn “cửa sổ” rất nhạy cảm để phát triển một năng lực nào đó của đứa trẻ. Chẳng hạn sau khi sinh vài ngày mà đứa trẻ không được tiếp xúc với ánh sáng thì có thể mất thị lực. Trong một giai đoạn cửa số khác nếu đứa trẻ không được nhìn sự vật bằng cả hai mắt thì chúng sẽ vĩnh viễn mất năng lực nhìn ba chiều (nhìn nhận ra chiều sâu).

Giai đoạn “cửa số” về ngôn ngữ (bắt đầu khoảng 2 tuổi), với những đứa trẻ không được tiếp cận với những kích thích ngôn ngữ như những đứa trẻ bị lạc trong rừng do sói nuôi sẽ mất khả năng ngôn ngữ dù về sau người ta có tìm mọi cách để dạy ngôn ngữ cho đứa trẻ đó. Quá trình giáo dục phát triển phải theo một quy trình từ từ không đốt cháy giai đoạn. Chính vì vậy mà chúng ta mới có các mốc chuẩn phát triển dành cho lứa tuổi đang được chính phủ ban hành (VD như chuẩn phát triển 5 tuổi).

Nếu có một phương pháp nào thúc đẩy nhanh sự phát triển của trẻ, nhà tâm lý Vưgôtxky đã chỉ ra chỉ có thể tập trung vào “vùng phát triển gần nhất” của từng cá nhân. Vùng phát triển gần nhất là vùng năng lực mà đứa trẻ đạt được dựa trên những nền tảng hiện tại. Như vậy, những chương trình giáo dục tài năng không thể cùng một quy trình cho mọi trẻ với những nền tảng khác nhau được mà phải cá nhân hóa dựa theo đặc điểm khí chất, nhân cách từng người.

Với những phương pháp như kích thích não, chúng ta cũng nên nghĩ đến những nguy cơ trẻ lớn lên với hình dung ảo về những năng lực “phi thường” của mình. Các em sẽ trở thành những người không thực tế hoặc có nhiều lo lắng, ám ảnh về những năng lực này. Hơn nữa, các em có thể sử dụng những năng lực “phi thường”của mình vào những mục đích vụ lợi không phục vụ lợi ích của xã hội.

phuong phap kich nao bo cho tre chua duoc tham dinh ve chuyen mon
Dù phương pháp này trên thế giới không tồn tại nhưng tại Việt Nam đang có xu hướng nở rộ

Phóng viên: Xã hội phát triển, dĩ nhiên phải có những cách giáo dục mới, vậy chúng ta có thể thực hiện những biện pháp nào để giúp trẻ tăng khả năng sáng tạo, tập trung mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ thần kinh và vẫn theo đúng quy trình tự nhiên?

Tiến sĩ Trần Thành Nam: Phương pháp khoa học để thúc đẩy sự phát triển não bộ không phải là việc hạn chế hoặc loại trừ một giác quan nào đó trong quá trình tiếp cận với thế giới như bịt mắt nhận diện số, màu sắc. Các nhà tâm lý, giáo dục cho rằng cách thúc đẩy sự phát triển não bộ tốt nhất là tăng cường những kích thích phù hợp vào những giai đoạn phát triển “cửa số” của trẻ và khuyến khích trẻ trải nghiệm những kích thích này với “đôi mắt tò mò mở to” (ý tôi muốn nói là huy động tất cả các giác quan để trải nghiệm tình huống sáng tạo theo cách riêng của mình).

Sự thông minh, khả năng sáng tạo thường được đánh giá bằng sự kết nối đa dạng các nơron thần kinh, các hệ mã hóa trên não. Vì vậy, tùy năng lực và thiên hướng của trẻ, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con được tiếp cận với càng nhiều hoạt động trải nghiệm, các hệ mã hóa như các môn học về ngôn ngữ, ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa (màu sắc) càng tốt.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.