Các lớp học kích hoạt não đã vi phạm về mặt lý luận khoa học
Trao đổi với phóng viên, GS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng việc một số trung tâm quảng cáo có thể đào tạo ra những thiên tài bằng phương pháp kích hoạt não cho trẻ em chỉ là điều hoang tưởng.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam (Ảnh: NVCC). |
"Trẻ bị bịt mắt mà vẫn có thể cảm nhận được màu sắc, hình khối sự vật, thậm chí, trẻ biết bố mẹ đang làm gì, ở đâu chỉ sau một khóa học ngắn ngày như vậy là thiếu căn cứ”, GS Phú nói.
Theo GS Phú, để hình thành nên một con người hoàn chỉnh thì phải hội đủ ba yếu tố: Đặc điểm sinh học; các trạng thái tâm lý, tư tưởng; các yếu tố xã hội. Trong đó, yếu tố xã hội chính là các tác động từ môi trường sống bên ngoài vào trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của một con người.
Ông Phú khẳng định, các lớp học kích hoạt não đã vi phạm về mặt lý luận khoa học: "Họ chỉ chú trọng đến bộ não bằng cách tạo ra các kích thích vào tâm lý, tinh thần của trẻ. Khi ấy, họ đã vô tình bỏ qua các yếu tố xã hội tác động đến con người".
GS Nguyễn Ngọc Phú một lần nữa nhấn mạnh không thể đào tạo ra được những thiên tài thông qua các lớp học kích hoạt não.
Ông Phú dẫn chứng, vào năm 1974 có một sinh viên của Nga là có khả năng đặc biệt thực sự. Khi đó, dưới sự chứng kiến của hơn 300 nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực, anh này bị bịt hai mắt, đưa tay vào một chiếc túi đựng trong đó những tờ giấy in các chữ cái tiếng Nga. Dù chỉ cảm nhận nhưng anh này vẫn có thể đọc được đúng các chữ cái đó khiến nhiều người khâm phục. Từ đó đến nay, đây là trường hợp duy nhất trên thế giới về khả năng bịt mắt đoán chữ được giới khoa học công nhận.
“Phụ huynh nào cũng muốn con mình tài giỏi, nhưng không còn con đường nào khác là phải để các cháu tự học hỏi, khổ luyện thành tài và phải học theo chương trình được Nhà nước thẩm định, có thể vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Phụ huynh nên cẩn trọng trước khi cho con theo học các lớp đào tạo về khả năng đặc biệt nào đó”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú nói thêm.
Phụ huynh cũng đặt nghi vấn
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thùy Trang (SN 1983, ở Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 2 cho biết, ban đầu khi nghe thông tin và video giới thiệu về phương pháp kích hoạt não trên mạng, chị cũng bị thu hút và tò mò.
Hình ảnh tại một lớp học kích hoạt não trẻ em (Ảnh: TG). |
“Sau khi tìm hiểu kỹ qua báo chí, tôi nhận thấy đây là phương pháp khác thường và lo lắng nếu đưa con mình đi học các lớp học này. Đối với lứa tuổi tiểu học, việc các cháu học kiến thức trên lớp đã đủ mệt mỏi, lại thêm phương pháp này thì càng phải suy nghĩ. Tôi không muốn tạo áp lực cho con, nhất là khi nó chưa được Nhà nước cấp phép và khoa học chứng nhận”, chị Trang nói.
Còn theo chị Trần Hồng Hạnh (SN 1978, ở Phú Xuyên, Hà Nội) bộc bạch: “Vợ chồng tôi quan niệm nên để cho các cháu được phát triển tự nhiên. Tôi có hai cháu sinh đôi đang học lớp 3 và không bao giờ tạo áp lực học cho các cháu cả. Chỉ cần học các kiến thức cơ bản trên lớp, về nhà ngoan ngoãn với người lớn và biết nghe lời là quá đủ. Tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ muốn con mình phải trở thành các thần đồng để nổi tiếng cả”.
Theo chị Hạnh phương pháp kích hoạt não quá viển vông. Phụ huynh cần phải dựa vào khả năng của con mình tới đâu để lựa chọn phương pháp dạy cho phù hợp. Chị Hạnh cũng cảm thấy khó hiểu khi không một đơn vị nào chứng nhận phương pháp này, nhưng nhiều người vẫn cho con theo học.
Thời sự 03:03 | 16/12/2016
Thời sự 03:42 | 09/12/2016
Thời sự 23:36 | 30/11/2016