Như đã thông tin, thời gian gần đây, một số trung tâm giáo dục mở lớp với tên gọi “kích hoạt não” cho trẻ em với quảng cáo hấp dẫn như, khi trẻ tham gia các khóa học này, các em sẽ trở thành "siêu nhân", làm được những việc siêu phàm như: Bịt mắt lại vẫn phân biệt được màu sắc, học lớp 1 nhưng có thể vận dụng giải toán cấp 3…Kèm theo quảng cáo là hình ảnh các em nhỏ đang...dùng tay phân biệt màu sắc, chữ viết.
Các lớp học "siêu giác quan" được quảng cáo là sẽ giúp các em nhỏ "kích hoạt não giữa" và nhắm mắt lại vẫn có thể làm được nhiều việc. |
Những kết quả "đặc biệt" khi tham gia lớp học này đã thu hút sự chú ý của nhiều bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ không ngần ngại bỏ tiền để con tham gia khóa học "trở thành siêu nhân" này.
Chia sẻ về việc "kích hoạt não" để trẻ có những "siêu giác quan", Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, bộ não của con người sẽ tiếp thu một cách từ từ, đúng quy trình từ đó mới giúp trẻ trưởng thành đúng quy luật. Vì thế, việc bố mẹ đưa con mình đến các lớp tập huấn để trở thành “siêu nhân”, làm những việc hơn người sẽ khiến bộ não của trẻ phải hoạt động trái quy luật tự nhiên, não bộ phải hoạt động sai nguyên tắc.
“Các em nhỏ được tập huấn kích bán cầu não sẽ biến mình trở thành những con người lập dị, không hoà nhập với cộng đồng, bởi các em sẽ luôn nghĩ rằng mình có khả năng hơn người… Theo tôi, đây là phương pháp thiếu cơ sở khoa học. Nếu cha mẹ bắt con học những lớp này sẽ gây ra áp lực cho trẻ khiến trẻ bị suy nhược cơ thể và trầm cảm”, ông Cương cho hay.
Ông Cương cho biết thêm, đến nay chưa có bằng chứng nghiên cứu về tính hiệu quả của phương pháp kích bán cầu não đến sự thành công hay năng lực vượt trội của những đứa trẻ được luyện tập phương pháp này trong tương lai. Do đó, phụ huynh đưa con em mình tham gia các lớp huấn luyện kích bán cầu não là một việc làm vô cùng sai lầm.
Hình ảnh một lớp "kích hoạt não" ở Hà Nội |
Đồng quan điểm PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, não bộ của trẻ phát triển theo quy luật, quá trình giáo dục phát triển phải theo một quy trình từ từ, không được đốt cháy giai đoạn.
“Đối với những trẻ chậm phát triển về não bộ hay trẻ phát triển toàn diện thì phải dạy cho phù hợp, dựa theo đặc điểm khí chất, nhân cách từng trẻ”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng nói.
Để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra với trẻ em, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, tùy năng lực và thiên hướng của trẻ, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con được tiếp cận với càng nhiều hoạt động trải nghiệm về ngôn ngữ, ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa (màu sắc) càng tốt nhưng phải từ từ, tuyệt đối không được đốt cháy giai đoạn.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay bộ này đã nhận được những thông tin liên quan tới các lớp học kích hoạt não mà báo chí đề cập thời gian gần đây. Theo đó, Thứ trưởng Ga khẳng định: “Bộ GD&ĐT chưa cấp phép cho bất kỳ lớp học nào như vậy. Bộ đã yêu cầu cơ quan đại diện phía Nam nắm bắt tình hình và báo cáo Bộ để có phương án xử lý”. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, tất cả phương pháp áp dụng giáo dục phải được nghiên cứu kỹ và được cơ quan quản lý cấp phép. Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi gây hậu quả tại hại tới sự phát triển tự nhiên của trẻ em. |
Thời sự 03:03 | 16/12/2016
Thời sự 03:42 | 09/12/2016
Thời sự 23:36 | 30/11/2016