Trẻ học ‘kích hoạt não giữa’ có thể dẫn đến tự cắt bỏ bộ phận cơ thể | |
2 bộ vào cuộc kiểm tra việc ‘kích hoạt não’ trẻ | |
Tận mục lò 'kích hoạt não giữa', 'đánh thức thiên tài' |
Chuyên gia tâm lý: Phụ huynh đang đặt niềm tin sai chỗ!
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc trung tâm hướng nghiệp, kỹ năng sống đã có những chia sẻ quanh việc phụ huynh đưa con đến với các lớp kích hoạt não dù học phí cho hai ngày học không hề là con số dễ chịu với nhiều người.
Theo Th.S Huỳnh Anh Bình: “việc phụ huynh đầu tư cho con cái học tập trên lớp cũng như một số kỹ năng khác là hoàn toàn hợp lý, giúp các em có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn hơn. Nhưng việc phụ huynh sẵn sàng bỏ số tiền lớn (9tr học 2 ngày) để đầu tư vào lớp này cho con là mơ hồ, không đáng giá. Vì sao ư? Phụ huynh, các bậc làm cha mẹ chưa kiểm định được giáo viên hướng dẫn có thể nhận biết đúng hay không (màu sắc, đồ vật), vậy mà dám giao con cho những người này?”. Th.S Huỳnh Anh Bình cũng cho rằng việc nhiều cha mẹ sẵn sàng chi mạnh tay đầu tư cho con có thể coi là xu thế đám đông, không muốn con thua ai hết, nhưng có lẽ niềm tin đã đặt sai chỗ.
Phụ huynh đang đặt niềm tin sai chỗ ở những lớp học có giá "trên trời" này. |
Cha mẹ ngày nay có điều kiện nên luôn muốn tìm những khóa học tốt nhất đầu tư cho con mình. Những khóa học với chi phí cao cùng những lời quảng cáo có cánh “con anh chị sẽ thành thiên tài”, “con anh chị sẽ là đứa trẻ thông minh vượt bậc”, “hãy khai thác và phát huy tối đa năng lực của con”,... khiến nhiều người không ngại móc hầu bao chi trả cho con. Thế nhưng, với những lớp học như kích hoạt não, đây lại là minh chứng cho việc không phải đầu tư nào cũng đặt đúng chỗ và đem lại hiệu quả.
“Việc để bé nhắm mắt đoán đồ vật dễ gây những ảo tưởng về năng lực bé, khiến bé tự tin thái quá. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến bé, đây là nỗi lo chính xác, phụ huynh cần cân nhắc, nói chuyện cho con biết, cần phân tích cho bé hiểu rằng bé cảm nhận được đồ vật, màu sắc thì bạn bè, người khác cũng làm được, tránh để bé tự kiêu, tự mãn về bản thân. Ngoài ra xin chia sẻ với quý bậc phụ huynh cần tìm hiểu đúng , rõ nơi con em mình sắp theo học, tránh việc “tiền mất tật mang” không đáng có”, Th.S Huỳnh Anh Bình nhấn mạnh.
Hãy thương lấy con mình!
Đó là lời chia sẻ của ThS. Phạm Thị Lan Anh, giảng viên Đại học Y dược TP HCM khi nói đến lớp học đang gây nhiều bàn cãi suốt những ngày qua. “Bản thân mình cũng đang là mẹ của 2 nhóc 4 tuổi rưỡi và 2 tuổi. Đứng ở góc độ phụ huynh, mình nghĩ chuyện cha mẹ đầu tư cho con không có gì là sai, nhất là khi điều kiện kinh tế gia đình khá giả. Tuy nhiên, phụ huynh cần cân nhắc xem lớp học có thực sự chất lượng và đem lại hiệu quả cho con mình không hay đang hại con. Với lớp học này, hàng loạt những hệ lụy đã được cảnh báo như: trẻ ảo tưởng về năng lực của mình, bị áp lực về năng lực đó. Cha mẹ đầu tư cho con nên thận trọng về việc sẽ thu được hiệu quả hay lại là hậu quả”, chị Lan Anh cho biết.
Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên tiểu học cũng đã rất bức xúc khi tìm hiểu thông tin về những lớp học này. Nhiều năm trong nghề, gắn bó cùng học sinh tiểu học độ tuổi 6 đến 10 tuổi, cô cho biết: “Lớp học này khiến các bé ảo tưởng về sức mạnh. Tôi là giáo viên tiểu học nên tiếp xúc với nhiều phụ huynh và biết rất rõ, có nhiều người yêu con quá nên rất cuồng con”. Theo cô Hòa, nhiều cha mẹ cho rằng con mình có tài, con đặc biệt và những lớp học quảng cáo “biến con bạn thành thiên tài” này cũng nắm bắt được tâm lý của những phụ huynh đó. “Nhiều phụ huynh có điều kiện sẵn sàng cho con đi học để khoe con, gieo vào đầu con hai chữ “tài năng”, “đặc biệt” khiến các bé ảo tưởng về bản thân. Rất tội các em! Tôi tự hỏi học như thế để áp dụng vào cái gì?”, cô giáo tiểu học nhận xét.
Để trẻ được vui chơi ngoài trời với những trò chơi vận động, sáng tạo thay vì tìm đến những lớp học khiến con ảo tưởng về năng lực của mình. |
Độ tuổi mầm non 4,5 tuổi cũng được xem là độ tuổi bé chỉ vui chơi, ngoan ngoãn nhưng với việc cho rằng đầu từ vào “giai đoạn vàng” này ở trẻ bằng kích hoạt não, nhiều phụ huynh thực sự đang mắc sai lầm. Cô Phạm Thu Phương, giáo viên mầm non trên địa bàn Q. Bình Thạnh cho biết: “Đem những bé mới 4, 5 tuổi để cho con “kích hoạt não” như vậy thực sự rất tội cho các con. Tôi thấy có nhiều phụ huynh nhiều tiền, chỉ cần cho con đi học để khoe đẳng cấp mình”.
Đứng ở góc độ một giáo viên mầm non, được đào tạo để đồng hành cùng trẻ trong “giai đoạn vàng”, cô Phương cũng thẳng thắn cho biết với giáo viên mầm non như các cô, kích hoạt não trẻ, giúp trẻ thông minh năng động được áp dụng trên lớp thông qua việc tổ chức những trò chơi cho bé như: lắp ráp, xâu vòng, rèn tính tập trung, hát múa, kể chuyện, tô màu...
“Tôi nghĩ phụ huynh thương con nên dành thời gian cùng con những việc đó sẽ hiệu quả hơn”, cô Phương chia sẻ.