À! Thì ra, muốn gia đình hạnh phúc thì vợ phải biết ‘hư’!

Nói đến đây, hẳn các cô các chị giãy nảy lên: “Làm mẹ, làm vợ mà hư là hỏng hết, xấu mặt liệt tổ liệt tông, quan viên hai họ, có khi chồng lót lá chuối vứt ra ngoài đường!”. Khoan khoan các chị, để tôi kể cho mà nghe chuyện đàn bà ‘hư’ họ hạnh phúc thế nào cho các chị nghe...

Trước khi đàn bà biết cách “hư”, hẳn nhiên là đàn bà rất ngoan, hoặc tưởng mình ngoan. Đàn ông bây giờ khôn lắm, yêu thì cứ chọn mấy cô nóng bỏng, biết chơi bời, biết đủ thứ, nhưng lấy về làm vợ thì các ông chỉ chọn gái ngoan, con nhà đàng hoàng, công dung ngôn hạnh vẹn toàn, và nếu vừa ngoan lại vừa xinh nữa thì các anh “bịt hậu, chặn tiền” nhà các cô, phải lấy cho bằng được thì thôi! Gái ngoan có giá lắm chứ đùa đâu.

a thi ra muon gia dinh hanh phuc thi vo phai biet hu
Gái ngoan luôn có giá, nhưng gái ngoan có được hạnh phúc hay không thì chưa biết... (Ảnh: Kites)

Tôi thì vẫn cổ vũ nhiệt liệt gái ngoan, hư thì dễ chứ kìm chế để không hư thì khó vô cùng, nhất là ở thời buổi hiện đại, mở cửa nhà ra làm cám dỗ vỗ vào mắt, nào thì Soái ca ngôn tình đẹp như tranh, nói như rót mật, nào thì nắm tay anh một cái là đi khắp thế gian, nào là em chỉ cần yêu anh thôi, còn thế giới cứ để anh lo... Đủ thứ tuyên ngôn của quân tử (và ngụy quân tử) mời mọc các cô gái ngoan bước vào đời. Bởi thế, nếu chống lại được cái bả cám dỗ ấy, hẳn các cô vừa ngoan lại vừa bản lĩnh, tôi phục lăn!

Ấy thế mà, nhiều khi ở đời cứ tưởng thế mà không phải thế, cứ tưởng là ngoan thì sẽ có quà thế mà nhiều khi gái ngoan lại nhận toàn trái đắng.

Tôi có tham gia vào một hội nhóm các chị em trên mạng xã hội, diễn đàn này có vài trăm nghìn thành viên với đủ nỗi tâm tư sâu kín về chuyện làm vợ, làm mẹ, về các câu chuyện đối nhân xử thế ở đời. Có rất nhiều chị em kể về nỗi cay đắng của một gái ngoan khi lấy chồng, nào thì là bị chồng phụ bạc, vũ phu, lấy chồng về bị đối xử không khác gì ô sin không công, bị cả nhà chồng hắt hủi, nào thì là phụ nữ thông minh xinh đẹp không bằng may mắn, nào thì là vì “ngoan” quá không biết “chiều” chồng nên chồng đi với gái, nào thì là chồng hãm tài để các chị phải gồng gánh cả gia đình... Tựu chung lại tôi thấy, các chị ngoan quá thì rất khổ chứ không phải khổ đơn thuần đâu ạ!

Vì sao các chị cho rằng phụ nữ ngoan là phải hi sinh cho gia đình?

Phần nhiều các chị tự mặc định cho mình cái ý niệm là phụ nữ phải biết vun vén, hi sinh cho gia đình, và thế là các chị lao động quần quật như tù khổ sai để được vinh danh dâu thảo, vợ hiền. Các chị ạ, mái ấm sẽ chẳng là mái ấm nếu như chỉ có một mình người phụ nữ vun đắp, người chồng thì bới ra hoặc bỏ lơ. Các chị hay đổ lỗi cho hôn nhân, khi yêu thì lãng mạn, lấy nhau về mới thấy đủ thứ bẽ bàng, tôi thì cho rằng hôn nhân chẳng có tội, chỉ là khi chúng ta đối xử với nó thế nào thì nó sẽ trả lại chúng ta y nguyên như thế.

a thi ra muon gia dinh hanh phuc thi vo phai biet hu
Nhiều vợ ngoan chấp nhận hi sinh sự nghiệp riêng để chăm sóc gia đình, nhưng lại nhận được nhiều "quả đắng" (Ảnh: Vitalk)

Các chị sau hôn nhân thường chăm chồng kĩ như chăm con, thiếu mỗi đeo yếm dãi để đút cơm vào mồm chồng, các chị nghĩ thế là mình đảm, mình ngoan, là chồng sẽ trân quý mình ư? Các chị nhìn lại mình xem, cái mái tóc xơ xác kia từ khi lấy chồng còn chưa bao giờ ra tiệm để nhuộm, để uốn? Cái đống mĩ phẩm từ thời con gái mốc cả lên rồi cũng không thấy lôi ra tô ít son cho đôi môi đỡ nhạt? Suốt ngày chơi nguyên bộ đồ ngủ đi từ chợ đến trường đón con, lại phi ra công viên tiện thể dạo phố với chồng, “thơ mộng” như thế hỏi sao chồng không chán? Các chị nhìn vào gương mà xem, có khi chính các chị còn chán mình nữa là!

Chúng ta khi thất bại thường tìm cách đổ lỗi cho người khác mà ít khi thấu đáo nhìn lại xem mình sai ở đâu. Bởi vậy, nên các chị mới hay tự nghĩ là bản thân mình phải hi sinh cho người khác mới là đúng “chuẩn” vợ ngoan.

a thi ra muon gia dinh hanh phuc thi vo phai biet hu
Vợ "hư" chọn cách sống độc lập và tự chủ trong hành vi và suy nghĩ, vì thế mà họ hạnh phúc (Ảnh: Kites)

Vợ “hư” họ không thế! Họ được dạy hoặc tự dạy là phải biết yêu bản thân trước khi yêu thương người khác. Khái niệm yêu bản thân được hiểu là biết trân trọng những giá trị của chính bản thân mình, tự tôn lấy mình trước khi yêu cầu người khác phải tôn trọng họ. Vợ “hư” có công việc kiếm ra tiền, họ chủ động có quỹ đen để làm “quỹ phòng chống phản bội trong hôn nhân”, họ tự dạy mình bài học hôn nhân “tin thì tin nhưng phần nghìn cảnh giác”, họ yêu chồng chẳng kém vợ ngoan nhưng họ không trao cả cuộc đời mình cho chồng, cho con. Họ coi gia đình là một phần của cuộc đời bên cạnh những giá trị mà họ đang theo đuổi: Công việc, văn hóa sống, bạn bè, và cả những nỗi niềm của riêng họ.

Họ không phải là người quá giàu có nhưng họ không tiếc tiền khi mua cho bản thân một chiếc váy mà họ thích, tiền họ làm ra họ có quyền tiêu cơ mà. Họ có thể điện thoại rủ bạn bè đi cà phê vào ngày cuối tuần và giao cho chồng việc trông con vào ngày hôm ấy thay vì lủi thủi ở nhà dọn dẹp rồi chờ lão chồng say khướt về để bưng bô, hầu hạ trong sự ức chế và chịu đựng đến khôn cùng.

Họ - vợ "hư" biết cách cư xử với mọi người, biết “đanh đá” đúng mực, biết phân định đúng sai ở đời, biết cầm những thứ quý giá trong tay nhưng cũng có thể buông ngay nếu nó không con thuộc về mình nữa.

Họ - vợ "hư" không nói xấu mẹ chồng, họ coi mẹ chồng như bạn, cư xử như hai người trưởng thành với nhau, rành rọt và chí lí. Họ không đôi co với những người không biết lí lẽ, dù đó là mẹ chồng hay chồng thì cũng thế. Bản thân họ luôn ý thức được cái “Tôi” của mình, và nếu họ chọn phải hi sinh cho một điều gì đó, thì chỉ có thể là cho đứa con của họ mà thôi.

Những người vợ “hư” mà tôi thấy, hầu như họ có đời sống hôn nhân khá hạnh phúc, họ không cố giữ chồng, mà chồng lại cứ lo mất họ mới tài. Họ biết cách cho đi đúng nghĩa, biết từ bỏ khi không còn phù hợp và dám nhìn vào thất bại của hôn nhân để cho mình vài bài học. Họ khiến tôi nhận ra, à thì ra muốn gia đình hạnh phúc thì vợ phải học được cách “hư” như thế. Nếu đã học được cách "hư" rồi mà vẫn chưa hạnh phúc, thì chí ít phụ nữ vẫn có thể an nhiên trong cõi tự tại của chính mình...

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.