ACV hi vọng không lỗ trong năm 2020 dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Tổng giám đốc ACV cho biết, "trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, ACV đặt mục tiêu cố gắng không lỗ trong năm 2020, nhưng cũng là thách thức rất lớn".

Sáng nay (26/6), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 và các nội dung quan trọng khác.

Hi vọng không lỗ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi

Tại đại hội, Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc cho biết, đại hội năm nay diễn ra trong bối cảnh hoạt động hàng không và du lịch toàn thế giới đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 

Riêng tại Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong quí I giảm 19% so với cùng kì năm trước, quí II giảm tới 72%. Trong đó, lượng khách quốc tế, quí I giảm 35%, quí II giảm 99%.

Trước tình hình này, năm 2020, ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu năm nay đạt 11.317 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.007 tỉ đồng; lần lượt giảm 38% và 80% so với kết quả thực hiện năm 2019. 

Tổng hành khách qua 21 cảng hàng không của ACV năm nay ước tính đạt 69,2 triệu lượt, giảm 41% so với năm 2019; tổng hàng hóa – bưu kiện dự kiến đạt 1,344 triệu tấn, giảm 13%; cất hạ cánh 531.000 lượt, giảm 29%.

Kế hoạch được đưa ra trên cơ sở giả định Việt Nam sẽ mở cửa quốc tế trong quí III/2020, trong đó, doanh thu tài chính chiếm đến 1.955 tỉ đồng trong tổng doanh thu.

Ông Phiệt cũng cho biết, "trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, ACV đặt mục tiêu cố gắng không lỗ trong năm 2020, nhưng cũng là thách thức rất lớn"

Trong kịch bản lạc quan nhất, khi Việt Nam có thể mở cửa quốc tế trong quí III năm nay, lợi nhuận từ các hoạt động cốt lõi của ACV có thể phấn đấu đạt mức 50-52 tỉ đồng".

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sở hữu 95,4% vốn điều lệ của ACV, mục tiêu này vẫn rất khó có thể hoàn thành.

Hiện doanh thu quốc tế chiếm trên 60% doanh thu của ACV, do đó dù thị trường nội địa đã phục hồi từ tháng 3 năm nay, nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi của ACV vẫn ghi nhận lỗ khi tổng doanh thu nội địa tháng 6 chỉ khoảng 480 tỉ đồng không thể bù đắp nổi mức chi phí khoảng 600 tỉ đồng.

Lãi gần hai nghìn tỉ trong quí đầu năm

Riêng trong quí I/2020, ACV ghi nhận lãi trước thuế 1.927 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kì năm ngoái, trong đó, phần tiền lãi ngân hàng đóng góp 1/3 mức lợi nhuận này.

Dù vậy, ACV vẫn may mắn hơn các hãng hàng không Việt Nam. Tổng Công ty hàng không Việt Nam (sở hữu ba hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vasco) ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất hơn 2.600 tỉ đồng trong quí I; Bamboo Airways - hãng bay của Tập đoàn FLC - lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng; Vietjet Air lỗ 989 tỉ đồng.

Đẩy mạnh cắt giảm chi phí

Theo đề xuất của bà Nguyễn Thị Phú Hà, việc từ tháng 3 vừa qua, thị trường nội địa đã dần khôi phục, thậm chí tổng lượng hành khách còn vượt cùng kì của những năm trước nhưng ACV vẫn ghi nhận lỗ hàng trăm tỉ đồng, cho thấy công ty cần xem xét lại việc kiểm soát các chi phí.

Theo tờ trình ĐHĐCĐ, HĐQT đã đề xuất giảm tổng quĩ lương, thưởng của ban lãnh đạo ACV 36% từ 24,5 tỉ đồng năm 2019 xuống còn 15,7 tỉ đồng trong năm 2020.

Bên cạnh đó, ACV cũng muốn bảo tồn quĩ tiền mặt trong năm 2020 bằng việc thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỉ lệ 9%. Dự tính sau khi trả cổ tức, vốn điều lệ của ACV sẽ tăng từ 21.772 tỉ đồng lên 23.731 tỉ đồng.

Ông Phiệt chia sẻ thêm, trong suốt thời gian qua ACV đã cố gắng cắt giảm chi phí bằng mọi cách, bao gồm cả việc dùng máy phát điện trong thời điểm giá dầu lao dốc và sẽ tiếp tục thắt chặt chi phí trong năm 2020.

Đầu tư gần 55.000 tỉ trong năm 2020

Ban lãnh đạo cho biết, năm nay ACV sẽ dồn lực đầu tư với tổng mức đầu tư các dự án xây dựng, mua sắm trang thiết bị là 54.897 tỉ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư trong năm 2020 là 3.980 tỉ đồng.

Theo đó, trong năm nay ACV tiếp tục thực hiện các thủ tục để triển khai các bước tiếp theo của dự án  Đầu tư xây dựng cảng HKQT Long Thành – GĐ1.

Bên cạnh đó, công ty tiếp tục triển khai các dự án theo tiến độ kế hoạch như Nhà ga hành khách T2 tại Cảng hàng Không Phú Bài (Huế), Nhà ga hành khách T3 của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Mở rộng Nhà ga T2 của Cảng HKQT Nội Bài, các dự án cải tạo, mở rộng Nhà ga quốc nội tại Tân Sơn Nhất, Mở rộng nhà ga hành khách T1 tại Đà Nẵng và Nhà ga hành khách tại Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột, Pleiku.

ACV trông chờ mở lại đường bay quốc tế, hi vọng không lỗ trong năm 2020 - Ảnh 1.

Tàu bay Eva Air và Jetstar Pacific tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài do ACV quản lí. Ảnh: Song Ngọc

Thảo luận: 

Cổ đông: Dự báo kết quả kinh doanh quí II như thế nào? ACV có dự định chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khác trong ngành?

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc: Dự kiến quí II, hoạt động kinh doanh cốt lõi của ACV sẽ lỗ khoảng 400 tỉ. Trong kịch bản Việt Nam mở cửa quốc tế từ quí III, công ty kì vọng mức lơi nhuận này có thể đạt khoảng 50- 52 tỉ. 

Về việc chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khác: ACV sẽ thực hiện theo các chủ trương kích cầu của chính phủ, tuy nhiên, sẽ trên cơ sở "lá rách ít đùm lá rách nhiều", và cố gắng để mình không "bị rách thêm"

Cổ đông: Công ty sẽ cắt giảm chi phí bằng cách nào?

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc: Ngành nghề hoạt động của ACV khác so với các ngành nghề còn lại về chi phí cố định thường xuyên, do cảng hàng không luôn phải mở dù chỉ tiếp đón một hành khách. Tuy nhiên, trong thời gian qua ACV đã cắt giảm được 3% chi phí này.

Công ty sẽ tiếp tục dùng mọi phương án để cắt giảm nhiều hơn khoản chi phí bao gồm việc tái cơ cấu nhân sự và cải thiện năng lực quản lí, dù vậy đến nay ACV chưa có kế hoạch cắt giảm nhân sự và không muốn phải thực hiện đến phương án này.

Ban lãnh đạo có quên kế hoạch chuyển sàn HOSE?

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc: Việc niêm yết lên sàn HOSE luôn là trăn trở của ban lãnh đạo, tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn đang vướng mắc các vấn đề liên quan đến cơ chế khu bay. Bên cạnh đó, việc vẫn có ý kiến ngoại trừ trong khoản phải thu, phải trả trên báo cáo tài chính khiến cho ACV chưa thể đáp ứng yêu cầu theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán.

ACV hi vọng các vấn đề này có thể tháo gỡ và thực hiện chuyển sàn trong năm 2020.

Tiến độ bồi thường ở Dự án sân bay Long Thành và quy mô của sân bay này trong tương lai?

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc: Đối với dự án này, ACV chỉ mới nộp báo cáo khả thi , chưa phải chủ đầu tư chính thức, nếu Sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ chiếm khoảng 85% tổng lương hành khách quốc tế.

Hiện công ty đang trong quá trình chờ được cấp phép sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ nhất có thể, tuy nhiên việc này sẽ diễn ra trong cảnh "vừa chạy vừa xếp hàng" khi các thủ tục về đất đai, giấy phép sẽ luôn cần nhiều thời gian.

Đề nghị công ty chia sẻ về lưu lượng hành khách qua cổng nội địa trong thời gian qua, công ty có dự định giảm phí BSC trong tương lai?

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc: Trong tuần gần đây, ACV có khoảng 1,5 triệu hành khách nội địa, tuy nhiên, doanh thu mang lại từ thị trường nội địa không thể bù đắp nổi chi phí thường xuyên của công ty.

Phí BSC nội địa của ACV đang ở mức thấp hơn so với khu vực, còn phí BSC quốc tế phụ thuộc vào từng sân bay và theo qui định cơ quan quản lí nhà nước. Công ty sẽ xem xét giảm phí này dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh và chủ trương kích cầu của chính phủ.

Tiến độ của hoạt động sửa chữa hai đường băng tại Nội Bài?

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc: Tiến độ của dự án này sẽ được cập nhật bởi bộ giao thông vận tải do việc sửa chữa đang sử dụng vốn nhà nước.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.