Aeon, Central Group, Lotte... đang lên kế hoạch mở rộng tại thị trường Hà Nội

Dưới góc nhìn của CBRE, tỷ lệ trống của các tòa nhà văn phòng Hà Nội thời gian tới sẽ chịu áp lực lớn tới từ sự ảnh hưởng của làn sóng nguồn cung mới. Trong khi đó, bất động sản bán lẻ được dự báo sẽ khởi sắc trong 3 - 5 năm tới khi Aeon, Central Group, Lotte, Toshin Development và các nhà đầu tư lớn khác đang lên kế hoạch mở rộng tại thị trường Hà Nội.

Sáng 4/7 mới đây, CBRE Việt Nam đã tổ chức sự kiện công bố tiêu điểm thị trường bất động sản TP Hà Nội quý II/2023.Tại sự kiện, bà Nguyễn Hoài An Giám Đốc Cấp Cao Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn Phát triển CBRE đã cập nhật về tình hình phân khúc văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội.

Giá thuê văn phòng sẽ ổn định đến hết năm

Trong quý II/2023, thị trường văn phòng Hà Nội ghi nhận thêm một dự án hạng B mới đi vào hoạt động, Vinaconex Diamond Tower, với tổng diện tích thuê hơn 36.000 m2 NLA tại quận Hai Bà Trưng, nâng tổng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội lên đến hơn 1,68 triệu m2 NLA vào cuối quý 2.

Trong đó, các dự án Hạng A chiếm 37% tổng nguồn cung. Trong quý vừa qua, CBRE ghi nhận tỷ lệ hấp thụ ở ngưỡng mức âm, khoảng hơn 5.000 m2 do một số khách thuê thu hẹp diện tích hoặc chuyển tới văn phòng tự sử dụng của đối tác.

Nhóm ngành Công nghệ thông tin là một trong những nhóm ghi nhận hoạt động tích cực trong quý II/2023, chiếm phần lớn, khoảng 57% tổng số giao dịch giao dịch lớn ghi nhận bởi CBRE tại Hà Nội, tiếp sau là nhóm Chứng khoán và Dược phẩm, chiếm lần lượt 14% và 8% lượng giao dịch.

Về mặt bằng giá thuê, giá thuê trung bình văn phòng hạng A được ghi nhận không thay đổi so với quý trước tuy nhiên vẫn tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 26,6 USD/m2/tháng.

Trong khi đó, giá thuê văn phòng hạng B tăng nhẹ do sự góp mặt của nguồn cung mới hạng B, với mức giá trung bình là 14,7 USD/m2/tháng, ghi nhận tăng 0,8% theo quý và tăng 2,7% theo năm.

 Giá thuê và tỷ lệ trống của các toà nhà văn phòng ở Hà Nội. (Ảnh: CBRE).

Về tỷ lệ trống, tỷ lệ trống ở văn phòng hạng A ghi nhận ở mức 28,5%. Do nguồn cung mới đi vào hoạt động, tỷ lệ trống văn phòng hạng B tăng 3,6% theo quý và tăng 5,1% theo năm, đạt 15,5%.

Giá thuê và tỷ lệ trống của văn phòng Hạng A ở Hà Nội nêu trên được ghi nhận bao gồm tòa văn phòng Technopark Tower (là dự án văn phòng nằm ở ngoại thành Hà Nội, ngoài các khu vực văn phòng chính hiện hữu). Nếu không tính dự án này, giá thuê của văn phòng Hạng A đạt mức 29,4 USD/m2/tháng, còn tỷ lệ trống ở ngưỡng 17%.

Trong thời gian tới, thị trường văn phòng Hà Nội được dự kiến sẽ tiếp tục chứng kiến các tòa nhà văn phòng có quy mô đi vào hoạt động trong nửa cuối 2023, với tổng diện tích NLA trên 90.000 m2. Một vài dự án lớn điển hình sẽ khai trương trong năm nay là Lotte Mall West Lake Hanoi, Diamond Park Plaza,...

Trong thời điểm còn nhiều thách thức kinh tế, giá thuê ở cả Hạng A và Hạng B được dự đoán sẽ được giữ ổn định ở mức hiện tại trong năm nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ trống của các tòa nhà hiện hữu cũng được dự đoán sẽ chịu áp lực lớn tới từ sự ảnh hưởng của làn sóng nguồn cung mới này.

Tỷ lệ trống sàn bán lẻ ở trung tâm về gần giai đoạn trước dịch

Tỷ lệ trống sàn bán lẻ ở trung tâm về gần giai đoạn trước dịch. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Trong nửa đầu năm nay, thị trường Hà Nội chào đón một dự án mới là khối đế bán lẻ tòa Lancaster Luminaire ở quận Đống Đa với 6.630 m2 diện tích sàn bán lẻ cho thuê. Tổng diện tích sàn bán lẻ cho thuê tại thị trường Hà Nội hiện tại đạt khoảng 1,08 triệu m2.

Khu vực trung tâm tiếp tục được nhiều nhãn hàng quan tâm giúp tỷ lệ trống giảm và giá thuê cải thiện. Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại khu vực Trung tâm được ghi nhận ở mức 162 USD/m2/tháng, tăng gần 13% trong sáu tháng qua.

Tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm giảm xuống còn 2,6%, về gần với giai đoạn trước đại dịch (thời điểm tỷ lệ trống ở khu vực này rơi vào ngưỡng 1 - 1,5%).

Tại khu vực ngoài trung tâm, giá chào thuê đạt 27 USD/m2/tháng, tương đương mức giá chào thuê cuối năm 2022 nhưng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ trống tại khu vực ngoài trung tâm giảm nhẹ do các nhà bán lẻ tích cực mở rộng kinh doanh, đặc biệt tại khu vực phía Tây và khu vực Ba Đình – Đống Đa. Mặt khác, việc thiếu quản lý chuyên nghiệp đã khiến một số trung tâm thương mại ở khu vực ngoại ô thành phố vắng khách thuê.

 Giá cho thuê mặt bằng tầng trệt tại các dự án có mặt bằng sàn bán lẻ. (Ảnh: CBRE).

Trong hai năm tới, dự kiến với việc diện tích bán lẻ tại các khách sạn cao cấp mới tại Hà Nội đi vào hoạt động ​​sẽ thu hút thêm nhiều thương hiệu cao cấp đến thị trường Hà Nội.

Đến cuối năm 2023, dự kiến Hà Nội sẽ đón nhận thêm gần 97.000 m2 NLA diện tích bán lẻ. Phần lớn các mặt bằng này được phát triển ở khu vực ngoài trung tâm.

Trong đó, đáng chú ý là dự án Lotte Mall Hà Nội ở phía tây Hồ Tây (dự kiến khai trương vào quý III) và dự án Vinaconex Diamond ở phía nam, cung cấp tổng cộng hơn 84.800 m2 NLA diện tích bán lẻ.

CBRE dự đoán mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm sẽ tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống thấp, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng giá thuê sẽ chậm lại sau hai năm tăng trưởng mạnh. Tại khu vực ngoài trung tâm, các mặt bằng được thiết kế tốt do các nhà bán lẻ chuyên nghiệp vận hành sẽ được ưa chuộng.

Các vị trí đắc địa sẽ tiếp tục được săn đón, tuy nhiên trước tình trạng nguồn cung hạn chế tại khu vực trung tâm, các nhà phát triển đang có xu hướng mở rộng sang khu vực ngoài trung tâm, đặc biệt là những vị trí có sẵn quỹ đất, tập trung nhiều dự án văn phòng, khu dân cư quy mô lớn và cơ sở hạ tầng tốt.

Thị trường đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư quốc tế trong thời gian gần đây. Aeon, Central Group, Lotte, Toshin Development và các nhà đầu tư lớn khác đang lên kế hoạch mở rộng tại thị trường Hà Nội và Việt Nam trong vòng 3 - 5 năm tới.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.