Ám ảnh lượng rác thải 'khổng lồ' của thành phố biển Sầm Sơn

Bãi rác của thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã quá tải, là nỗi ám ảnh của người dân địa phương hàng chục năm qua, trong khi chính quyền nơi đây vẫn loay hoay không biết làm cách nào để xử lý hàng chục tấn rác mỗi ngày.

Thành phố Sầm Sơn hiện có một bãi tập kết rác duy nhất đặt ở phường Trường Sơn, sát sông Đơ và cách bãi biển khoảng 1 km. Do bãi rác này đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã xếp bãi rác Sầm Sơn là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần đóng cửa. Tuy nhiên, do bí chỗ đổ rác nên mỗi ngày vẫn có tới hàng chục, thậm chí cả trăm tấn rác, được tập kết về đây.

Núi rác khiến dân khốn khổ

Men theo con đường dẫn vào bãi rác mới thấy hết được nỗi thống khổ và sức chịu đựng của người dân nơi đây suốt bao năm qua. Rác tập kết về đây cao như núi, không được phân loại xử lý mà chất thành từng đống khổng lồ, bốc mùi hôi thối nồng nặc, rỉ nước thải đen ngòm, ruồi nhặng bâu kín...

Ám ảnh lượng rác thải 'khổng lồ' của thành phố biển Sầm Sơn - Ảnh 1.

Núi rác ở Sầm Sơn quá tải nhiều năm qua khiến người dân khốn khổ.

Ông Nguyễn Tùng (trú phường Trường Sơn) bức xúc: “Gần 10 năm qua chúng tôi đã phản ánh tới các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm từ bãi rác, thế nhưng chính quyền cứ hứa sẽ di chuyển bãi rác từ năm này sang năm khác, đến giờ bãi rác vẫn chưa thấy đóng cửa, xe rác thì ngày nào cũng đi hàng đoàn vào đổ rác. Nhiều gia đình ở đây không chịu được ô nhiễm đã đóng cửa bỏ nhà đi thuê nơi khác ở, ruộng đồng cũng bỏ hoang do không thể canh tác được”.

Do bãi rác đã quá tải nên nước thải đen ngòm chảy tràn cả vào đồng ruộng, ao cá của người dân ảnh hưởng tới việc sản xuất nuôi trồng. Điều đáng lo ngại là bãi rác nằm cạnh sông Đơ, phía nam thông ra biển ở phường Trường Sơn, phía Bắc nối với sông Mã và cũng thông ra biển Sầm Sơn ở Lạch Hới (phường Quảng Tiến). Nước thải đổ ra sông Đơ sẽ tấn công bãi biển Sầm Sơn, đe dọa trực tiếp tới du khách khi về đây tắm biển.

Ám ảnh lượng rác thải 'khổng lồ' của thành phố biển Sầm Sơn - Ảnh 2.

Nước thải đen ngòm này sẽ chảy ra sông Đơ.

Theo tìm hiểu của PV, trong 3 năm trở lại đây lượng du khách về du lịch tại thành phố biển này tăng cao, mỗi ngày Công ty CP Môi trường đô thị dịch vụ du lịch Sầm Sơn (Công ty môi trường) đưa về bãi rác khoảng 100 tấn rác các loại.

Rác vận chuyển về đây được đổ chủ yếu vào 3 hố chôn lấp, tuy nhiên lượng rác quá nhiều mà bãi rác hết chỗ nên núi rác cứ cao lên từng ngày. Đến thời điểm này, cả 3 “ngọn núi” rác đã cao tới 15 m, xe chở rác không thể trèo lên được nữa nên rác được đổ tràn cả ra đường đi nội bộ trong bãi rác.

Biết ô nhiễm nhưng bí chỗ đổ

Theo báo cáo của công ty môi trường, đến tháng 3/2018, công ty này đã phải “cầu cứu” TP Sầm Sơn do 3 hố chôn rác hết chỗ đổ và xin ý kiến lãnh đạo thành phố. Sau đó, TP Sầm Sơn đã có văn bản chỉ đạo cho phép công ty này đổ rác vào đường đi nội bộ. Nhưng đến thời điểm này, bãi rác chẳng còn 1 chỗ trống.

Ám ảnh lượng rác thải 'khổng lồ' của thành phố biển Sầm Sơn - Ảnh 3.

Trong khi bãi rác quá tải thì mỗi ngày vẫn có hàng chục thậm chí hàng trăm tấn rác đổ về đây.

Cũng theo báo cáo, cạnh bãi rác có một hồ chứa nước với diện tích khoảng 6.000 m2, công suất xử lý 1.000 m3/giờ. Thế nhưng lượng nước thải đổ về hồ nhiều khiến hồ không đủ sức chứa. Thêm nữa, nước thải chảy ra từ “núi rác” cũng đổ về hồ khiến nước đen ngòm, sủi bọt; biến hệ thống xử lý nước thải gần như tê liệt.

Về việc này, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, rác thải ở Sầm Sơn đang là vấn đề nan giải, bãi rác đã quá tải nhưng giờ ngừng thì không biết sẽ đổ rác ở đâu. TP Sầm Sơn xin được đổ rác lên bãi rác Đông Nam (huyện Đông Sơn) nhưng không được vì bãi rác này cũng đang quá tải.

“Chúng tôi đã quy hoạch 1 bãi rác rộng khoảng 20 ha tại xã Quảng Minh, nếu được thông qua mới giải quyết được bài toán rác thải. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa đồng ý do quy hoạch phát triển Sầm Sơn không có vị trí xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, mà rác của Sầm Sơn sẽ được tập kết và xử lý tại Đông Nam. Do ở đây nhà máy xử lý rác cũng chưa xây dựng xong, nên chúng tôi vẫn phải cho cải tạo bãi rác để tiếp tục tập kết về đây chứ chẳng còn cách nào khác”- ông Tuấn cho biết.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.