Ấm áp lớp học 15.000 đồng/tháng giữa làng Đại học Thủ Đức

Lớp học tình thương nằm tại làng ĐH Thủ Đức nhiều năm qua đã tiếp bước đến trường cho nhiều trẻ em nghèo khó chỉ với 15.000 đồng/tháng đóng tiền điện, nước, mua bút học, dạy chữ...

Cái duyên với nghề giáo

lop hoc tinh thuong 15 ngan dong giua lang dai hoc thu duc
Hình ảnh ông Tư đang soạn giáo án để chuẩn bị lên lớp. Ảnh: Xuân Hồng.

Đến làng ĐH Thủ Đức – TP HCM, để tìm hiểu về lớp học tình thương của ông Tư thì từ chị bán dép, anh bán cơm, cô bán nước giải khát, sinh viên không ai là không biết tới người thầy tuổi ngoài 70 mỗi buổi sáng đều đặn dạy học cho con em công nhân trong vùng.

Người thầy ấy là ông Huỳnh Văn Phê (75 tuổi, quê ở Bến Tre), được người dân nơi đây gọi với một tên thân mật là ông Tư. Ông Tư và vợ, cô Nguyễn Thị Lành đã hơn 20 năm gắn bó với những đứa trẻ nghèo hiếu học nhưng không đủ điều kiện đến lớp.

lop hoc tinh thuong 15 ngan dong giua lang dai hoc thu duc
Lớp học tình thương với hai phòng học của ông Tư. Ảnh: Xuân Hồng.

Ông Tư kể, năm 1994 ông rời quê Bến Tre vào Sài Gòn làm công nhân cho một công ty ở quận 8. Sau một thời gian, công ty chuyển về làng Đại học ông và gia đình cũng chuyển về đây làm.

Ngày đó, ở đây còn hoang vu, nhà cửa thưa thớt chủ yếu là các lò gạch. Mỗi buổi tối đi làm về ngang mấy cái lò gạch nằm hai bên đường, tôi thấy sao con nít ở đây nhiều quá, sao không thấy đi học. “Tôi thắc mắc hỏi thì người ta mới nói trong vùng không có trường, muốn học phải đi 8 cây số mới có trường”, ông nhớ lại.

Qua tìm hiểu, ngay cả những chủ lò gạch khi ấy cũng rất quan tâm đến việc cho con em công nhân của mình được đi học nên có thuê các bạn sinh viên của các trường đại học gần đây để dạy nhưng vì các bạn bận học nên những buổi học thưa dần. Sau một thời gian thì không còn nữa.

Trước khi lên Sài Gòn lập nghiệp, vợ ông Tư là giáo viên nên khi biết thông tin này, hai ông bà quyết định sẽ mở lớp dạy cho các cháu nhỏ. “Trước kia vợ tôi có đi dạy học, thấy tụi nhỏ thất học nên thương lắm. Vậy là chúng tôi quyết định mở lớp dạy chữ, mới đó mà hơn 20 năm rồi”, ông giáo già trầm ngâm.

Nỗi lo của ông giáo già

Ngày đầu, lớp học là nhà bảo vệ của các anh dân phòng. Lâu dần, học sinh đến học nhiều nên năm 2001 ông Tư xây thêm một căn nhà rộng hơn để tiếp nhận đủ các em. Và đó cũng là lớp học bây giờ.

lop hoc tinh thuong 15 ngan dong giua lang dai hoc thu duc
Những chiếc máy tính bàn cũ được ông trang bị để các em có thể cập nhập công nghệ thông tin. Ảnh: Xuân Hồng.

Lớp tình thương hiện có 60 em với đủ lứa tuổi, từ trẻ mẫu giáo cho tới lớp 4, vì lớp 5 các em thì chuyển cấp nên học hết lớp 4 ông xin chuyển học trò của mình vào các trường chính quy để tiếp tục học cao hơn. Trước đây, ông không nhận học phí chỉ dạy cho các em, vì khi ấy, ông còn đi làm, có thu nhập nên có thể trang trải được.

Giờ tuổi đã cao và cũng không làm được công việc gì để có thêm thu nhập nên mọi người góp mỗi tháng 15.000 đồng để phụ ông trang trải tiền điện, nước và dụng cụ học tập thêm. Ông chia sẻ: “Mình dạy mà thấy tụi nó tiến bộ từng ngày, biết đọc, biết viết và vâng lời là tôi vui rồi. Mong sao tụi nó có thể cố gắng theo tới cùng để sau này cuộc sống đỡ vất vả và con cái của tụi nó được học hành tử tế hơn”.

Vợ ông Tư, thời gian gần đây sức khỏe không tốt phải về quê nghỉ ngơi nên một mình ông lo toan mọi thứ. Khi có bà Tư giúp mọi chuyện đều dễ dàng, bây giờ bà không khỏe nên mọi việc ông đều tự làm. Điều ông lo nhất là không còn đủ sức khỏe để dạy chữ cho lũ trẻ.

Ông Tư nói: “Bây giờ vợ tôi sức khỏe không tốt nữa, năm rồi bà ấy bệnh nên dạy nửa chừng phải nghỉ. Cả 1 năm rồi, tôi cố gắng dạy hết. Nhưng bây giờ, sức khỏe tôi cũng xuống dần nên tôi không biết duy trì lớp được bao lâu nữa. Tôi luôn sợ nếu tôi không duy trì được lớp nữa thì tụi nhỏ phải làm sao? Giờ cái chữ quan trọng lắm, rồi tương lai tụi nó nữa. Càng nghĩ tôi càng buồn và lo”.

Tôi luôn mong tụi nó luôn cố gắng hơn, giờ tụi nó nhỏ quá nên chưa hiểu gì. Khi trưởng thành nếu không có bằng cấp rồi làm phụ hồ, công nhân... Rồi thì con của tụi nó sẽ như thế nào? Không lẽ cứ quanh quẩn một vòng như vậy mãi.”

Ông Tư, không những là người thầy mà còn là người cha luôn nghĩ cho đám trẻ. Ông sợ những đứa nhỏ này sẽ không có tương lai tốt khi không biết chữ, rồi lại quẩn quanh kiếp nghèo như cha mẹ chúng. Một người dành hơn 20 năm để chấp bước đến trường cho những mầm non. Tuổi đã già nhưng ông chưa thôi trăn trở.

chọn
[Photostory] Vị trí khu đô thị 72.000 tỷ đồng đang tìm chủ tại Biên Hòa
Khu đô thị Hiệp Hòa có vị trí thuộc phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, quy mô quy hoạch khoảng 293 ha, với tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.