Phát biểu tại ‘Hội nghị Diên Hồng’ Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 17/5, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, đã đưa ra hai kiến nghị, trong đó đáng chú ý là kiến nghị về việc chính phủ cần tạo sự tin tưởng với cộng đồng doanh nhân bằng việc cụ thể hóa cam kết "không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế" thành các văn bản pháp luật.
Bà chủ Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. |
Theo bà Nga, với chủ trương không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế, doanh nghiệp sẽ cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình, chủ động khắc phục trong trường hợp xảy ra thiệt hại về kinh tế, nâng cao tư tuy “dám nghĩ dám làm” góp phần khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiên phong và những lĩnh vực vẫn được coi là có rủi ro cao. Từ đó doanh nghiệp có thể huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình, đồng thời giải phóng sức lao động, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước.
"Chúng tôi kiến nghị có các hành lang pháp lý, các quy định, văn bản cụ thể để doanh nghiệp được bảo vệ, không hình sự hóa các vi phạm kinh tế của doanh nghiệp và doanh nghiệp có cơ hội được khắc phục nếu có sai sót. Điều này sẽ tạo nền tảng và niềm tin cho các doanh nghiệp, các doanh nhân đối với Chính phủ, và tạo tiền đề cho các nhà đầu tư mạnh dạn hơn, vững tin hơn trong các quyết định đầu tư của mình", bà Nga nói.
Trong khi đó, chia sẻ về những khó khăn doanh nghiệp Việt vẫn vấp phải thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015. Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm.
Ông Lộc cũng đưa ra một số phản ánh từ phía doanh nghiệp cho biết: Chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục. Hiện nay mới chỉ có 44% doanh nghiệp hoạt động tiếp cận được vốn vay ngân hàng trong khi mức lãi suất phải chịu là 7-9%, cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%. Hiện chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… càng làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp cho biết họ phải trả chi phí không chính thức. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến ở nhiều nơi.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cũng khẳng định, nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân.
Trả lời về kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; các cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh về việc các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, nắm vững các quy định... để sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả.
Các hiệp hội cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tiếng nói mạnh mẽ trong phản biện, xây dựng chính sách; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết với quan điểm dân có giàu thì nước mới mạnh, vì vậy không chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước mà các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau... Điều quan trọng là "doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính".
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới cũng cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14,0% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái (So sánh 2016/2015: doanh nghiệp tăng 22,9%; vốn tăng 52,8%). |