Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, thành phố chịu tác động bởi hai đợt dịch COVID-19 nên kinh tế thành phố năm 2020 không thể duy trì được mức tăng như những năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm hoặc có mức tăng trưởng khá thấp.
Cụ thể, qui mô GRDP (giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 101.233 tỉ đồng (năm 2019 đạt 110.792); GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,16 triệu đồng (3.678 USD) giảm 10,2% so với năm 2019.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng "Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp" với tỉ trọng các khu vực năm 2020 ước đạt: Dịch vụ 65,1%; công nghiệp - xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,2%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) 10,4%.
Đến cuối năm 2020, thành phố hoàn thành đạt và vượt 3/11 chỉ tiêu đề ra, có 8/11 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch, trong đó có các chỉ tiêu chính như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP); Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và Tổng vốn đầu tư phát triển.
UBND TP Đà Nẵng đưa ra dự báo ba kịch bản kinh tế trong năm 2021 từ tích cực tới kém tích cực khi cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng duy trì tốt việc kiểm soát và không để bùng phát lại dịch bệnh COVID-19 cuối năm 2020 cũng như trong năm 2021.
Theo kịch bản một, ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt 8,5 - 9%, phấn đấu tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tương đương với kết quả năm 2019.
Tốc độ tăng của dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 7 - 8%, 8 - 9%, 3 - 4%, trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức trên 20% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống và trên 10% như: hoạt động dịch vụ khác và một số ngành công nghiệp khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8 - 9%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 7,5 - 8 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 150% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,5 - 9%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lí đạt khoảng 9.600 tỉ đồng.
Kịch bản hai, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm, và bắt đầu tăng tốc từ quí III/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt trên khoảng 5-6%, tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực Dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018.
Tốc độ tăng của dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 4 - 5%, 7 - 8%, 3 - 4%. Trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức khoảng 10% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động dịch vụ khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7 - 8%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 5 triệu lượt khách. Trong đó khách nội địa khoảng 4 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 70% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng khoảng 6%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lí đạt khoảng 9.240 tỉ đồng.
Kịch bản ba, năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quí IV/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt khoảng 3 - 3,5%, tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực Dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018.
Tốc độ tăng của dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 2 - 3%, 5 - 6%, 3 - 4%, trong đó, hầu hết các ngành đều tăng trưởng ở mức thấp, một số ngành có thể tiếp tục tăng trưởng âm do chưa thể phục hồi và tiếp tục nhận tác động tiêu cực từ COVID-19.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6-7%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó hầu hết là khách nội địa; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 7 - 10% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 3 - 4%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lí đạt khoảng 9.000 tỉ đồng.
"Xu hướng chung là các quốc gia đều mong muốn kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên tại nhiều quốc gia, các quyết định đều được xem xét, cân nhắc một cách rất thận trọng vì việc bãi bỏ những biện pháp hạn chế rủi ro quá sớm có thể kéo theo một đợt bùng phát dịch mới.
Kịch bản một là lí tưởng, song hiện vẫn có 400 - 500 nghìn người mắc bệnh và 6.000 - 7.000 người tử vong mỗi ngày nên kịch bản ba cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, kịch bản hai là lựa chọn phù hợp. Đồng thời khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thành phố sẽ phấn đấu để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng theo kịch bản một", đánh giá của UBND TP Đà Nẵng.