'Bà ngoại U60' rót 5 tỉ đồng đầu tư cho cô nàng chuyển giới làm homestay

Lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank, một người chuyển giới tham gia gọi vốn thành công với dự án homestay, với thông điệp mang lại ý nghĩa cho cộng đồng LGBT.

Lê Tiểu Luân tham gia Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa 3, gọi vốn cho dự án BeHome với số tiền 5 tỉ đồng đổi 15% cổ phần. Đây là homestay mới với mô hình thuê nhà có sẵn rồi cho khách du lịch thuê lại. Điểm đặc biệt là đội ngũ huấn luyện nhân sự theo định vị "BeHome là ngôi nhà thứ 2" của khách du lịch.

Shark Bình không còn "gắt" với startup 

Ra đời vào tháng 5/2016, BeHome hoạt động chỉ ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), hiện tại có 5 cơ sở. Trong năm 2019, startup này cho biết sẽ mở rộng thêm 2 cơ sở. Theo Tiểu Luân, doanh thu trong năm 2018 đạt 4,9 tỉ đồng, mức lợi nhuận đạt 7,5% doanh thu.

Năm 2019, BeHome dự tính sẽ cán mốc 27 tỉ đồng về doanh thu. Mức lợi nhuận sẽ tăng khoảng 25%, tức 7 tỉ đồng. Phú Quốc hiện có khoảng 500 cơ sở homestay, nhưng chỉ có khoảng 15% cơ sở theo đuổi mô hình "homestay là ngôi nhà thứ 2" như BeHome. 

be home (2)

BeHome tự tin về mô hình quản trị chất lượng với định hướng "ngôi nhà thứ 2". (Ảnh: Ngọc Diễm).

Tuy nhiên, BeHome đang gặp vấn đề về hợp đồng thuê nhà ở thời điểm hiện tại. Khi startup "ăn nên làm ra", các chủ nhà bắt đầu đòi lại mặt bằng. Các điều khoản trong hợp đồng lỏng lẽo nên phần thiệt nghiêng về phía đội ngũ Tiểu Luân.

Nghe nhà sáng lập BeHome trình bày khó khăn, Shark Bình "hỏi xoáy": Như vậy việc BeHome được định giá 34 tỉ đồng có vô lí không. 

Tiểu Luân nhanh chóng đáp lại: "Đâu có gì là thành công hết đâu anh! Lúc nào cũng có trắc trở thì mình mới học tập từ nó đúng không ạ? Em nghĩ các Shark phải là người thấm thía vấn đề này nhất chứ không phải là em".

Câu đáp duyên dáng khiến các vị "cá mập" cười ồ. Ngay cả nhà đầu tư khó tính như Shark Bình cũng nhận xét: "Anh rất thích em!  Em 'hỏi xoáy đáp xoay' rất tốt".

SHARK HOA BINH (3)

Ngay cả Shark Bình cũng không "gắt" mà còn ngỏ lời khen với Tiểu Luân. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Shark Hưng góp ý nếu BeHome đi theo hướng là đơn vị trung gian cho thuê homestay, tức chỉ đảm nhiệm quản lí, vận hành, tiếp thị và khai thác rồi chia lợi nhuận với chủ nhà, sẽ tốt hơn. Còn mô hình hiện tại, ông chủ CenGroup cho rằng có 2 bất lợi: "Nếu không cho thuê được, em vẫn phải trả tiền thuê nhà cho chủ nhà. Nếu em cho thuê được thì người ta sẽ tìm cách cắt hợp đồng của em".

Vì có nhiều rủi ro nên Shark Hưng quyết định không đầu tư. Nhưng nếu BeHome thay đổi cấu trúc mô hình, mạng lưới bất động sản của CenGroup sẽ mời đội ngũ Tiêu Linh làm đối tác.

Về mô hình đang theo đuổi, Tiểu Luân cho rằng: "Em đang muốn làm thay đổi một phần bộ mặt ngành du lịch Việt Nam". Cô khẳng định các nhà đầu tư chưa bao giờ ở một homestay nào mà có cảm giác quý mến các nhân viên lễ tân ở đó như người thân của mình.

"Mô hình của em quan trọng là ở cảm xúc", cô nhấn mạnh. Với khách du lịch nước ngoài, BeHome đã giúp thúc đẩy việc trao đổi văn hóa rất nhiều.

"Bà ngoại" chốt deal 5 tỉ đồng với điều kiện startup phải tạo việc làm cho người chuyển giới

Ngay những câu nói đầu của Tiểu Luân, Shark Hưng đã nhớ ra nhà sáng lập này từng tham gia cuộc thi The Tiffany Việt Nam 2018. Đây là cuộc thi tìm kiếm gương mặt người chuyển giới nữ, đại diện Việt Nam tham gia chương trình Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế (Miss Internaltional Queen).

Tiểu Luân tự tin thừa nhận mình là người chuyển giới. Hiện, cô đang tập trung vào quá trình giải phẫu chuyển giới hoàn toàn. Cô cũng chia sẻ, tên gọi sau khi "là con gái" của mình là Tiêu Linh. Khi cô tập trung vào công việc giải phẫu, người bạn đồng hành Đinh Cao Cường giữ chức vụ CEO BeHome.

Tiểu Luân khẳng định: "Em đứng đây ngoài mang lại danh dự và vốn đầu tư cho BeHome, còn muốn mang lại tiếng nói cho cộng đồng của em. Cộng đồng chuyển giới vẫn làm được và có thể làm tốt tất cả mọi công việc, lĩnh vực".

be home (3)

Tiểu Linh tự tin thừa nhận mình là người chuyển giới. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Theo Tiểu Luân, người chuyển giới kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không chỉ tham gia thương trường họ chỉ có quyết tâm để giành được thành công mà còn phải đánh đổi về thể xác, tinh thần và mối quan hệ với gia đình.

Năm 2015, Tiểu Luân từ Bình Định "tha hương cầu thực" ra Phú Quốc. Cô  bước chân vào lĩnh vực sản xuất bia tươi, khá mới mẻ trên thị trường. Sau khi huy động được một số vốn, Tiểu Luân khởi nghiệp nhưng rồi thất bại.

Cô đành trở lại đất liền, làm công ăn lương ở một khách sạn. Sau một thời gian, Tiểu Luân vẫn nuôi chí khởi nghiệp. Cô thuyết phục được cha mẹ góp vàng để đầu tư cho BeHome.

Shark Dzung dành nhiều ưu ái khi đã nhiều lần đỡ lời giúp cô nàng trước những câu hỏi khó từ các vị "cá mập". Nhà đầu tư này khẳng định: "Những bạn chuyển giới rất tinh tế về lĩnh vực dịch vụ".

Quan sát kỹ chia sẻ mô hình kinh doanh của Tiểu Luân, "bà ngoại" Đỗ Liên chia sẻ: "Tôi biết các bạn chịu rất nhiều thiệt thòi về sự công bằng, nhiều nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần". Và không nói nhiều, "bà ngoại" đồng ý rót 5 tỉ đổi 35% cổ phần BeHome. Yêu cầu "bà ngoại" đặt ra với BeHome là phải giúp đỡ cộng đồng người chuyển giới có việc làm tại đây.

Tiểu Luân cho biết ngay từ khi mở BeHome, cô đã luôn giúp đỡ cộng đồng của mình. Cô mở những lớp huấn luyện miễn phí cho các bạn để trở thành nhân viên hợp tiêu chí của mô hình.

be home (5)

Shark Liên rót tiền mà không cần lợi nhuận, miễn giúp được cộng đồng người chuyển giới. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Shark Liên khẳng định: "Thật sự tôi không muốn chia lợi nhuận với các bạn. Tôi muốn các bạn dùng số tiền lợi nhuận có được sau khi tôi đầu tư, để giúp cho các bạn chuyển giới có được công ăn việc làm ổn định". Nhưng để chốt deal, "cá mập" này yêu cầu Tiểu Luân phải luôn đồng hành cùng BeHome sau khi tạm ngưng để thực hiện giải phẫu chuyển đổi giới tính hoàn toàn trong thời gian tới.

Sau màn thảo luận với đội ngũ, nhà sáng lập BeHome mong muốn chỉ chia sẻ cho nhà đầu tư 30% cổ phần. Shark Liên gật đầu, thương vụ kết thúc bằng vòng tay của "bà ngoại" dành cho người con gái mang tên Tiêu Linh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.