Bà Trương Mỹ Lan suýt bị chiếm đoạt 40 triệu USD như thế nào

Bà Trương Mỹ Lan nhiều lần đưa cho ông Nguyễn Cao Trí tổng cộng 40 triệu USD khi thực hiện các thương vụ mua dự án, cổ phần, song bị chiếm đoạt sau khi bị bắt.

Ngày 10/3, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB tiếp tục với phần xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch tập đoàn này) và ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch tập đoàn Capella) - hai bị cáo cuối cùng.

Trong vụ án, ngoài việc bị cáo buộc vai trò chủ mưu cầm đầu, bà Lan còn là bị hại do ông Trí Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 40 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Theo cáo trạng, bà Lan nhiều lần đưa tiền cho ông Trí thông qua ba hình thức: chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp; mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, sau khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 8/3. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bà Lan khai, biết Nguyễn Cao Trí năm 2018. Lần đầu gặp mặt tại trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Trí đặt vấn đề bán cho bà 30% cổ phần của ông tại CTCP Cao Su, tỉnh Đồng Nai. Bà đồng ý mua và đặt cọc 6 triệu USD, sau đó nhiều lần thanh toán bằng tiền Việt tổng cộng là 500 tỷ đồng (23 triệu USD) và nhờ Hồ Quốc Minh đứng tên. Chủ tịch tập đoàn Capella còn hứa giúp bà sở hữu trên 66% cổ phần để nắm toàn quyền quyết định công ty, song không thực hiện.

Đến năm 2019, ông Trí mời bà hợp tác trong dự án Khu công nghiệp tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (hơn 20.000 ha). Đây là dự án ông Trí dùng CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings group đi xin dự án và chịu trách nhiệm lo về pháp lý. Bà Lan đã giới thiệu đối tác nước ngoài vào đầu tư và làm việc với ông Trí. Ông Trí nhiều lần ứng mượn tiền của bà tổng cộng 12,5 triệu USD và thống nhất khi dự án được triển khai thì khoản tiền này được tính vào chi phí ông Trí được hưởng.

Tuy nhiên, do dự án triển khai chậm, bà Lan yêu cầu chuyển trả lại số tiền trên hoặc chuyển nhượng Công ty Bến Thành cho bà, song ông Trí không thực hiện.

Liên quan đến CTCP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, bà Lan cho biết, năm 2020 ông Trí gặp thuyết phục, năn nỉ đầu tư dự án này nhưng bà không có nhu cầu. Ông Trí sau đó mượn tiền bà để đầu tư dự án.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển cho ông Trí vay 300 tỷ đồng nhưng không ký giấy tờ biên nhận. Do bà không muốn làm, nên ông Trí nói sẽ chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư ngoài Hà Nội và sẽ trả cho bà 500 tỷ đồng "nhưng cũng chỉ là lời hứa".

Theo bà Lan, "do mất niềm tin vào ông Trí" nên hai bên sau đó gặp nhau tính toán công nợ, chốt: ông Trí nợ bà Lan 1.000 tỷ đồng.

Chủ tịch tập đoàn Capella sau đó chuyển nhượng cho bà 10% cổ phần CTCP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang để cấn trừ nợ. Số cổ phần này bà cũng nhờ Hồ Quốc Minh đứng tên, còn bà giữ sổ cổ đông.

Ông Nguyễn Cao Trí tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Cao Trí từng cho rằng "bị vu khống, bôi nhọ"

Nhà chức trách xác định, sổ sách kế toán của Công ty Văn Lang không ghi nhận việc chuyển nhượng vốn điều lệ trên. Tháng 10/2022, sau khi bà Lan bị bắt giam, Trí chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đã ký trước đó. "Mục đích làm việc này của Trí nhằm xóa bỏ quyền sở hữu tại Công ty Văn Lang của bà Lan để chiếm đoạt tiền", cáo trạng nêu.

Ban đầu, tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Cao Trí khẳng định không nhận khoản tiền nào và còn có nhiều đơn gửi đi các nơi cho rằng "bị bà Trương Mỹ Lan bôi nhọ danh dự", nhưng sau đó thừa nhận hành vi.

Quá trình điều tra và tại ngày đầu diễn ra phiên tòa, ông Trí cho biết đã hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bà Lan, xin HĐXX vắng mặt trong những ngày tòa làm việc tiếp theo do "không liên quan" và bản thân đang bị bệnh đau cột sống nặng, không thể ngồi lâu. Yêu cầu của ông được tòa chấp nhận.

79/86 bị cáo thừa nhận cáo trạng

Kết thúc tuần làm việc đầu tiên, ngoài 5 người đang bỏ trốn, HĐXX đã thẩm vấn 79/86 bị cáo thuộc các nhóm: Vạn Thịnh Phát, SCB, đoàn thanh tra và các công ty liên quan. Tất cả bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm nêu trong cáo trạng.

Đối với nhóm bị cáo thuộc SCB, Vạn Thịnh Phát hầu hết đều khẳng định thực hiện hành vi sai phạm do bị bà Lan chi phối, chỉ đạo hoặc tin tưởng vào tài năng của bà này. Còn nhóm bị cáo thuộc đoàn thanh tra khai do thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bị mua chuộc...

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Trong 10 năm thâu tóm SCB (từ 2012 đến 2022), bà đã chỉ đạo SCB giải ngân cho nhóm khách hàng của mình hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.

Bà Lan bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng Tham ô tài sản.

Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.