Bắc Giang: Le Delta sắp xây KCN đầu tiên tại Tân Yên, tổng vốn 1.800 tỷ và kết nối trực tiếp với Vành đai 5

Dự kiến từ quý IV năm nay, Le Delta sẽ bắt đầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của Khu công nghiệp Phúc Sơn. Dự án này có quy mô 124 ha, là khu công nghiệp đầu tiên của huyện Tân Yên.

Ngày 23/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn tại huyện Tân Yên, Bắc Giang đối với CTCP Le Delta. Đến tháng 3/2024, dự án được điều chỉnh quy hoạch 1/500 và cấp chứng nhận đầu tư lần đầu. Đây là khu công nghiệp (KCN) đầu tiên trên địa bàn huyện Tân Yên.

Sẽ chuyển đổi đất 97 ha đất lúa

KCN Phúc Sơn có diện tích 124 ha, thuộc địa phận các xã Phúc Sơn và Lam Cốt, huyện Tân Yên. Phía tây và tây bắc dự án giáp ĐT.297; phía đông bắc giáp đường 297B ven sông Máng; phía nam giáp đất nông nghiệp và khu dân cư xã Lam Cốt.

Vị trí dự án kết nối trực tiếp với ĐT.297 ở phía tây và ĐT.297B ở phía bắc. Cách dự án 1,5 km về phía bắc là ĐT.287. Dự án kết nối với tuyến đường vành đai 5 thông qua ĐT.295. 

Về hiện trạng, trong ranh giới thực hiện dự án chủ yếu là đất chuyên trồng lúa nước (khoảng 97 ha), còn lại là đất trồng cây hàng năm khác; đất nuôi trồng thủy sản; đất thủy lợi; đất nghĩa trang; đất bằng chưa sử dụng; đất giao thông; đất chứa chất thải, rác thải và đất mặt nước chuyên dùng.

Diện tích đất nông nghiệp tại dự án đang được người dân xã Phúc Sơn và Lam Cốt canh tác trồng lúa và hoa màu, thu hoạch bình quân 60,4 tạ lúa/ha/năm, ước tính giá lúa thị trường hiện nay tương đương 42,3 triệu đồng/ha/năm.

Trong báo cáo vừa công bố, chủ đầu tư cho biết, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất công nghiệp sẽ mang lại thu nhập trung bình cho người lao động khoảng 8,6 tỷ đồng/ha (theo tiêu chuẩn 120 người lao động/ha) chưa kể các khoản thu thuế, phí.

Theo kiểm đếm thực tế tại khu vực dự án, có khoảng 17 lán trại tạm với diện tích khoảng 5.763 m2 được người dân dựng tạm phục vụ cho việc trồng hoa màu ở ven sông Máng; có 207 ngôi mộ, một khu nghĩa trang tập trung. Ngoài ra còn 1 khu vực tạm chứa chất thải rắn sinh hoạt với diện tích khoảng 600 m2. Tiếp giáp với dự án về phía tây là dự án của CTCP Vinahan với diện tích 0,46 ha.  

Ranh giới KCN Phúc Sơn nhìn trên bản đồ. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Xây dựng từ quý IV/2024

Về tính chất, KCN Phúc Sơn được định hướng là KCN tập trung, đa ngành, thu hút đầu tư trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực: chế biến nông lâm sản, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, bao bì và các ngành công nghiệp phụ trợ...

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ phân bổ hơn 79 ha xây dựng xí nghiệp, nhà máy; khoảng 16 ha đất cây xanh, mặt nước; 21 ha đất giao thông và gần 5 ha đất công cộng, dịch vụ. Công trình hành chính, dịch vụ có chiều cao 3 - 9 tầng, là công trình điểm nhấn kiến trúc của toàn dự án.

Đất nhà máy, xí nghiệp tại dự án sẽ chia thành 10 lô đất với diện tích 2,3 - 12,2 ha, mật độ xây dựng 70%, chiều cao 1 - 5 tầng. Trong các khu đất xây dựng nhà máy sẽ được chia nhỏ thành từng lô đất có diện tích 0,5 - 1 - 1,5 - 2 - 2,5 ha... theo nhu cầu của từng doanh nghiệp và ngành nghề đầu tư.

Trong đó, dành tối thiểu 5 ha để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định.

Tổng mức đầu tư của KCN Phúc Sơn là 1.836 tỷ đồng, bao gồm 297 tỷ đồng chi phí GPMB và 1.009 tỷ đồng chi phí xây dựng. Tiến độ dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 (70 ha) và giai đoạn 2 (54 ha).

Đối với giai đoạn 1, dự kiến trong quý II và quý III/2024, dự án sẽ bắt đầu khâu bồi thường GPMB; quý IV/2024 - quý III/2025 xây dựng hạ tầng kỹ thuật; vận hành thương mại từ quý IV/2025.

Đối với giai đoạn 2, dự kiến quý I/2026 - quý II/2026 bắt đầu khâu bồi thường GPMB; quý III/2026 - quý II/2027 xây dựng hạ tầng kỹ thuật; vận hành thương mại từ quý III/2027. 

Phối cảnh KCN Phúc Sơn. (Ảnh: Le Delta).

Đôi nét về chủ đầu tư, Le Delta được thành lập từ năm 2005, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tính đến tháng 11/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông  Ngô Văn Hùng. 

Le Delta là doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực gồm: thiết bị y tế, dịch vụ môi trường, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao, khai khoáng, xử lý rác thải, năng lượng tái tạo và bất động sản. Tại Hải Phòng và Đồng Nai, Le Delta đang đầu tư hai dự án nhà máy điện - rác.

Nói thêm về ông Ngô Văn Hùng, vị này đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Cà phê EA Pốk (Epoco, mã: EPC) và CTCP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên (Vĩnh Yên EUS, OTC: MVY), đồng thời đứng tên tại CTCP Tập đoàn Công nghệ HTP.

Đến nay, Bắc Giang có 9 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 2.239 ha, gồm: KCN Đình Trám (127 ha); KCN Quang Châu (516 ha); KCN Vân Trung (315 ha); KCN Song Khê - Nội Hoàng (150 ha); KCN Hòa Phú (293 ha); (KCN Việt Hàn (197 ha); KCN Tân Hưng (105 ha); KCN Yên Lư (377 ha) và KCN Phúc Sơn (124 ha).

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại Bắc Giang là 899 ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn khoảng 69,5%. 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.